Tây Hồ, Hà Nội: Đất nông nghiệp được “âm thầm” chuyển đổi thành đất “vàng” như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 200m2 đất nông nghiệp xen kẹt tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội bỗng nhiên được UBND quận Tây Hồ chuyển đổi thành “đất ở”, cấp Sổ đỏ cho 3 hộ dân nơi khác trong khi những người trực tiếp sử dụng thửa đất lại không hề hay biết. Có hay không lợi ích nhóm sau vụ việc chuyển đổi “đất vàng” này?
Một số công trình trên đất đã bị cưỡng chế theo quyết định của UBND quận Tây Hồ.
Một số công trình trên đất đã bị cưỡng chế theo quyết định của UBND quận Tây Hồ.

Đất nông nghiệp thành đất “vàng”

Vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 UBND quận Tây Hồ có Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 200 m2 đất nông nghiệp xen kẹt tại thửa đất số 95 (IP), thuộc tờ bản đồ số 52 (địa chỉ số 38 Quảng Khánh), phường Quảng An thành đất ở và cấp 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 3 hộ dân gồm vợ chồng ông H (trú tại quận Hoàn Kiếm, diện tích 76,5 m2), hộ ông T (trú tại quận Ba Đình, diện tích 76 m2) và vợ chồng ông N (trú tại quận Thanh Xuân, diện tích 84,9 m2).

Tuy nhiên, nhiều tài liệu lại thể hiện: tại thời điểm được UBND quận Tây Hồ cấp GCNQSDĐ như trên thì người trực tiếp sử dụng diện tích đất trên lại là bà Lê Thị Hằng (dựng nhà và kinh doanh cafe tại đây). Trước đó, vào năm 2007, bà Hằng nhận chuyển nhượng thửa đất (giấy tay) từ ông Lê Quang Nhật.

Tuy là người trực tiếp sử dụng đất nhưng dường như bà Hằng đã bị “qua mặt” vì không hề biết việc chính quyền địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở cũng như việc cấp GCNQSD đất cho 3 người ở nơi khác.

Thậm chí, vào tháng 9/2019 và 10/2020, tuy thửa đất đã được hợp thức hóa thành đất ở cho vợ chồng ông T, ông H và ông N được 2 - 3 năm nhưng bà Hằng vẫn bị “giấu nhẹm” bởi chỉ nhận được Thông báo của UBND Phường Quảng An cho rằng bà có “vi phạm trật tự xây dựng đô thị” (chứ không phải sử dụng đất đã được cấp Sổ đỏ cho người khác).

Bà Hằng sau đó đã viết giấy nhượng đất cho người khác và người này tiếp tục có giấy nhượng lại cho ông Phạm Ngọc Lâm (trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Đồng thời, phía sau thửa đất hiện còn một chủ sử dụng đất nữa là ông Nguyễn Đăng Quân (SN 1986, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cũng có giấy nhận chuyển nhượng nối tiếp qua một số người mà bắt đầu từ ông Lê Quang Nhật.

Sau khi tiếp nhận đất và công trình trên đất thì ông Lâm, ông Quân mới biết hơn 200 m2 đất tại 38 Quảng Khánh đã được cấp GCNQSDĐ cho 3 hộ khác từ trước đó 3 năm. Chính vì vậy, hai ông đã có đơn tố cáo gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc ông Đỗ Anh Tuấn (nguyên Chủ tịch UBND quận Tây Hồ) vào năm 2017 đã ký 3 GCNQSDĐ cho 3 hộ không đúng quy định của pháp luật vì những hộ này không trực tiếp sử dụng đất và không có quyền sử dụng đất hợp pháp (Đơn được Ban tiếp công dân TP Hà Nội tiếp nhận ngày 20/4/2021)

Ban tiếp công dân TP Hà Nội ghi nhận nội dung tố cáo của ông Lâm, ông Quân.

Ban tiếp công dân TP Hà Nội ghi nhận nội dung tố cáo của ông Lâm, ông Quân.

Theo ông Phạm Ngọc Lâm, hơn 200 m2 đất ở tại mặt đường Quảng Khánh có giá thị trường hiện nay lên đến hàng chục tỷ đồng. Với giá trị khủng như vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để trả lời rõ những bất thường hoặc sai phạm trong vụ việc này. Thậm chí, cần làm rõ có hay không những “lợi ích nhóm” đằng sau vụ thâu tóm đất nông nghiệp để chuyển đổi thành “đất vàng” này, cũng như có hay không việc ngân sách nhà nước bị thất thoát.

