Ưu đãi “khủng”
Hơn 20 năm qua, hệ thống KCN và KKT đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế Việt Nam. Với 289 KCN và 15 KKT ven biển tại 59 tỉnh, thành phố, các KCN, KKT đã đóp góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Các KCN, KKT thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động.
Riêng 10 tháng đầu năm 2013, các KCN đã thu hút hơn 4.700 dự án FDI (tổng vốn đăng ký 69,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% vốn FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp) và trên 5.100 dự án đầu tư trong nước (461.000 tỷ đồng).
“Dễ hiểu vì sao các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài lại chọn các KCN, KKT làm địa điểm dừng chân. Hạ tầng cơ sở hoàn thiện, được hưởng một số cơ chế ưu đãi đầu tư, thêm nữa, các địa phương hỗ trợ đến tận chân hàng rào KCN… đã khiến các nhà đầu tư quyết định xây nhà máy trong KCN, KKT” - ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiết lộ.
Từ đầu năm sau, với việc Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 có hiệu lực thi hành, các dự án đầu tư vào KCN sẽ được miễn thuế 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế (ngoài ưu đãi theo lĩnh vực, địa bàn) trừ các KCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi…
Đặc biệt, DN sẽ được bổ sung ưu đãi cao nhất cho các dự án có quy mô lớn (thuế suất 10% trong 15 năm, miễn tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm) nếu đáp ứng được một trong hai điều kiện: quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng; giải ngân không quá 3 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm sau 3 năm kể từ khi có doanh thu; hoặc quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng; giải ngân không quá 3 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, sử dụng trên 3.000 lao động.
Vẫn “ế hàng”
Ưu đãi “khủng” là vậy, tuy nhiên cho đến nay tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN, KKT nhìn chung vẫn hết sức bết bát khi mới chỉ đạt 60%, tức là còn đến 40% đất sạch ở KCN, KKT đang “bỏ hoang”.
Tiếc rằng ngoài các nguyên nhân khách quan thì một trong những “rào cản” vẫn là do cơ chế. Các chuyên gia đơn cử, Nghị định 29/2008/NĐ- CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ cho phép: “Xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong KCN, KKT cho tổ chức có liên quan”, tuy nhiên thực hiện chưa được bao lâu thì đầu năm 2013, bằng Nghị định 04/2013/NĐ- CP Chính phủ lại quyết định bãi bỏ quy định nói trên.
Từ cơ quan quản lý đến giới nghiên cứu cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để giải phỏng các KCN, KKT khỏi cảnh “chợ chiều”. Ban Quản lý (BQL) các KCN- KCX TP.Cần Thơ cho rằng, để thu hút nhà đầu tư, BQL cần được ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đối với công trình xây dựng, được xác nhận các hợp đồng, văn bản về bất động sản trong KCN- KKT cho các đối tượng có liên quan... Như vậy, nhà đầu tư mới thực sự yên tâm với những khoản đầu tư lớn về đất, nhà xưởng của mình.
Trong khi nhìn toàn cảnh, PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ: “Chúng ta cần tăng cường hơn nữa phát triển vùng và liên kết vùng để phát triển thu hút đầu tư, rất cần sự đồng bộ và nhất quán về thể chế và chính sách trong quản trị vùng như: thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch trong chính sách, thông tin và hoạt động của bộ máy công quyền; đảm bảo quyền về tài sản (hữu hình và vô hình) và đảm bảo duy trì chế độ hợp đồng, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại”.