Tây Hồ trong nỗ lực giữ gìn và phát triển văn hóa

(PLVN) - Mùa này đến với Hồ Tây là thực sự đến với “một mảnh hồn Hà Nội”. Không chỉ vậy, ở nơi đây, trên vùng đất Tây Hồ này còn có rất nhiều điều để kể…
Quận Tây Hồ - miền đất di sản mang đậm nét đẹp văn hoá ngàn năm. (Nguồn: KTĐT)

Xưa kia vùng đất Tây Hồ thuộc huyện Vĩnh Thuận cũ, tỉnh Hà Nội. Đến năm 1961, vùng đất Tây Hồ một phần thuộc về quận Ba Đình và một phần đất thuộc về huyện Từ Liêm cũ. Ngày 28/10/1995, quận Tây Hồ được thành lập theo Nghị định số 69-CP của Chính phủ trên cơ sở tách 3 phường: Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ thuộc quận Ba Đình và 5 xã: Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng thuộc huyện Từ Liêm, chuyển 5 xã thành các phường có tên tương ứng. Tổ chức bộ máy của quận chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/1996. Hiện tại, quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay có tổng cộng 8 phường, bao gồm: Bưởi, Nhật Tân, Phú Thượng, Quảng An, Thụy Khuê, Tứ Liên, Xuân La, Yên Phụ.

Quận Tây Hồ được đặt tên theo hồ nước ngọt lớn nhất ở nội thành Hà Nội - Hồ Tây, có diện tích mặt nước lên tới 526ha, được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Thủ đô, là “báu vật” của Hà Nội. Xung quanh Hồ Tây xưa kia là các làng nghề nổi tiếng, gắn với hình ảnh Thăng Long - Hà Nội: làng đào Nhật Tân, làng quất Nghi Tàm, làng Quảng An ướp trà sen, làng Yên Thái làm giấy dó, làng Trích Sài dệt lĩnh, làng Yên Phụ làm hương… tạo cho Hồ Tây trở thành một danh thắng nổi bật bậc nhất Thủ đô. Bên cạnh các làng nghề, ở quận Tây Hồ còn có nhiều di tích lịch sử nổi bật, nhiều ngôi chùa linh thiêng, lâu đời như: Chùa Trấn Quốc, chùa Châu Lâm, chùa Quán La (Khai Nguyên), chùa Kim Liên, chùa Mật Dụng, chùa Phú Gia, chùa Quảng Bá (Hoằng Ân), đền Đồng Cổ… trong số đó có nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá và di tích cách mạng. Mảnh đất thơ mộng này của Hà Nội cũng nổi tiếng với những nền ẩm thực độc đáo: trà sen Quảng An, xôi chè Phú Thượng, bún ốc, bánh tôm Hồ Tây…

Từ chuyện xây dựng “phường văn hóa” ở quận Tây Hồ…

Đôi nét chấm phá như vậy để thấy, ở Tây Hồ, vấn đề giữ gìn và phát triển văn hóa luôn là câu chuyện trọng tâm, được toàn thể người dân và chính quyền quan tâm. Cũng bởi lẽ đó, Tây Hồ là quận đầu tiên trên của thành phố Hà Nội triển khai xây dựng thành công mô hình “phường văn hóa”, để từ đó triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn.

Cách đây 15 năm, ngày 2/4/2009, quận Tây Hồ ban hành Đề án 03 về xây dựng “phường văn hóa”. Tiêu chí xây dựng “phường văn hóa” trong Đề án 03 không những cụ thể hóa các Thông tư, quy định của Bộ VH,TT&DL về Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và định hướng của UBND TP Hà Nội về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mà còn có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn địa phương.

Tính đến tháng 1/2024, quận Tây Hồ đã có 7/8 phường đạt danh hiệu “phường văn hoá”. Dự kiến ngày 8/10/2024, phường Tứ Liên sẽ trở thành phường văn hóa như vậy, quận Tây Hồ có 8/8 phường đạt danh hiệu phường văn hóa. Tại lễ đón nhận danh hiệu “phường văn hóa” của 2 phường Thụy Khuê và Yên Phụ vào ngày 27/1/2024, Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, quán triệt nghiêm túc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Quận uỷ Tây Hồ luôn xác định, phải xây dựng được nền tảng văn hoá vững chắc, để với đặc thù lợi thế của quận, văn hóa sẽ thực sự là động lực thúc đẩy, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng bộ quận Tây Hồ đã tập trung xây dựng “phường văn hóa” - là một mô hình văn hoá riêng có của quận Tây Hồ được triển khai với quan điểm: lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người; góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, phát triển đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lãnh đạo quận Tây Hồ trao Chứng nhận “Phường Văn hoá” cho phường Thuỵ Khuê và Yên Phụ. (Nguồn: KTĐT)

Có thể thấy, ở quận Tây Hồ, những kết quả đạt của mô hình “phường văn hóa” đã góp phần mang lại sự đổi thay không nhỏ. Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất đó là các phường đều có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ dân phố văn hóa; không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; không có tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm. Người dân sống và ứng xử văn minh, thanh lịch; không chửi bậy, đánh nhau, say rượu, bia gây mất trật tự công cộng. Các tuyến đường, ngõ phố xanh, sạch, thông thoáng hơn; hầu như không còn điểm tập kết rác tự phát, không còn những đám đông tụ tập gây mất an ninh, trật tự. Việc cưới, việc tang từng bước đi vào nền nếp với 100% cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc cưới cho bản thân hoặc con cái theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội. Theo thống kê, số hộ dân được công nhận “Gia đình văn hóa - sức khỏe” giai đoạn 2020 - 2022 đạt trung bình 94,4%; số tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” giai đoạn 2020 - 2022 đạt trung bình 94,1%...