Nhiều bất thường

Cũng theo ông Lâm thì khi mua thửa đất, ông đã tìm hiểu và thấy rằng trước đó, bà Lê Thị Hằng đã dựng nhà kinh doanh cà phê ổn định trên đất, có hợp đồng sử dụng điện nước đầy đủ và không hề có tranh chấp với ai. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng chỉ xác định bà Hằng “vi phạm trật tự xây dựng đô thị” chứ không khẳng định đã lấn chiếm đất của cá nhân nào.

Còn ông Nguyễn Đăng Quân cũng khẳng định, khi nhận chuyển nhượng đất thì không thấy có tranh chấp với ai. Trên đất lúc có đã có ngôi nhà và hiện nay vẫn tồn tại. Không hiểu sao, khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, UBND quận Tây Hồ và cơ quan chuyên môn lại không phát hiện được việc thửa đất đang có người quản lý, sử dụng và có công trình trên đất... trong khi bắt buộc cơ quan này phải xem xét thực địa để xác định thửa đất có phải “xen kẹt” trong khu dân cư hay không? Đất còn khả năng sản xuất nông nghiệp hay không? Bảng giá đất tại vị trí thực tế như thế nào? Tình trạng tranh chấp ra sao?

Khẳng định việc chuyển đổi và cấp GCNQSDĐ trên không chỉ sai quy định mà còn xâm hại tới quyền lợi của những người trực tiếp sử dụng đất, cả ông Lâm và ông Quân đều cho rằng đã có sự cố ý làm trái của một số cán bộ.

Về các bất thường trong vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty TNHH Luật Trường Lộc) cho hay, theo Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội thì chỉ những thửa đất nông nghiệp mà người dân được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư được hình thành trước ngày 01/7/2014, có diện tích đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở do UBND Thành phố quy định mới được xem xét chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở.

Về trình tự thủ tục, người sử dụng đất cần nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường” (gồm đơn, Giấy chứng nhận....) tại UBND phường sở tại.

Như vậy, có thể thấy việc làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước tiên phải do “người sử dụng đất” có đơn và nộp hồ sơ. Tức là việc cho phép ai đó được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở thì điều kiện đầu tiên là người đó phải có đất, phải đang sử dụng thửa đất hoặc phải được nhà nước giao đất.

Trong vụ việc này, nếu những người đang trực tiếp sử dụng đất đều không có đơn và không nộp hồ sơ thì không biết UBND phường Quảng An và UBND quận Tây Hồ lấy cơ sở nào để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất? Đó là chưa kể 1 loạt các thủ tục khác cần thực hiện như: xác minh thực địa, đo đạc địa chính, công khai tại trụ sở UBND phường và khu dân cư... nhưng không hiểu sao người sử dụng đất đều dễ dàng bị qua mặt?

Tranh chấp đất bị “hành chính hóa”

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 30/12/2020, UBND phường Quảng An đã tổ chức “hòa giải tranh chấp đất đai” giữa ông Phạm Hùng (chủ sử dụng đất trước ông Lâm-PV) và bà T (đại diện cho 3 hộ được cấp GCNQSDĐ). Tuy nhiên, cuộc hòa giải này đã “không thành” và các bên đã thống nhất “không phải tổ chức buổi hòa giải nào khác”

Tiếp đó, ngày 25/1/2021, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Phạm Hùng với vi phạm cụ thể là “chiếm 137,5m2 đất, bao gồm 39,95 m2 đất do UBND phường Quảng An quản lý và 97,55 m2 đất phi nông nghiệp- đất ở đã được cấp Giấy chứng nhận”.

Bình luận về nội dung trên, LS Nguyễn Anh Tuấn cho hay, theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai thì tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận thì do TAND giải quyết.

Như vậy, trong vụ việc này, nếu cho rằng ông Hùng lấn chiếm 97,55m2 “đất phi nông nghiệp- đất ở đã được cấp Giấy chứng nhận” và tranh chấp đã được UBND phường Quảng An hòa giải nhưng “không thành” thì UBND quận Tây Hồ cần hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết tranh chấp. Hay nói cách khác, nếu chính quyền xử phạt việc người dân lấn đất của nhau là không đúng thẩm quyền.

Còn nếu sau đó, chính quyền lại căn cứ Quyết định xử phạt này để tổ chức cưỡng chế nhằm lấy đất cho một bên tranh chấp thì lại càng sai hơn, vì việc cưỡng chế lấy đất của người này giao cho người kia phải do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện, theo phán quyết đã có hiệu lực của Tòa.

Đọc thêm