Tăng thuế thuốc lá sẽ giảm lượng... hút?

(PLO) - Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất giết chết một nửa số người sử dụng chúng. Các công ty thuốc lá đạt lợi nhuận hàng năm xấp xỉ 35 tỷ USD mỗi năm trong khi để lại một gánh nặng khổng lồ cho các Chính phủ và mỗi cá nhân về tử vong sớm, sức khoẻ suy yếu, chi phí chăm sóc sức khoẻ cao hơn và giảm năng suất lao động…

Tăng thuế thuốc lá để bảo vệ thanh thiếu niên và người nghèo

Ai cũng biết, việc tăng thuế thuốc lá cao làm tăng giá thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi (tác động mạnh hơn so với nhóm người trưởng thành). Việc tăng giá thuốc lá thông qua thuế thuốc lá có thể bảo vệ sức khoẻ trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên khỏi các nguy cơ tử vong, và bệnh tật do sử dụng thuốc lá thông qua thúc đẩy bỏ thuốc, ngăn chặn hút mới, và giảm số điếu hút.

Nhiều bằng chứng cũng cho thấy, việc tăng thuế thuốc lá còn góp phần làm tăng công ăn việc làm và tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung tại hầu hết các quốc gia, giảm chi phí chăm sóc sức khoẻ và tăng năng suất lao động từ nguồn nhân lực khỏe mạnh. Đặc biệt, việc tăng thuế giúp bảo vệ người nghèo. Thực tế cho thấy, người nghèo “nhạy cảm” với sự thay đổi giá thuốc lá hơn. Thuế thuốc lá ở mức cao dẫn đến việc giảm sử dụng thuốc lá mạnh hơn ở người nghèo, trong khi nguồn thu từ tăng thuế thuốc lá có thể được sử dụng để hỗ trợ cho các chương trình y tế, xã hội hay người nghèo.

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam quá thấp, và mức tăng thuế và giá trong những năm qua chậm hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát, khiến cho thuốc lá ngày càng trở nên rẻ hơn và dễ mua hơn. 

Vì thế, cần tăng mạnh thuế thuốc lá với một hệ thống thuế hỗn hợp để giảm sức mua thuốc lá, giảm sử dụng thuốc lá và giảm gánh nặng kinh tế và sức khỏe do thuốc lá là quan điểm được Bộ Tài chính đưa ra và nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều tổ chức, cá nhân.

Đề xuất sửa đổi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt - TTĐB, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên” cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc, và giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về y tế công cộng. 

Chia sẻ với báo giới về vấn đề này, Bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho hay, đề xuất bổ sung mức thu thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế TTĐB có ưu việt hơn hệ thống thuế theo tỷ lệ hiện tại, thuế tuyệt đối áp dụng một mức thuế đồng nhất trên tất cả các bao thuốc lá, qua đó giúp giảm chênh lệch giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, giảm những sản phẩm thuốc lá giá rẻ, từ đó hạn chế sự tiếp cận của thanh thiếu niên với sản phẩm thuốc lá giá rẻ, tránh được hiện tượng chuyển giá để giảm nghĩa vụ thuế của các công ty thuốc lá, và dự báo tốt hơn được nguồn thu ngân sách, tránh thất thu thuế của Nhà nước. 

Bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh tại một Hội thảo

Tuy nhiên, bà Hoàng Anh phân tích, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và các tổ chức y tế công cộng thì mức bổ sung thuế tốt nhất là 5.000đ/ bao thuốc lá năm 2020, mức này đóng góp đạt 100% mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, khi đó tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm 6,5% tuyệt đối, sẽ giúp 1,8 triệu người bỏ thuốc và qua đó sẽ giúp tránh được 900 nghìn ca tử vong sớm trong tương lai. Mức bổ sung thấp nhất cần đạt được là 2.000 VNĐ/bao thuốc lá vào năm 2020 để có thể giảm được 3% tỷ lệ hút thuốc của nam giới, giảm 600.000 người hút thuốc và tránh được 300 nghìn ca tử vong sớm trong tương lai./.

Đọc thêm