Nhiều hộ dân xã Cây Thị (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) tiếp tục phản ánh đến báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) về hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, đẩy người dân vào cảnh khốn khó, sụt lún, nứt nhà, mất nước...
Trao đổi với PV báo PLVN điện tử về vấn đề trên, ông Chu Phương Đông, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên cho biết: Đến nay, đơn vị mới thực hiện chi trả tiền bồi thường GPMB đối với 8 hộ dân theo quyết định thu hồi đất của UBND huyện. Đầu năm 2017, công ty dừng khai thác bởi người dân yêu cầu bồi thường giá cao đối với hiện tượng sụt lún, mất nước. Dự kiến, cuối năm 2017, khi cơ quan chức năng có kết luận chỉ rõ nguyên nhân, đối tượng khai thác dẫn đến hiện tượng nêu trên, thì công ty khai thác trở lại.
|
Dân chỉ hiện tượng sụt lún, nứt nhà ở với PV. |
|
Nhiều hộ dân phản ánh tình hình sụt lún đất, mất nước, nứt nhà xảy ra tại thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Ảnh: Xuân Hồng. |
Ông Đông nhấn mạnh, công ty đã dừng khai thác nên trong kết luận của cơ quan chức năng về đối tượng gây ra sụt lún, nứt nhà, mất nước không phải là Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (?)
Chia sẻ như ông Đông thì việc mất nước, sụt lún, nứt nhà, là do doanh nghiệp khác gây ra, chứ không liên quan đến hoạt động khai thác của Công ty Luyện kim đen Thái Nguyên, mặc dù thực tế hậu quả của việc khai thác đã quá rõ.
Cụ thể, tại Văn bản số 892/STNMT-TNN của Sở TN&MT Thái Nguyên nêu rõ: Ngày 15/4/2016, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1114/UBND-KTN gửi Bộ TN&MT, đề nghị cử cán bộ về xác định nguyên nhân gây ra sụt lún, nứt nhà. Ngày 13/5/2016, Bộ TN&MT đã cử Đoàn công tác (thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) phối hợp với Sở TN&MT, các đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát, nghiên cứu khu vực. Kết quả, điều tra, nghiên cứu, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã đưa ra kết luận về nguyên nhân mất nước, rạn nứt nhà cửa, sụt lún đất tại xóm Hòa Bình, xã Cây Thị, là do các moong khai thác nhỏ lẻ của Công ty CP luyện kim đen Thái Nguyên tác động gây ra.
|
Moong khai thác của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. |
|
Ông Đông - Giám đốc Công ty luyện kim dẫn PV ra hiện trường điểm mỏ để chứng minh không khai thác. Ảnh: Xuân Hồng. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Chính, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết: Có ý kiến cho rằng công ty “tuyên bố” đóng cửa mỏ, không tiến hành khai thác nữa để rũ bỏ trách nhiệm(?). Thực tế, dù công ty Luyện kim đen xin đóng cửa mỏ, nhưng cơ quan chức năng không đồng ý. Riêng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án khai thác quặng sắt mỏ Chỏm Vung Tây, xã Cây Thị, của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ yêu cầu công ty thực hiện chi trả tiền đền bù GPMB đối với các hộ dân đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án, dự án bồi thường GPMB của UBND huyện.
Kể cả, trong trường hợp nếu Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên có đóng cửa mỏ không khai thác nữa, thì vẫn phải chịu trách nhiệm về thiệt hại mà công ty đã gây ra cho các hộ dân trong vùng dự án.
|
Môi trường của 4 điểm mỏ ở huyện Đồng Hỷ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Hồng. |
Theo tìm hiểu được biết, theo quyết định của UBND huyện Đồng Hỷ về phê duyệt phương án, dự toán, bồi thường, hỗ trợ - GPMB dự án khai thác mỏ sắt Chỏm Vung Tây thì: Đợt 1, công ty phải bồi thường cho 6 hộ dân số tiền khoảng 1,8 tỷ đồng; đợt 2 phải bồi thường cho 9 hộ dân, số tiền khoảng 6,5 tỷ đồng; đợt 3 phải bồi thường cho 3 hộ dân, khoảng 3,7 tỷ đồng.
Trên thực tế, mặc dù công ty chưa thực hiện GPMB theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhưng đã tiến hành khai khai thác kiểu “cuốn chiếu” ở mỏ sắt Chỏm Vung Tây để kiếm lời. Theo báo cáo của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, từ cuối năm 2013 - 9/2016, công ty đã tổ chức khai thác với tổng sản lượng 86.589 tấn.
Việc khai thác mỏ sắt mang lại lợi nhuận lớn cho công ty, trong khi nhiều gia đình gặp nguy hiểm do việc khai thác tiến hành ngay sát nhà dân nhưng công ty… “mặc kệ”?.
Bức xúc trước việc khai thác của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, người dân đã nhiều lần phản ánh, gửi đơn thư kiến nghị lên các cấp chính quyền, đề nghị giải quyết. Chính quyền địa phương cũng đã họp lên họp xuống trong suốt thời gian dài, nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm!?.
Trước đó, ngày 5/7, báo PLVN điện tử có bài “Thái Nguyên: Khai thác khoáng sản ồ ạt đẩy nhiều hộ dân vào đường cùng” phản ánh việc khai thác ồ ạt tài nguyên khoáng sản của 4 điểm mỏ tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) khiến 133 hộ dân bị sụt lún, nứt nhà, mất nước trên diện rộng... Người dân đang hàng ngày đối mặt với hiểm họa khai thác khoáng sản, tác động môi trường “ngàn cân treo sợi tóc”.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc.