Thăm đền Đông Cuông trải nghiệm lễ hội cúng cơm mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đền Đông Cuông (thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là điểm nhấn tâm linh, không gian hội tụ, lan tỏa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, là địa điểm du lịch tâm linh ở Tây Bắc. Cùng với lễ hội cúng cơm mới, du khách thập phương đến chiêm bái và trải nghiệm không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn của người Việt.
Đền Đông Cuông- nơi khởi nguồn thờ Mẫu Thượng ngàn. (Ảnh trong bài: Bảo Mi)
Đền Đông Cuông- nơi khởi nguồn thờ Mẫu Thượng ngàn. (Ảnh trong bài: Bảo Mi)

Ngôi đền có vị trí quan trọng trong hệ thống thờ Đạo Mẫu

Đền Mẫu Đông Cuông cách thành phố Yên Bái 50km về phía Tây Bắc, toạ lạc bên dòng sông Hồng, thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông (Văn Yên - Yên Bái).

Theo ngôn ngữ dân gian bản địa, trong lịch sử, đền Đông Cuông còn được người Tày gọi là “miếu”, “đình Mường Khà”, “đền Đông”, “đền Mẫu Đông”, “Đông Quang linh từ”, hiện nay, cộng đồng thường gọi là “đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn”, tức đền thờ Đông Quang/Cuông Công chúa.

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định có vị trí quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu. Đây là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nơi lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống tâm linh của người Tày Khao.

Theo sử sách và những câu chuyện kể được lưu truyền trong dân gian, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn vốn là Công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương. Công chúa La Bình là một cô gái xinh đẹp, nết na, chăm chỉ lao động và sống hòa đồng với cỏ cây, con người. La Bình luôn theo cha đi cai quản các miền rừng núi, sông suối miền thượng ngàn, chiêm ngưỡng núi rừng xanh tươi bạt ngàn với bao hoa thơm trái ngọt.

Dừng chân ở nơi nào, Công chúa La Bình cũng dạy người dân trồng lúa, trồng cây trái và lập sơn trang, nhà cửa. Sau này, khi Sơn Tinh và Mỵ Nương về trời, hóa vào cõi bất tử thì Công chúa La Bình được phong là Công chúa Thượng Ngàn, đảm nhiệm việc cai quản miền rừng núi. Tại các ngôi đền, Mẫu Thượng Ngàn được thờ trang trọng, thể hiện sự tri ân, biết ơn của người dân đối với người Mẹ được huyền thoại hóa, đi vào đời sống tâm linh với những giá trị nhân văn cao đẹp.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Lễ hội cơm mới 2024.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Lễ hội cơm mới 2024.

Đền Mẫu Đông Cuông còn là nơi hương hỏa và ghi ơn công đức của các vị thủ lĩnh người dân tộc thiểu số địa phương có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... Kiến trúc của đền Mẫu Đông Cuông mang đậm nét cổ kính gắn với không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Quần thể đền Mẫu Đông Cuông gồm các ngôi đền được bài trí hài hoà như đền Mẫu, miếu Cô, miếu Cậu, tòa sơn trang, miếu thần linh và miếu Đức Ông...

Ngôi đền hiện còn lưu giữ và thờ tự bức tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, tượng cao quan Đại Vương người Tày Khao (người địa phương gọi là Quan Hoàng Báo) và nhiều pho tượng cổ cùng các cổ vật quý. Năm 2009, đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Lễ hội độc đáo của người Tày Khao

Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào “thời điểm thiêng” với hội xuân được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của mùa xuân và Lễ hội Cơm mới được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên tháng chín mùa thu…

Vào nghi lễ, thầy Mo thắp hương trên cây hương ở sân trước cửa đền làm thủ tục kính báo đoàn rước đã đến và xin phép với Mẫu và chư vị thần linh cho phép vào đền để thực hiện các nghi lễ cúng Cơm mới.

Lễ dâng hương với lễ vật gồm: thịt lợn có thân, đùi, lòng lợn, đầu lợn có phủ một lớp mỡ chài, 2 đĩa xôi trắng, 2 đĩa oản tượng trưng cho 12 tháng, trầu cau và không thể thiếu những bông lúa trĩu hạt. Thầy Mo lên hương thỉnh mời Mẫu và các vị Chư thần linh về dự lễ Tiệc tuần. Sau ba tuần hương ở ban Mẫu thì chuyển mâm lễ ra ban cung Chúa để thỉnh mời vong linh các ông Mo, ông Từ, ông Tạo… đã qua đời được Nhân dân đưa vào đền thờ phụng về dự Tiệc tuần, ăn cơm mới. Sau ba lần thầy Mo lên hương cúng và xin đài xong thì kết thúc lễ cúng Tiệc tuần.

