Tăng cường ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động công chứng

(PLVN) -​Ngày 9/5, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng pháp luật và việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong tổ chức và hoạt động công chứng”.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý và ông Dương Bạch Long, Trưởng Ban nghiên cứu Chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu; cùng với đó là sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá như: công nghệ sinh học, kết nối vạn vật (IoT), công nghệ nano, công nghệ kỹ thuật số (ADP), trí tuệ nhân tạo (AI),… Các công nghệ này đã đặt ra yêu cầu nghề công chứng phải thay đổi phương thức làm việc nhằm bắt kịp xu thế chung để tồn tại, phát triển bền vững. Vì vậy, đồng chí hy vọng các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tích cực trao đổi, thảo luận, nhận diện những khó khăn, thách thức của việc thực hiện công chứng trong bối cảnh mới; từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về công chứng nói chung và công chứng điện tử nói riêng.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa phát biểu khai mạc

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa phát biểu khai mạc

Tại Hội thảo, ông Dương Bạch Long, Trưởng Ban nghiên cứu Chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành trình bày nội dung về pháp luật công chứng và yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng. Đội ngũ công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên phát triển mạnh mẽ, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch và tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Ông Dương Bạch Long trình bày nội dung về pháp luật công chứng và yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Dương Bạch Long trình bày nội dung về pháp luật công chứng và yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2024 cũng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập; nhất là trong việc bắt kịp tiến độ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số. Từ chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và việc triển khai thực tiễn, đồng chí cho rằng pháp luật công chứng cần được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung một số quy định về: khái niệm, nguyên tắc, điều kiện thực hiện công chứng điện tử; xác thực danh tính trực tuyến; ký điện tử; gửi, nhận tài liệu trực tuyến; thanh toán điện tử…

Ông Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội công chứng viên Việt Nam nhận định việc thực hiện chuyển đổi số hoạt động công chứng sẽ còn gặp nhiều thách thức, khó khăn. Một trong số đó đến từ chính văn hoá, thói quen của người cung cấp, sử dụng dịch vụ. Theo ông An chuyển đổi số trong lĩnh vực này sẽ kéo theo những thay đổi về văn hoá, thói quen; từ cách thức giao tiếp đến quy trình thực hiện công việc; các công cụ thực thi và cả môi trường pháp lý cũng cần phải có sự điều chỉnh.

Ông Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội công chứng viên Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Ông Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội công chứng viên Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Bên cạnh đó, thông tin công chứng sẽ được tập hợp và cập nhật vào cơ sở dữ liệu công chứng. Vì vậy, ông Đào Duy An đề nghị vấn đề bảo mật và quyền riêng tư cần được quan tâm, khắc phục trong hoạt động công chứng truyền thống và công chứng môi trường kỹ thuật số trong tương lai...

Một số đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Một số đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham luận, trao đổi các nội dung cụ thể về các thách thức của việc thực hiện công chứng trong bối cảnh xây dựng và phát triển Chính phủ số, xã hội số; các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến tổ chức và hoạt động công chứng trong môi trường số; kiến nghị hoàn thiện pháp luật về công chứng và công chứng điện tử…

Đọc thêm