Tăng giá điện thế nào để vẹn cả “nhiều đường”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tăng giá điện là chuyện không thể đừng được nữa. Vấn đề được nhiều chuyên gia bàn tính hiện nay là tăng như thế nào để hợp lý, hài hòa lợi ích của cả nền kinh tế và xã hội.
Cần tính toán tăng giá điện cho hợp lý. (Ảnh minh họa)
Cần tính toán tăng giá điện cho hợp lý. (Ảnh minh họa)

Xem xét điều chỉnh giá bán điện

Cuối tuần trước, Văn phòng Chính phủ phát đi thông cáo báo chí về những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề năng lượng. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương căn cứ các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân - chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền, hoặc chỉ đạo EVN xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền mức giá bán điện bình quân theo quy định của pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản khẩn yêu cầu EVN sớm yêu cầu EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, để Bộ Công Thương căn cứ vào chi phí này để tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đây là động thái được tất cả các chuyên gia kinh tế đánh giá cao bởi hầu hết đều nhận định “không thể đừng được chuyện tăng giá điện”. Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, đã 4 năm nay không tăng giá, trong khi đó khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu. Cơ cấu điện của Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện, giá than thì đã tăng mạnh trong 1 năm nay.

Đáng chú ý, ông Lâm cho rằng, nếu cứ giữ giá điện thì sẽ làm cho các thành phần sử dụng điện không có ý thức sử dụng tiết kiệm điện, bao gồm cả khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Nếu giá điện tăng lên thì chắc chắn các cơ sở sản xuất kinh doanh phải tính lại việc sử dụng năng lượng cho hợp lý, tiết kiệm chi phí và sử dụng phương thức chuyển đổi năng lượng.

Cùng với đó, hiện EVN đã và đang bị lỗ rất nặng do giá điện bán ra thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất điện. Do đó, theo ông Lâm, nên tăng càng sớm càng tốt để ngành điện bớt lỗ và đơn vị sử dụng điện chủ động thực hiện các phương pháp tiết kiệm, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị đến mùa hè – cao điểm sử dụng điện. “Chính phủ và các bộ, ngành cần phải đưa ra phương án tăng giá và giải trình các yếu tố tăng giá hợp lý để việc tăng giá bán lẻ điện được công bố càng sớm càng tốt” - ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế đã tăng quá cao, cần phải xem xét điều chỉnh giá bán điện lên mức độ phù hợp bởi không thể kéo dài việc giữ giá điện hơn nữa. Nếu cứ tiếp tục kéo dài giá điện hiện hành, ngành điện sẽ không cân đối được dòng tiền và dòng tiền âm thì không có tiền để thanh toán, chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện.

Cần tính toán phương án tăng giá điện hợp lý

Khác với xăng dầu (chủ yếu dùng trong vận tải), điện là nguồn năng lượng dùng trong mọi khâu của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là tiêu dùng, sản xuất. Điều này sẽ tác động mạnh đến giá cả, chi phí sản xuất, kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nên nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần nghiên cứu, tính toán lộ trình và các phương án tăng giá điện cho hợp lý.

“Nếu tăng giá điện trong năm 2023 sẽ tạo áp lực lên lạm phát do tăng chi phí sản xuất và chi tiêu dùng cuối cùng, đồng thời làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%” - ông Lâm cho biết.

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Bình quân năm 2021, giá than ở mức 138 USD/tấn (trong khi giá than nhập tháng 1/2021 chỉ là 82 USD/tấn, các tháng năm 2020 đều dưới 54 USD/tấn). Thực tế 10 tháng năm 2022, giá than vào khoảng 359 USD/tấn và giữ ở mức cao cho đến thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng cao, khiến ngành điện lỗ đến 60 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 (chỉ tính riêng chi phí sản xuất điện và doanh thu từ bán điện). Ngoài việc chịu áp lực giá than tăng cao, EVN cũng đang chịu áp lực không đủ than cho sản xuất điện dù vẫn chấp nhận nhiều đợt tăng giá của nhà cung cấp than trong năm 2022.

Do đó, theo ông Lâm, để bù lỗ cho khoản lỗ trong năm qua của EVN và phù hợp với các thông số đầu vào, đồng thời có cơ sở hút nguồn tài chính phát triển cho điện trong thời gian tới phải tăng khoảng 15% “nhưng không thể tăng trong 1 lần vì sẽ tác động rất mạnh vào nền kinh tế, làm suy giảm kinh tế và áp lực lạm phát lớn” – ông Lâm khẳng định.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã từng chia sẻ: “Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân,

Ông Lâm hiến kế: “Có thể đưa lộ trình tăng giá điện làm 2 lần vì không thể tăng cao trong một lần, điều này sẽ khiến nền kinh tế bị tác động nặng nề. Trước mắt trong năm 2023 nên tăng khoảng 8% và năm sau tăng tiếp thêm 7%”.

Mới đây, Chính phủ đã công bố khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân thấp nhất là 1.826,22 đồng/kWh; tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Đây sẽ là khung giá để EVN và Bộ Công Thương căn cứ vào để đưa ra các phương án tăng giá điện, sau khi EVN hoàn thành việc tính toán chi phí sản xuất điện trong năm 2022.

Đọc thêm