Làm giả giấy tờ xe mô tô
Theo bản án, từ năm 2008 Phan Trọng Hữu (SN 1978, trú tại thị trấn Vĩnh Hưng), làm nghề mua, bán phụ tùng và xe máy hóa giá về bán lại cho người khác. Năm 2010, lợi dụng trong hồ sơ xe mô tô hai bánh bán hóa giá theo quyết định tịch thu của cơ quan nhà nước không ghi rõ loại xe và dung tích xi lanh, Hữu và Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Quang Vinh, Lê Anh Tuấn đã mua các xe và hồ sơ xe hóa giá đã qua sử dụng có dung tích xi lanh nhỏ, rồi mua các xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh lớn từ 125cm3 đến 750cm3 không giấy tờ từ Campuchia và qua mạng Internet, mang về cắt số khung của xe hóa giá, hàn ghép vào số khung của xe mô tô có dung tích xi lanh lớn và mài, đục lại số máy khớp với hồ sơ xe hóa giá để hợp pháp hóa xe. Sau khi có biển số và giấy đăng ký thì mang đi bán.
Từ 01/4 đến 10/8/2010, Hữu thuê Vinh đăng ký tổng cộng 06 xe mô tô có hồ sơ là xe bán hóa giá theo quyết định tịch thu của cơ quan nhà nước. Vinh thuê Lê Văn Vũ, Lê Văn Trọng đứng tên đăng ký tại Công an huyện Thủ Thừa 4 xe, sau đó Hữu bán cho người khác sử dụng. Từ hành vi phạm tội nêu trên, Hữu bị TAND tỉnh Long An xử 05 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Có đúng với hành vi phạm tội? Không đồng tình, ông Ích (cha của bị cáo Hữu) có đơn kháng cáo cho rằng Hữu bị tuyên 5 năm tù là oan ức; quá trình điều tra, truy tố, xét xử có nhiều vi phạm, bởi trong cáo trạng nêu: “Xe mua qua rất nhiều trung gian” nhưng Cơ quan điều tra không xác định được ai là người đục số khung, số máy.
Trong quá trình điều tra, Hữu bị điều tra viên dùng biện pháp nhục hình, mớm cung làm sai lệch hồ sơ. Thông báo số 41/VKSTC-C6(P5) ngày 22/1/2012 của Cơ quan điều tra VKSNDTC nêu: “Trong quá trình điều tra, Điều tra viên Nguyễn Thanh Cao không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và các quy định của Bộ Công an. Khi hỏi cung bị can Hữu tại Trại giam Công an tỉnh Long An, Hữu không khai nhận hành vi phạm tội, Điều tra viên Cao dùng tay đấm vào đầu… của bị can Hữu”.
Mặt khác, có nhiều chứng cứ quan trọng không được làm rõ tại các phiên tòa. Ngoài ra, trong 4 chiếc xe Hữu bán ra thì người mua không bị thiệt hại về tài sản. Những người mua xe của Hữu đã bán lại cho người khác, trường hợp nào khi chuyển vùng khó khăn thì Hữu hoàn trả lại tiền. “Việc mua bán xe giữa tôi và Hữu chỉ là dân sự, không có yếu tố lừa đảo và khẳng định Hữu không hề lừa dối tôi điều gì. Về việc bán xe, hai bên đều thuận mua, vừa bán”, anh Trần Văn An - người đã mua xe của Hữu xác định. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã tuyên phạt Hữu 04 năm tù.
Đối với phần dân sự, bị hại không yêu cầu nhưng Hữu muốn được giảm hình phạt nên trong giai đoạn xét xử phúc thẩm có bồi hoàn được một phần, phần còn lại các bị hại từ chối nhận và không yêu cầu tòa giải quyết. Nhưng phần quyết định của bản án phúc thẩm không đưa vào đã gây khó khăn cho cơ quan thi hành án và người thi hành án. Theo Luật sư Trần Văn Hùng: Xét về hành vi của Hữu, theo Điểm 4 Mục F Thông tư 01/2007/TT-BCA-C11 ngày 02/1/2007 của Bộ Công an quy định về việc tổ chức đăng ký, cấp biển số: “Xe đã đăng ký, nay phát hiện giấy chứng nhận nguồn gốc nhập khẩu (giấy Hải quan) giả hoặc bị tẩy xóa, đục lại số máy, số khung: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có kết luận bằng văn bản của cơ quan điều tra không phải là xe bị trộm cắp thì cơ quan đăng ký xe chuyển giao cho Cục Hải quan hoặc Cục Thuế địa phương truy thu thuế.
Sau khi có chứng từ truy thu thuế thì giải quyết đăng ký. Theo hướng dẫn trên của Bộ Công an và thực tế không có thiệt hại về vật chất xảy ra nên việc truy tố, xét xử Hữu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có cơ sở. Được biết, ông Ích đã làm đơn khiếu nại đến Chánh án TANDTC xin xét xử theo trình tự giám đốc thẩm cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên.
Việc cà lại số sườn, số khung, làm giả giấy đăng ký xe, dập biển số giả có quốc huy thì đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự, tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4 -7 năm.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com