Được biết tháng 7/2018, tại Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị ký kết hợp đồng BT các dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên với liên danh nhà đầu tư (Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 –T&G và Cty CP đầu tư phát triển sông Cầu).
Hợp đồng BT đối với 03 dự án thành phần gồm: Dự án Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu sông Cầu đoạn qua TP Thái Nguyên, Dự án Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đập Thác Huống. Dự án Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu chính thức được đại diện hai bên ký kết. Và theo điều khoản cam kết, 03 dự án sẽ hoàn thành trong vòng 60 tháng.
Trên cơ sở đề xuất của Liên danh Cty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) về kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, ngày 21/7/2016 UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 2511/UBND-TH về chủ trương giao nhà đầu tư lập đề xuất dự án.
Sau khi chuyển đổi dự án sang nhóm B thuộc thẩm quyền phê duyệt, ngày 12/10/2016 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2635/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên gồm 09 dự án được chia nhỏ nội dung tổng thể của Đề án, gồm: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu sông Cầu đoạn qua TP Thái Nguyên (Dự án số 1); Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Tả sông Cầu đoạn qua TP Thái Nguyên (Dự án số 2); Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê hai bên suối Mo Linh đoạn qua TP Thái Nguyên (Dự án số 3); Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đập Thác Huống (Dự án số 4); Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu (Dự án số 5); Nạo vét mở rộng lòng sông đoạn từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống (Dự án số 6); Xây dựng mở rộng đập Thác Huống, nâng cao mực nước đập Thác Huống về mùa kiệt lên 2m so với cao trình cũ và xây dựng đập dâng Quang Vinh (Dự án số 7); Xây dựng mới 4 cầu (Quang Vinh, Quang Vinh 2, Xuân Hòa, Huống Thượng) và sửa chữa nâng cấp cầu Gia Bảy (Dự án số 8); Xây dựng mới cầu Bến Oánh qua sông Cầu và cầu Mo Linh qua suối Mo Linh (Dự án số 9), với tổng vốn đầu tư 9.811 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 2.811 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 7.000 tỷ đồng. Các dự án thu hồi vốn cho các dự án BT có tổng vốn đầu tư 8.400 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án 2.800 tỷ đồng. Diện tích đất giải phóng mặt bằng cho dự án BT gần 400ha và diện tích đất cho dự án đối ứng trên 300ha.
Tuy nhiên, sau khi khởi công long trọng nhưng gần 2 năm sau mới ký hợp đồng BT và mới có 3/9 dự án thành phần được ký hợp đồng, thi công và đến năm 2023 mới hoàn thành. Mặc dù là dự án mang tính cấp bách, nhưng sau 3 năm khởi công hiện công trình vẫn đang dở dang, nhếch nhác, mất mỹ quan, nhất là mùa mưa lũ đã đến sẽ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng nhân dân sống dọc bờ sông Cầu như thế nào?
Được biết, ngày 18/3/2019, trong thông báo kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Xây dựng đôn đốc chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh các dự án 1, 4, 5 trình thẩm định phê duyệt chậm nhất vào cuối tháng 3/2019. Trước thực trạng trên, dư luận đặt câu hỏi tại sao dự án gần 10.000 tỷ được khởi công từ cuối năm 2016 đến tháng 7/2018 mới ký hợp đồng BT và là dự án cấp bách, nhưng lại thực hiện tới 5 năm chưa kể thời điểm khởi công? 6/9 dự án còn lại không biết khi nào mới triển khai thi công?