Thà một lần đau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong cuộc sống, trong cuộc vận hành của xã hội, có một vài sai lầm mà người ta đối diện mãi thành… quen thuộc, thành tâm lý “sai mà tưởng đúng”. Lĩnh vực đăng kiểm ô tô là một điển hình như vậy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau hàng loạt vụ bắt lãnh đạo và cán bộ trung tâm đăng kiểm (TTĐK) có vi phạm, mới đây Cục Đăng kiểm đã có báo cáo gửi Bộ GTVT đề xuất nhiều nội dung mang tính chất cải tổ hoạt động đăng kiểm. Một trong số đó là miễn kiểm định lần đầu với xe mới.

Trước đó, trong một thời gian rất dài, đã có nhiều ý kiến đặt ra cần miễn đăng kiểm với xe mới. Theo một kết quả nghiên cứu trong 6 tháng (từ tháng 6 - 11/2022) của chính Cục Đăng kiểm, trên cơ sở số lượng các phương tiện mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đã được chứng nhận tại Việt Nam, cho thấy tỷ lệ không đạt của phương tiện cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại với nhóm phương tiện này chiếm tỷ lệ rất thấp (từ 0,17 - 0,31%). Nghĩa là 1.000 xe mới, thì chỉ có khoảng 2 - 3 xe không đạt. Nói cách khác, với xe mới, để trượt đăng kiểm, thì "khó như trúng số".

Mục đích của việc đăng kiểm xe là để bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nhưng với đối tượng mà biết chắc là đã bảo đảm tiêu chuẩn như trên, thì có cần thiết phải vô cùng khắt khe đến thế? Vậy mà bao năm nay, xe mới vẫn phải đi đăng kiểm. Trong khi đó, nếu sớm quyết xe mới không phải đi đăng kiểm, xã hội đã bớt được bao nhiêu sự phí phạm vô nghĩa. Nếu xe mới không phải đăng kiểm, mỗi xe không phải mất từ 250 - 570 ngàn đồng. Với khoảng 300 ngàn ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được người Việt mua mới mỗi năm sẽ tiết kiệm cho người dân 75 - 180 tỷ đồng chi phí đăng kiểm lần đầu. Hơn thế nữa, khoảng 300 ngàn chủ phương tiện cũng không mất vài giờ, thậm chí vài ngày chờ đợi đăng kiểm xe.

Trong vấn đề này, người dân và xã hội mất tiền, mất công một cách không đáng có, chỉ riêng các TTĐK là được hưởng lợi.

Cũng liên quan công tác đăng kiểm xe cơ giới, mới đây Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm báo cáo lại tiến độ thực hiện đề án “Tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm”. Và tới giờ, người ta mới biết có một đề án hợp lý lại dường như bị một số đối tượng lờ đi.

Theo đó, đề án này đã được Bộ GTVT ban hành năm 2015 nhằm chuyển dần các TTĐK thuộc quản lý Nhà nước sang khối tư nhân thông qua hình thức cổ phần hóa, hướng tới việc Cục Đăng kiểm và các Sở GTVT không tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định phương tiện. Đề án đặt ra lộ trình đến 2018, Cục Đăng kiểm chỉ còn giữ vai trò quản lý Nhà nước chứ không thực hiện công tác đăng kiểm xe cơ giới.

Tách chức năng quản lý Nhà nước với việc cung cấp dịch vụ, không để phòng ban của Cục Đăng kiểm vừa tham mưu về cơ chế chính sách, vừa trực tiếp thực hiện kiểm định, cung cấp dịch vụ; là biện pháp hoàn toàn đúng đắn; tránh tệ trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vậy mà sau 8 năm “triển khai đề án”, Cục Đăng kiểm và nhiều Sở GTVT vẫn tham gia cung ứng dịch vụ đăng kiểm thông qua một số TTĐK. “Đại án” đang bị điều tra đã chứng minh nhiều tiêu cực xảy ra tại chính các TTĐK này.

Chưa biết sẽ còn có bao nhiêu TTĐK tiếp tục bị phát giác sai phạm, điều tra, xử lý. Nhưng thà một lần đau, cần thiết có biện pháp xử lý như vậy, để hoạt động đăng kiểm được trở về đúng nghĩa, đúng mục đích để phương tiện bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Đọc thêm