Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững với mức tăng trưởng tổng sản lượng trong nước (GDP) đạt 6,98% so với cùng kỳ năm 2017, cao nhất kể từ năm 2011. Đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ vì giá cả nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào tăng do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Tỷ giá tiếp tục ổn định nhờ sự phản ứng chính xác và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hạn chế những tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại, cũng như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều lần tăng lãi suất dẫn đến nhiều biến động mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Ngoài ra, NHNN vẫn đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn. Đầu tiên là kiểm soát mức độ tăng trưởng tín dụng toàn quốc nhằm kiểm soát lạm phát ở mức quân bình, tiếp tục xử lý nợ xấu tồn đọng trong hệ thống, và dần nâng cao chuẩn mực hoạt động của toàn ngành.
Trong bối cảnh đó, Techcombank tiếp tục khẳng định là ngân hàng có khả năng phát triển bền vững với hiệu quả kinh doanh dẫn đầu khi so sánh với các ngân hàng trong nước và khu vực. Thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đầu năm của Techcombank đạt 13.294 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu thu nhập của Ngân hàng ngày càng đa dạng hơn, tiếp tục chuyển dịch theo định hướng chiến lược. Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng giảm từ 53% xuống 48%.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động do Techcombank đã xử lý xong nợ xấu bán cho VAMC.
Cơ cấu bảng cân đối kế toán cũng tiếp tục có sự chuyển dịch theo định hướng chiến lược của Ngân hàng. Tính đến hết tháng 9/2018, Techcombank đang trên đà đạt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34,17%, đi trước so với yêu cầu của NHNN. Việc Techcombank chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước 1/1/2019 là để Ngân hàng đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của NHNN.
Cơ cấu bảng cân đối đang dần dịch chuyển theo định hướng chiến lược, tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tương đương với tỷ trọng dư nợ của khách hàng cá nhân. Mục đích cân bằng bảng tài sản giữa phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng, và từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tỷ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank vào thời điểm cuối tháng 9/2018 đạt mức 14,33%, cao hơn đáng kể (2,31%) so với cùng kỳ là do mức độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản. Điều này phản ánh mức độ thận trọng của Techcombank trong việc quản lý mức độ tăng trưởng tín dụng. Luôn phù hợp với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Techcombank tự hào là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản cao nhất hệ thống.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2018, Techcombank duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE-%) cao, ở mức 25,4% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA-%) là 3,2%. Cả hai chỉ số này của Techcombank đang ở mức hàng đầu giữa các ngân hàng trong nước và trong khu vực.
Bên cạnh đó, Techcombank tiếp tục ghi dấu ấn trên thị trường thẻ tiêu dùng. Theo báo cáo mới nhất của Visa, Techcombank giữ vị trí số 1 trên thị trường về doanh số thanh toán qua thẻ tín dụng (Visa Credit) và thẻ ghi nợ (Visa Debit). Đây là một dấu mốc ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của toàn thể CBNV của Ngân hàng trong quá trình triển khai chiến lược Khách hàng là trọng tâm, đặc biệt là cung cấp giải pháp thanh toán để đáp ứng đúng nhu cầu tài chính của khách hàng. Đồng thời, Techcombank cũng là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong việc hiện thực hóa định hướng của NHNN về việc giảm tiền mặt trong lưu thông.
Kết quả vượt trội này phần lớn đến từ các đầu tư chiến lược trong năm qua, từ con người đến dữ liệu, phân tích và công nghệ thông tin. Techcombank đang đặt kỳ vọng cao đó là trở thành một ngân hàng có khả năng tạo tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của cá nhân và doanh nghiệp, để mọi người cùng đạt được những mục tiêu cao hơn, vượt trội hơn.