Thái Bình: Chủ đầu tư kiện ngược dân để thoái thác trách nhiệm trong việc gây lún nứt nhà ở?

(PLO) - Trước đó, có không ít hộ dân ở tổ 22, phường Quang Trung, TP Thái Bình phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, về việc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao tỉnh Thái Bình trong quá trình xây dựng khu điều trị chất lượng cao đã gây ra sụt lún nền, nứt tường, trần nhà ở của các hộ dân liền kề. Điều đáng nói, Chủ đầu tư không những dừng thi công xây dựng để khắc phục hậu quả, mà còn tìm cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng bằng chiêu thức kiện ngược dân.
Khu điều trị chất lượng cao  tỉnh Thái Bình xây dựng giáp với nhà ở của các hộ dân liền kề
Khu điều trị chất lượng cao tỉnh Thái Bình xây dựng giáp với nhà ở của các hộ dân liền kề

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã có loạt bài viết “Thái Bình: Xây dựng khu điều trị chất lượng cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chủ sở hữu liền kề” với nội dung phản ánh về việc Công ty TNHH Bệnh viên Đa khoa chất lượng cao tỉnh Thái Bình trong quá trình thi công xây dựng Dự án khu điều trị chất lượng cao đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản nhà ở đối với 51 hộ dân liền kề. 

Để đảm bảo về an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản trong quá trình thi công xây dựng gây ra, người dân đã yêu cầu Chủ đầu tư dừng ngay việc thi công xây dựng, đồng thời đề nghị Chủ đầu tư xem xét khắc phúc hậu quả. Tuy nhiên, Chủ đầu tư vẫn cố tình tiếp tục thi công xây dựng,  kể cả khi có “lệnh” yêu cầu tạm ngừng thi công xây dựng của ông Vũ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Quang Trung.

Ngày 4/7/2018, UBND phường Quang Trung tổ chức buổi làm việc giữa người dân và Chủ đầu tư, cùng với sự tham gia của các cán bộ chuyên môn của phường và lãnh đạo tổ dân phố, đặc biệt có sự giám sát của cán bộ lãnh đạo phòng Quản lý đô thị, Thanh tra của thành phố Thái Bình để giải quyết đơn kiến nghị bồi thường thiệt hại do Chủ đầu tư gây ra. 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Trâm – Tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao, nhận định, “Công ty đã lường trước việc thi công công trình sẽ có thiệt hại phát sinh đến các hộ dân liên kề nên Chủ đầu tư đã tiến hành mua bảo hiểm công trình xây dựng”. Còn phía người dân có ý kiến, cán bộ Ban quản lý Dự án tiếp xúc với người dân thiếu văn hóa và đề nghị Chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường thiệt hại, trong trường hợp Chủ đầu tư không thỏa thuận thì chúng tôi đề nghị đình chỉ thi công toàn bộ dự án. 

Chị Nguyễn Thị Thục (bên trái) và chị Hoàng Thị Nga (vợ ông Phạm Văn Minh) phản ánh việc Chủ đầu tư trong quá trình thi công gây ảnh hưởng thiệt hại đến nhà ở của mình với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Thục (bên trái) và chị Hoàng Thị Nga (vợ ông Phạm Văn Minh) phản ánh việc Chủ đầu tư  trong quá trình thi công gây ảnh hưởng thiệt hại đến nhà ở  của mình với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam

Cũng tại buổi làm việc, ông Vũ Cao Cường đã kết luận: Đề nghị Chủ đầu tư và hai hộ dân tiếp tục thỏa thuận thống nhất bồi thường đến hết ngày 8/7/2018, đồng thời yêu cầu Chủ đầu tư tạm ngừng thi công xây dựng công trình. UBND phường Quang Trung tổng hợp hồ sơ, báo cáo UBND thành phố Thái Bình và các phòng ban chuyên môn để xử lý theo quy định. 

Đến ngày 6/7/2018 UBND phường Quang Trung có Báo cáo số 47/BC-UBND gửi Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình và UBND thành phố Thái Bình cùng một số cơ quan chuyên môn về việc tiếp tục giải quyết đơn đề nghị bồi thường thiệt hại do Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình làm ảnh hưởng đến công trình nhà ở của các hộ dân. 

Theo đó, UBND phường Quang Trung đã báo cáo về thời hạn cho phép Chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận bồi thường, đồng thời báo việc Chủ đầu tư không chấp hành theo biên bản làm việc ngày 4/7/2018 về việc tạm ngừng thi công xây dựng công trình để phối hợp với người dân thỏa thuận bồi thường, tuy nhiên, trong ngày 5/7 và ngày 6/7 Chủ đầu tư vẫn triển khai thi công một số hạng mục công trình giáp với nhà ở của bà Nhung gây bức xúc đối với 2 hộ gia đình.

Từ sự việc trên, cho thấy Chủ đầu tư không chỉ coi thường tính mạng của người dân và thể hiện trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại mà còn bất chấp “lệnh” yêu cầu tạm ngừng thi công công trình của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chưa dừng lại ở đó, Chủ đầu tư còn kiện người dân. Cụ thể, ngày 6/7/2018 Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao tỉnh Thái Bình đã gửi đơn khởi kiện bà Phạm Thị Nhung (là người đang yêu cầu Chủ đầu tư bồi thường thiệt hại vì trong quá trình thi công làm hư hại tài sản nhà ở của gia đình bà nghiêm trọng) ra tòa án thành phố Thái Bình về hành vi ngăn cản hoạt động thi công làm chậm tiến độ của Dự án 3 ngày gây thiệt hại cho Công ty này gần 2 tỷ đồng.

Làm việc với phóng viên, ông Trần Hồng Sơn - Phó Chánh án TAND thành phố Thái Bình, cho biết: “Tòa án đã tiếp nhận đơn và tài liệu của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao khởi kiện bà Nhung. Tuy nhiên, không phải chúng tôi cứ tiếp nhận đơn là sẽ xử lý, bởi vì không chỉ Công ty này mới có quyền gửi đơn mà bất kì công dân nào cũng có quyền gửi đơn khởi kiện. Hiện nay Tòa án vẫn đang yêu cầu cả 2 bên gửi các tài liệu để chứng minh, vì các tài liệu mà nguyên đơn khởi kiện chưa đủ căn cứ”. 

Theo người dân và bà Nguyễn Thị Thục (con gái bà Phạm Thị Nhung ) cho rằng, việc Chủ đầu tư kiện ngược chúng tôi là sự “trả đũa” cho những ai không thực hiện “yêu sách” đền bù, bồi thường của họ.

Điều đáng lưu tâm, mục tiêu xây dựng của Dự án này là để người dân tỉnh Thái Bình và một số tỉnh lân cận được sử dụng những dịch vụ tốt nhất trong việc chữa bệnh cứu người, thế nhưng, ngay từ bước triển khai xây dựng công trình Chủ đầu tư đã bộc lộ thái độ bất tuân pháp luật, coi thường tính mạng của người dân. Vậy, nhiều câu hỏi đặt ra, đến khi khu điều trị chất lượng cao đi vào hoạt động có đúng nghĩa với mục tiêu chữa bệnh cứu người hay để nhằm mục đích thương mại, đặt lợi ích lên hàng đầu? 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích bài tiếp theo.

Đọc thêm