Nếu như Lễ hội xuân mổ trâu trắng thì Lễ hội Cơm mới lại mổ trâu đen. Đúng giờ Tý (00h), ngày Mão tháng Chín thầy Mo tiến hành làm lễ trong cung cấm, đứng trước ban thờ Mẫu, thầy Mo thỉnh cầu Mẫu cho mổ trâu để cúng tế. Khi làm xong mọi thủ tục, thầy Mo lấy 9 chén tiết mang vào dâng lên Mẫu để cầu mong mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi, quốc thái dân an... Công việc mổ trâu xong, nhà đền mang trâu đi chế biến để chuẩn bị các mâm lễ sáng sớm tiến hành dâng cúng Tiệc chính.

Tiệc chính Lễ hội Cơm mới thịt trâu đã được chế biến thành các món chín đặt lên mâm. Thầy Mo bắt đầu lên hương khấn tạ ơn trời - đất, Thánh Mẫu, Thần Vệ quốc, chư vị thần linh đã che chở, phù hộ cho Nhân dân được khoẻ mạnh, quốc thái dân an, mùa màng bội thu và thỉnh mời Mẫu, Thần Vệ quốc, chư vị thần linh về hâm hưởng lễ vật và dự lễ hội Cơm mới với dân làng xã. Sau 3 lần thầy Mo lên hương và 3 lần thỉnh Mẫu, chư vị thần linh thì kết thúc nghi lễ. Khi lễ đã xong thì tất cả các mâm lễ được đưa ra ngoài để Nhân dân, khách thập phương cùng thụ lộc Mẫu.

Sau các nghi lễ chính, các trò dân gian, diễn xướng nghệ thuật sôi nổi trong hội, như hội thi khéo tay làm cốm, đẩy gậy, kéo co, đấu vật, đánh du, ném còn… và nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian khác như hát then, hát chèo…

Lễ vật dâng Thánh Mẫu.

Lễ vật dâng Thánh Mẫu.

Ngày 16/01/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ công bố Quyết định chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội đền Đông Cuông”.

Năm 2024, vì vừa trải qua cơn bão, lũ quét, Lễ Cơm mới đền Đông Cuông tuy không tổ chức phần hội nhưng vẫn đặc sắc với các chuỗi nghi lễ truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh, theo đúng phong tục truyền thống của người Tày Khao như lễ đón ông Mo về đền, lễ dâng hương, lễ cúng tiệc tuần, nghi lễ mổ trâu đen và lễ cúng chính tiệc…

Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia đền Mẫu Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) từ lâu đã là điểm nhấn tâm linh, không gian hội tụ và lan toả tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn của người Việt, góp phần quan trọng vào bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”.

Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ tháng 1 năm 2023. Thông qua Lễ hội, cộng đồng dân cư thường gửi gắm trọn niềm tin vào thần linh để cùng hướng đến một cuộc sống bình an, khỏe mạnh và sung túc… Trong xu thế phát triển chung của xã hội hiện nay, Lễ hội đền Đông Cuông còn góp phần đáng kể vào sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn, phục vụ nhu cầu của cộng đồng địa phương và khách thập phương.

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh vừa được nhận Bằng khen của UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) về thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt và Lễ hội Cơm mới Đông Công năm 2024 cho hay, Lễ hội đền Đông Cuông vào mùa xuân, mùa thu hội tụ đa sắc thái văn hóa, với khởi đầu là tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc, Thành hoàng làng, mà đỉnh cao là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng được coi là tôn giáo - tín ngưỡng nội sinh của người Việt, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.

Nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn. Hầu đồng không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu. Hầu đồng đảm bảo tính thiêng, sự uy nghi của các vị thánh, thần, đồng thời có tính nghệ thuật, diễn tả được giá trị cốt lõi của tín ngưỡng. Các ca từ của hát chầu văn, giai điệu rộn ràng ca ngợi vẻ đẹp thanh cao, sự uy nghi, tối linh, công đức cũng như những lời khuyên răn đạo lý, thiện tâm của Mẫu, ca ngợi cảnh đẹp của núi rừng, của quê hương, đất nước.

Đọc thêm