Theo đó, Dự thảo này chỉ tập trung vào hoạt động đào tạo đối với thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư – những CDTP “cốt lõi” trong tranh tụng tại phiên tòa – nhằm đảm bảo phù hợp trong bối cảnh triển khai những quy định mới của Hiến pháp năm 2013.
Sẽ tổ chức kỳ thi tuyển tư pháp
Trong những năm qua, công tác đào tạo các CDTP đã được chú trọng và đạt được những thành tựu nhất định, góp phần đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. Theo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, các trường đào tạo cử nhân luật, đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ về tư pháp đã phát triển nhanh về số lượng với gần 50 cơ sở, đào tạo số lượng lớn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên…, đáp ứng bước đầu yêu cầu chuẩn hóa trình độ cán bộ các cơ quan tư pháp.
Đặc biệt gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp phê duyệt các Đề án: Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP; thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, góp phần khẳng định tên tuổi, uy tín của các cơ sở này.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, công tác đào tạo các CDTP đã bộc lộ không ít bất cập, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nói riêng cũng như các CDTP nói chung. Điều đó dẫn đến việc khó thực hiện được mục tiêu nâng chất lượng cán bộ tư pháp và phục vụ nhiệm vụ nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.
Vì vậy, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số CDTP, tập trung điều chỉnh hoạt động đào tạo nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng.
Báo cáo các định hướng nội dung cơ bản của Dự thảo Pháp lệnh, Giám đốc Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thái Phúc cho biết, Dự thảo dự kiến đưa ra quy định chung về mục tiêu, nguyên tắc trong hoạt động đào tạo, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đào tạo; hoạt động đào tạo các CDTP (chương trình đào tạo nguồn bổ nhiệm và đào tạo nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư); cơ chế phối hợp trong công tác đào tạo; vấn đề tuyển dụng, sử dụng người tốt nghiệp các chương trình đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… Đáng chú ý là về tuyển sinh đầu vào, trong Dự thảo sẽ có quy định “việc tổ chức kỳ thi tuyển tư pháp để lựa chọn những người đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo” – ông Phúc nói.
Đào tạo nguồn cho 3 chức danh chủ chốt trong tranh tụng
Sau khi nghe báo cáo định hướng và một số ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Bộ trưởng – Trưởng Ban soạn thảo Dự án Pháp lệnh Hà Hùng Cường nhấn mạnh về định hướng xây dựng Dự thảo Pháp lệnh không được đi “chệch” quá mục tiêu đã được Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương thống nhất.
“Quan trọng là phải tạo đột phá trong đào tạo chung nguồn nhân lực cho hoạt động tranh tụng của đất nước. Muốn vậy, phải tham khảo xem kinh nghiệm các nước đào tạo, lựa chọn ra sao. Tôi thấy tại nhiều nước cực kỳ chú trọng đào tạo luật sư, luật sư nào giỏi mới được bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên cho đất nước” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Trăn trở những những hạn chế của nền tư pháp hiện nay trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đang được triển khai thi hành, Bộ trưởng đề nghị rà soát tất cả các quy định của Hiến pháp và những dự luật khác đang được trình Quốc hội để tìm ra con đường đi phù hợp, tạo đồng thuận, giúp cho nền tư pháp của đất nước thực sự đổi mới.
Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu, Dự thảo Pháp lệnh phải tạo nền tảng pháp lý ở tầm vĩ mô cho đào tạo nguồn đối với 3 chức danh tham gia vào quá trình tranh tụng, “đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, nên đối tượng tham gia đào tạo thường đã trải qua một số năm công tác nào đó”.
Bộ trưởng cũng cho rằng nên tiến tới có 1 kỳ thi quốc gia mà nhiều nước đang áp dụng hay ở Đức, Nhà nước sẽ cấp kinh phí đào tạo các CDTP trong 3 năm, nếu năm đầu trượt thì phải hoàn trả học phí cho Nhà nước. Bên cạnh đó, “hoạt động đào tạo này bao gồm nhiều nội dung nhưng phải quan tâm hàng đầu việc đào tạo nghề, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp” – Bộ trưởng lưu ý.