Thái Nguyên: Tòa “bỏ túi” phán quyết chia tài sản trước phiên xử 6 tháng?

(PLO) - Ngày 8/11/2017, TAND huyện Đại Từ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Sửu, bà Nguyễn Thị Thúy và ông Nguyễn Văn Thắng và bị đơn - Hoàng Thị Ngoan. Ngay sau khi tuyên án, các đương sự đã được HĐXX giao một bản sơ đồ thể hiện chính xác mốc giới, diện tích nhà đất được chia theo nội dung bản án vừa công bố. 
Bản án ghi ngày 8/11/2017 nhưng sơ đồ thể hiện phương án chia đất lập tháng 5/2017
Bản án ghi ngày 8/11/2017 nhưng sơ đồ thể hiện phương án chia đất lập tháng 5/2017

Bất ngờ ở chỗ, sơ đồ chia đất này lại được đo vẽ từ tháng 5/2017, tức là trước phiên tòa sơ thẩm tới 6 tháng. Việc này khiến bị đơn nghi ngờ rằng, phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm đã được mặc định từ trước (tức án “bỏ túi”) chứ không căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa.

“Phớt lờ” quyết định giám đốc thẩm?

Năm 2014, ba chị em bà Sửu, bà Thúy và ông Thắng đã có đơn khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của bố mẹ gồm toàn bộ thửa đất số 29, tờ bản đồ số 13 (rộng gần 2500m2) tại xóm Trại 4, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ do bà Hoàng Thị Ngoan (chị dâu) đang quản lý, sử dụng.

Bản án sơ thẩm (của TAND huyện Đại Từ) và bản án phúc thẩm (của TAND tỉnh Thái Nguyên) đều đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn để chia di sản và xác định công sức duy trì bảo quản di sản của bà Ngoan, trong đó xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm 4 đồng thừa kế là bà Sửu, ông Thắng, bà Thúy và hai thừa kế thế vị của ông Chất (chồng bà Ngoan và là anh trai của các nguyên đơn) là anh Nguyễn Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Việt Hương.

Tuy nhiên, do có một số thiếu sót trên hai bản án nói trên đều bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy để TAND huyện Đại Từ xét xử sơ thẩm lại.

 Liên quan đến việc lời khai và chứng cứ của bà Ngoan về việc đã mua nhà, đất của bà Thúy nhưng nhà đất này vẫn bị coi là di sản thừa kế, Hội đồng giám đốc thẩm (GĐT) từng yêu cầu rõ, Tòa án hai cấp phải lấy lời khai của bà Thúy và tiến hành đối chất giữa bà Ngoan và bà Thúy để làm rõ. Tòa án hai cấp chưa làm rõ nội dung trên mà chỉ căn cứ vào giấy bán nhà không thể hiện ô thửa rõ ràng; lúc mua bán hai cụ còn sống và bà Ngoan không chứng minh được hai cụ đã cho bà Thúy đất này… để không chấp nhận yêu cầu của bà Ngoan là chưa đủ cơ sở vững chắc.

Nhưng khi xét xử sơ thẩm (lần 2), TAND huyện Đại Từ không thực hiện các nội dung như yêu cầu trên mà vội bác bỏ lời khai của bà Ngoan về việc đã mua nhà đất của bà Thúy, vẫn chỉ dựa vào căn cứ rằng “không rõ ô, thửa, không có vị trí” và “bà Thúy không có giấy ủy quyền của bố mẹ”.

Quyết định GĐT cũng từng nêu rõ, lẽ ra phải chia cho bà Ngoan phần đất có nhà của vợ chồng và nhưng lại chia cho ông Thắng và buộc ông Thắng phải trả giá trị nhà cho bà Ngoan là không hợp lý...

Thế nhưng Tòa cấp sơ thẩm vẫn bất chấp nhận định trên và không cho bà Ngoan được hưởng phần đất có nhà, công trình xây dựng (tuyên cho anh Tuấn, chị Hương được phần đất có công trình này). 

