Tạo hành lang pháp lý cho di sản tư liệu

(PLVN) - Từ năm 1992, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khởi xướng Chương trình Ký ức Thế giới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu. Việt Nam tham gia Chương trình từ năm 2006. Tính đến nay, sau 18 năm là quốc gia thành viên của Chương trình với 10 di sản tư liệu được chương trình này ghi danh, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy di sản. Trong khi đó, di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh với xu hướng ngày càng gia tăng.
82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám vẫn đang chờ được ghi danh trong pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam. (Nguồn: Bộ VHTTDL)

Chưa thể phát huy hết giá trị vì thiếu luật

Theo định nghĩa của UNESCO, tư liệu là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai. Kể từ khi tham gia đến nay, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới (bao gồm Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám) và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943); mới đây nhất ngày 8/5/2024, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được ghi danh).

Với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, di sản tư liệu có ý nghĩa quan trọng và giá trị đặc biệt vì nó lưu giữ ký ức của dân tộc, làm bền chặt sợi dây gắn kết giữa hiện tại và quá khứ - động lực cho phát triển. Tuy nhiên, trong Luật Di sản văn hóa hiện hành đang thiếu quy định cụ thể nên những giá trị của di sản tư liệu chưa được hình dung và bảo vệ một cách đầy đủ.

Một vấn đề đặt ra khi sửa Luật Di sản văn hóa đó là sự giao thoa, chồng lấn giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa với dự thảo Luật Lưu trữ cũng được trình Quốc hội trong kỳ này. Sự giao thoa, chồng lấn thể hiện ở chỗ một đối tượng trong dự thảo Luật Lưu trữ là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt giao thoa với nhóm tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ VH,TT&DL và Bộ Nội vụ thống nhất tiêu chí để bảo đảm phân định rõ ràng. Tại phiên thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, để đảm bảo không chồng chéo giữa 2 luật, tại cuộc họp, đại diện hai Bộ đã thống nhất một số công việc triển khai liên quan đến hai luật. “Cơ quan soạn thảo tiếp thu thống nhất như quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những cái nào khi được công nhận là di sản văn hóa thì áp dụng theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), còn những cái khác thì để ở Luật Lưu trữ (sửa đổi)”, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Đơn cử như câu chuyện của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Với hình thức khắc chữ Hán và chữ Nôm bằng kỹ thuật khắc ngược dùng để in thành sách trong khoảng thế kỷ XVI đến XIX, mộc bản này được các nhà khoa học đánh giá là bảo đảm tính toàn vẹn, nguyên gốc, độc bản và là di sản đặc sắc. Năm 2017, từ nguồn lực địa phương và xã hội hóa, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với kinh phí gần 30 tỉ đồng. Từ đó đến nay, không có thêm nguồn kinh phí nào dành cho mục đích bảo vệ di sản bởi mộc bản không được điều chỉnh trong nội dung nào của Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Với bề dày gần 1.000 năm lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, đã đào tạo nhiều bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Nơi đây có 82 bia tiến sĩ ghi tên các vị đỗ đại khoa của 82 khoa thi từ năm 1484 đến 1780. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Từ năm 2011, 82 bia tiến sĩ đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới nhưng các văn bản luật hiện hành của Việt Nam không quy định đây là loại hình di sản gì. Như vậy, có một khoảng trống pháp lý để có thể nhận diện và định danh di sản, từ đó gây ra những bất cập trong việc quản lý...

Di sản tư liệu cần được bảo vệ bằng công cụ pháp lý

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam. (Nguồn: Bộ VHTTDL)

Theo các chuyên gia, di sản tư liệu có hàng trăm năm, rất khó bảo quản toàn vẹn lâu dài nếu như Bộ VH,TT&DL không sớm ban hành các quy định, thể chế để bảo tồn, phát huy hiệu quả của các di sản tư liệu.

Tại nhiều địa phương hiện nay vì thiếu vắng quy định cụ thể nên địa phương đã phải “vận dụng” các quy định về bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích, danh lam thắng cảnh nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu trên địa bàn. Đơn cử như tỉnh Ninh Bình có hàng ngàn bản sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, các địa bạ, thần tích - thần phả, ván khắc in kinh, gia phả... được lưu giữ tại các di tích, tư gia, từ đường dòng họ, trong đó có những di sản chưa được bảo quản đúng mức, nhiều tài liệu xuống cấp, mục nát; công tác bảo vệ còn nhiều khó khăn dẫn đến còn hiện tượng mất trộm chưa tìm lại được. Việc Ninh Bình vận dụng các quy định về bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích, danh lam thắng cảnh nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu trên địa bàn tỉnh cũng chỉ là giải pháp tạm thời và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành văn hóa địa phương.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Bộ VH,TT&DL tiến hành xây dựng trong một thời gian dài. Tại nhiều hội thảo, tọa đàm góp ý cho dự thảo luật, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu cũng nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý kiến của các chuyên gia. Dự kiến, ngày 18/6/2024 tới, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Trước đó, ngày 17/4/2024, tại phiên thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, làm rõ các vấn đề mà Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập, cho ý kiến. Theo đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, Chương IV có 11 điều từ Điều 50 đến Điều 60 với nội dung bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu.

Giải trình vấn đề liên quan đến di sản tư liệu, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế thì di sản tư liệu được UNESCO công nhận và xác định là một loại hình di sản độc lập với loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được thể hiện thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản được công bố năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002. Thời điểm đó, Việt Nam đã tham gia là thành viên của chương trình này và thống nhất cam kết để thực hiện điều ước này. Từ khi cam kết điều ước đó thì UNESCO ghi danh cho Việt Nam 9 di sản tư liệu. Theo UNESCO thì di sản tư liệu không nằm trong vật thể và phi vật thể, cho nên Việt Nam cần có một điều khoản riêng hay xây dựng riêng một chương về di sản tư liệu để phù hợp với điều ước quốc tế.

Rõ ràng, việc đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là nhu cầu bức thiết nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những di sản này một cách hiệu quả nhất. Cùng với những loại hình di sản khác, di sản tư liệu chính là nguồn tài sản vô giá phản ánh thành tựu sáng tạo của đất nước, dân tộc qua các thời kỳ khác nhau. Vì thế, để di sản tư liệu có thể kể trở thành những câu chuyện lịch sử của cha ông một cách sinh động, gần gũi, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Di sản tư liệu vẫn là vấn đề mới tại Việt Nam và chỉ được biết đến trong những năm gần đây, nên việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu được các chuyên gia nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, góc độ tiếp cận khác nhau. Cũng giống như các di sản văn hóa khác, di sản tư liệu vốn mong manh và nhạy cảm dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Chính vì vậy, công tác kiểm kê, nhận diện, bảo vệ di sản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” và đắc lực trong vấn đề kiểm kê, nhận diện, bảo vệ di sản tư liệu. Một số di sản tư liệu như văn bia, mộc bản… được số hóa một cách sống động “hơn cả hiện thực” bằng công nghệ 3D, 4D hay 5D… Tuy nhiên, để thích ứng và nhuần nhuyễn với 4.0, công tác quản lý nhà nước về di sản tư liệu cũng cần có những thay đổi, từ pháp luật, chính sách đến nghiệp vụ và con người.