Đến những tấm lòng lắng lo, chia sẻ

Một trong những khía cạnh đổi thay mà mô hình “phường văn hóa” đã và đang mang lại trên địa bàn quận Tây Hồ đó là tinh thần vì cộng đồng được người dân nơi đây thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Người dân trong quận luôn nêu cao tinh thần tự nguyện đóng góp vào các quỹ tri ân như: Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Vì người nghèo", "Chăm sóc người cao tuổi", "Bảo trợ trẻ em" hay ủng hộ đồng bào bị thiên tai…

Chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ. (Nguồn: UBND quận Tây Hồ)

Trong đợt bão số 3 vừa qua, quận Tây Hồ là một những quận của Hà Nội bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ngay trong khi cơn bão đang hoành hành, lãnh đạo quận đã kịp thời bám sát tình hình bão lũ, sâu sát những ảnh hưởng tới người dân để kịp thời giúp dân di chuyển con người và tài sản tới nơi an toàn. Ngày 12/9, toàn quận đã di dời 20.963 nhân khẩu ra khỏi khu vực ngập lụt. Về cơ bản người dân chủ động bố trí chỗ ăn ở sinh hoạt tại nhà người thân. Đối với các trường hợp không có nơi sinh hoạt, các phường đã chủ động đưa đón, bố trí nơi ăn chốn ở, hỗ trợ lương thực, thực phẩm để đảm bảo cuộc sống người dân trong khu vực tạm cư. Do ảnh hưởng của bão số 3, 152ha trồng đào, quất, hoa màu tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ đã bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng. Để khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh và giúp người dân ổn định cuộc sống, lãnh đạo quận, trực tiếp là Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng đã kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành tập trung rà soát những nơi bị ảnh hưởng nặng nề và lên kế hoạch hỗ trợ người dân trong thời gian sớm nhất. Những biện pháp hỗ trợ tín dụng, vay vốn với lãi suất ưu đãi đã được triển khai để giúp đỡ bà con khôi phục sản xuất.

Được biết, với nhu cầu vay vốn rất lớn hiện nay của người dân, UBND quận đang đẩy nhanh đề xuất với HĐND quận thông qua việc hỗ trợ cho người dân được vay vốn ưu đãi với lãi suất 0%, thời gian dự kiến từ 2 - 3 năm. Cùng với việc giãn nợ, cho vay vốn phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, thời điểm này, quận đã định hướng cho bà con canh tác thêm các loại hoa, rau màu nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân. Trong đó, quận sẽ hướng bà con phường Phú Thượng chuyển sang trồng hoa dơn, hoa loa kèn; khu vực phường Nhật Tân tổ chức trồng hoa cúc; phường Tứ Liên chuyển sang trồng màu; khu vực bãi Giữa sông Hồng chuyển sang trồng màu, cây dược liệu… để bảo đảm cuộc sống của người dân cũng như phục vụ Tết Nguyên đán.

Bên cạnh việc nỗ lực đứng dậy sau thiệt hại do bão lũ, chính quyền và người dân quận Tây Hồ cũng không quên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” với đồng bào các địa phương trên cả nước đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Ngày 10/9/2024, ngay sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ”, Ủy ban MTTQ quận Tây Hồ đã tổ chức phát động chương trình ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn quận Tây Hồ cùng chung tay chia sẻ ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

“Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, được sự đồng ý của Thường trực Quận ủy Tây Hồ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn quận phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo nhấn mạnh.

Ngay trong khi cơn bão đang hoành hành, quận Tây Hồ kịp thời đã di chuyển 20.963 nhân khẩu đang sinh sống ngoài khu vực đê sông Hồng đến nơi an toàn. (Nguồn: UBND quận Tây Hồ)

Ngay tại chương trình ngày 10/9, lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ và đại diện các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn quận đã ủng hộ Quỹ Cứu trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ hơn 80 triệu đồng. Chương trình ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại quận Tây Hồ sẽ diễn ra đến hết ngày 30/10/2024...

Nhà thơ người Anh Brao-ninh đã từng có câu nói rằng: “Nếu tước bỏ tình yêu thì trái đất sẽ trở thành nấm mồ”. Nếu không có tình yêu, tình người, thì dù một mảnh đất, một địa danh có đẹp đến đâu cũng sẽ vô cùng tẻ nhạt. Bởi vậy, sự yêu thương, quan tâm và chia sẻ là những yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của con người, tạo nên sức mạnh và ý nghĩa cho cuộc sống dù ở bất cứ nơi đâu. Và điều đó đã và đang được thấy hàng ngày, hàng giờ ở Tây Hồ - một mảnh hồn Hà Nội…