Liên quan đến quyền lợi của bà Ngoan theo phán quyết trên, VKSND huyện Đại Từ đã có kháng nghị nêu rõ: “Việc tòa án nhận định và không chia một phần di sản của cụ Lịch, cụ Sử là công sức tôn tạo, duy trì di sản cho bà Ngoan là không bảo đảm quyền của đương sự…”.

Không có yêu cầu, Tòa vẫn chia di sản của chồng bị đơn

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn và phán quyết của Tòa thì di sản thừa kế của cụ Lịch, cụ Sử là 2.245 m2 đất (trong đó có 400m2 đất ở nông thôn và 1845 m2 đất vườn) tại thửa số 29, bản đổ địa chính số 13 và 469,3m2 đất ruộng.

Tuy nhiên, theo bà Ngoan thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà của cụ Lịch chỉ thể hiện rõ phần diện tích và vị trí của 400m2 đất ở. Hồ sơ vụ án không có tài liệu nào chứng minh 1845m2 đất vườn mà Tòa đang giải quyết đã từng thuộc quyền sử dụng của cụ Lịch, cụ Sử. 

Về nội dung trên, LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty TNHH Luật Trường Lộc) cho rằng, nếu nguyên đơn không chứng minh được 1845m2 đất vườn này là di sản thừa kế thì Tòa phải bác nội dung khởi kiện này. Hơn nữa, việc các cụ “không kê khai” không thể “lái” thành  “chưa kê khai” như cách hiểu của Tòa.

Theo LS Tuấn thì TAND huyện Đại Từ còn mắc sai lầm nghiêm trọng khi đã phân chia cả nhà đất là tài sản chung của vợ chồng ông Chất, bà Ngoan cho các đương sự. Ông Chất đã chết vào năm 2010 nhưng Tòa cấp sơ thẩm vẫn chia tài sản này trong khi đáng lẽ phải coi ½ khối tài sản trên là di sản của ông Chất, cần phải được xử lý theo quy định pháp luật về thừa kế. 

Trong vụ án này, phương án chia nhà đất cho các đương sự được HĐXX sơ thẩm thể hiện rõ ràng trong sơ đồ (giao cho các đương sự ngay sau khi tuyên án) với các mốc giới, vị trí, diện tích… rất cụ thể. Đáng nói, nội dung chia nhà đất khá rắc rối, phức tạp và đòi hỏi sự tính toán công phu nhưng chỉ sau khoảng 15 phút nghị án, HĐXX đã công bố bản án, kèm sơ đồ…

Bất ngờ ở chỗ, thông tin tại sơ đồ chia đất này thể hiện nó đã được đo vẽ vào tháng 5/2017, tức là có trước phiên tòa sơ thẩm tới 6 tháng. Điều này khiến cả bà Ngoan và chị Hương, anh Tuấn nghi ngờ rằng, phương án chia đất đã được Tòa ấn định từ tháng 5/2017. 

Chi tiết hài hước này chứng tỏ phiên tòa ngày 8/11/2017 chỉ diễn ra “cho có” và bản án sơ thẩm đã bị “bỏ túi”?

Vi phạm nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận

Quá trình xét xử vụ án sơ thẩm, phúc thẩm lần 1, các đương sự đã thống nhất dùng 200 m2 trong diện tích đất tranh chấp để làm nhà thờ họ. Nhưng khi xét xử sơ thẩm lại, TAND huyện Đại Từ đã chia toàn bộ diện tích đất này (không còn diện tích đất nhà thờ). LS Tuấn cho rằng, việc này là vi phạm nghiêm trọng Điều 205 BLTTDS về việc “tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự”. Ngoài ra, HĐXX còn không xem xét đề nghị của đại diện bị đơn về trách nhiệm của ông Thắng trong việc phá hủy nhà thờ (vốn là tài sản chung của các đương sự).

Đọc thêm