“Tập đoàn Tân Hiệp Phát” thông đồng đấu giá: Bất thường của Công an Bà Rịa - Vũng Tàu khi đấu tranh với dấu hiệu tội phạm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, Cơ quan CSĐT Công an (CA) Bà Rịa – Vũng Tàu (BR - VT) vừa có Thông báo 843/TB-CSKT về kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm về sai phạm trong quá trình tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng khu đất 79.481,9m2 tại Côn Đảo; khẳng định nhóm người trong Cty TNHH Dịch vụ - Thương mại Tân Hiệp Phát (219 Đại lộ Bình Dương, Thuận An, Bình Dương) đã “có sự thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá giành quyền mua tài sản”. Thế nhưng trong xử lý sai phạm, CA BR-VT lại có một số quan điểm, động thái dấu hiệu bất thường.
CQĐT xác định ông Thanh, bà Chi, bà Bích, ông Tuấn, bà Phương, ông Khánh đã thông đồng móc nối để dìm giá giành quyền mua tài sản.
CQĐT xác định ông Thanh, bà Chi, bà Bích, ông Tuấn, bà Phương, ông Khánh đã thông đồng móc nối để dìm giá giành quyền mua tài sản.

Thông đồng đấu giá nhưng “chưa cấu thành Điều 218 Bộ luật Hình sự”

CQĐT kết luận bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, người đại diện Cty Tân Hiệp Phát) và bà Võ Thị Khánh Chi (SN 1985, cấp dưới bà Bích); thông đồng dìm giá khu đất tại khu An Hải – An Hội, huyện Côn Đảo. Sai phạm này còn có sự tham gia giúp sức của bà Trần Uyên Phương (chị bà Bích), ông Trần Quí Thanh (ông chủ Cty Tân Hiệp Phát, cha của bà Phương, bà Bích), ông Vũ Anh Tuấn (SN 1978), ông Nguyễn Lê Khánh (cùng là cán bộ, nhân viên Tân Hiệp Phát).

Ngay từ khâu lựa chọn tổ chức bán đấu giá khu đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) thuộc Sở TN&MT đã có bất thường khi chỉ định thầu cho Cty Đấu giá hợp danh BR-VT (185/13 Ba Cu, phường 4, TP Vũng Tàu), là một dạng “trẻ sơ sinh” trong lĩnh vực đấu giá, tổ chức cuộc đấu giá. Cty này sau đó không lưu một số giấy tờ hồ sơ đấu giá; và đến thời điểm thẩm định, chỉ có hồ sơ của bà Bích và bà Chi “đủ điều kiện tham gia xét”.

Từ một khoản tiền 245 tỷ đồng do bà Phương chuyển, các đối tượng chuyển lòng vòng cho nhau để bà Bích, bà Chi lấy số dư tài khoản “chứng minh năng lực tài chính”. Về năng lực tài chính, bà Bích, bà Chi không có giấy tờ chứng minh năng lực tài chính và khả năng huy động vốn.

Về khoản tiền bà Bích, bà Chi đặt trước hơn 107,4 tỷ đồng/người cũng do bà Phương chuyển cho hai người. Sau khi bà Chi không trúng đấu giá và được hoàn trả, bà Chi chuyển lại ngay cho bà Phương.

Dù bà Bích, bà Chi không đủ các điều kiện tham gia đấu giá khu đất trên nhưng bà Bích, bà Chi vẫn được tham gia đấu giá. Trong cuộc đấu giá, ông Tuấn, ông Khánh là hai “người đại diện” (sau này CA BR-VT xác định ông Tuấn mạo danh, là người đại diện “rởm”) chỉ bỏ phiếu trả giá vòng một, mức chênh lệch không lớn so với giá khởi điểm, rồi từ chối nhận phiếu trả giá vòng hai. Hai người này khai với CQĐT rằng “chỉ được người ủy quyền cho phép bỏ giá một lần duy nhất với số tiền bỏ giá được ấn định trước, không được trả giá lần 2”. Thế nhưng, đấu giá viên Đoàn Huy Văn vẫn tuyên bà Bích trúng đấu giá khu đất trên.

CQĐT khẳng định “có căn cứ cho thấy những người tham gia đấu giá, người ủy quyền có sự thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá giành quyền mua tài sản mà không phải đấu giá với đối thủ nào khác; ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ tài sản”.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT CA BR-VT lại đưa ra quan điểm “UBND tỉnh chưa ra quyết định công nhận kết quả đấu giá và chưa bàn giao đất cho người trúng đấu giá nên chưa xác định được giá trị thu lợi bất chính và hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra” và “hành vi của bà Bích, bà Chi và những người liên quan chưa đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo Điều 218 BLHS”. Cơ quan này ra quyết định không khởi tố hình sự vụ án số 22/QĐKKTVA-CSKT.

Cuộc đấu giá bị CQĐT khẳng định có nhiều vi phạm.

Cuộc đấu giá bị CQĐT khẳng định có nhiều vi phạm.

Bỏ lọt tội “làm, sử dụng giấy tờ giả”?

Chưa bàn về việc quan điểm trên của Cơ quan CSĐT CA BR-VT có phù hợp pháp luật hay không, có nhiều dấu hiệu cho thấy cơ quan này đã ưu ái khi xử lý sai phạm của “tập đoàn Tân Hiệp Phát”.

LS Nguyễn Trâm (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Có một điều rất bất thường và kỳ lạ trong thông báo của CA BR-VT, là dù kết luận hành vi của nhóm người trong “Tập đoàn Tân Hiệp Phát” là thông đồng móc nối đấu giá nhưng CA BR-VT không xử lý hình sự mà cũng không nhắc đến việc xử lý hành chính”.

LS Trâm cho biết, theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP (văn bản có hiệu lực ở thời điểm các đối tượng có vi phạm) thì từ ông Thanh, bà Phương, bà Bích, bà Chi, ông Tuấn, ông Khánh, đến DN đấu giá... đều phải bị xử phạt hành chính.

Theo điểm d khoản 2 Điều 21 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, Cty Đấu giá hợp danh BR-VT có thể bị phạt đến 7 triệu đồng vì đã không lưu giữ một số giấy tờ hồ sơ đấu giá.

Với ông Thanh, bà Phương, bà Bích, bà Chi, ông Tuấn, ông Khánh, nếu sai phạm của các đối tượng này “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” theo quan điểm của CA BR-VT thì theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 110/2013/NĐ-CP phải bị xử phạt đến 20 triệu đồng/người vì đã có hành vi thông đồng dìm giá.

Thế nhưng, CA BR-VT trong thông báo hoàn toàn không nhắc đến việc xử lý hành chính các đối tượng trên.

Vẫn lời LS Trâm: “Một trong những nguồn cơn dẫn đến vụ thông đồng đấu giá này, theo kết luận của CQĐT, là đến từ Trung tâm PTQĐ thuộc Sở TN&MT khi đã có những bất thường trong chỉ định thầu Cty đấu giá. Thế nhưng, cũng không thấy CA BR-VT kiến nghị UBND tỉnh xử lý kỷ luật hay nhắc nhở Trung tâm PTQĐ”.

Đã đưa ra quan điểm không xử lý hình sự theo Điều 218 BLHS với nhóm người Tân Hiệp Phát, còn có chứng cứ cho thấy trong sự việc này, CA BR-VT đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khác.

Theo CA BR-VT, đơn vị này đã giám định chữ ký trên Giấy ủy quyền chứng thực 002280 mang tên Trần Ngọc Bích, kết luận không phải do bà Bích ký. Thế nhưng, ông Vũ Anh Tuấn vẫn mang đi nộp để tham gia cuộc đấu giá, “đại diện” cho bà Bích, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tại cuộc đấu giá. Hành vi này có dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS.

Theo LS Trâm, cấu thành của tội danh này là làm giả, sử dụng những giấy tờ giả để nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Giấy ủy quyền ông Tuấn mang đến để tham gia cuộc đấu giá đã giả chữ ký bà Bích, đã hoàn thành mục đích lừa dối cơ quan chức năng BR-VT. Như vậy, hành vi của đơn vị chứng thực và ông Tuấn đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm trên. Dù đã giám định văn bản, có kết luận về hành vi nhưng không hiểu sao CA BR-VT lại không nhắc đến việc xử lý dấu hiệu tội phạm này?

LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS Đồng Nai), người đã theo dõi sự việc những người trong “Tập đoàn Tân Hiệp Phát” thông đồng đấu giá từ lâu, nói: “Ngày 21/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra Công điện 1767/CĐ-TTg, chỉ đạo UBND các tỉnh thành, Bộ Công an, Bộ TN&MT rà soát công tác tổ chức đấu giá QSDĐ đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Tôi cho rằng vụ án nhóm người trong “Tập đoàn Tân Hiệp Phát” thông đồng đấu giá chính là một điển hình của vấn nạn mà Thủ tướng nêu ra, nên Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND BR-VT và Công an BR-VT cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, rà soát lại sự việc, xử lý đúng quy định pháp luật”.

Đọc thêm