Thảm hoa in dấu chân người

(PLVN) - Truyện ngắn của Chu Thu Hằng
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Tôi vẫn nhớ.

Mỗi độ tháng 3 về, mẹ lại mải miết quét hoa xoan rụng bời bời như gom lại nỗi niềm tuổi cũ. Bà lại đứng trong nhà trông ra, đôi mắt đục mờ phút chốc bừng lên một điều gì, rồi lại thẫn thờ, ngẩn ngơ, như hoa xoan vừa lộng lẫy bỗng rớt xuống theo gió một ngày xuân cạn.

Hai người đàn bà lặng lẽ trôi theo nỗi niềm riêng. Chỉ còn nghe từng nhát chổi sàn sạt nơi góc sân. Những đốm hoa bé dại thảng thốt lăn về cuối chiều ngập đầy hoàng hôn nghiêng ngả.

***

Mẹ bảo từ ngày về làm dâu thì cây xoan đã xanh tươi, vạm vỡ. Ngày đưa dâu, hoa tím phủ đầy vai mẹ. Cha thích mầu hoa ấy nên lấy luôn làm tên con. Tôi không thích cái tên Xoan. Nghe nó thật quê mùa. Trong khi bạn bè, đứa Nguyệt, đứa Nga, đứa Kiều, đứa Diễm thì tôi lại mang tên một loài hoa lặng lẽ, chỉ biết nép mình giữa những xao xác cuối mùa bủa vây. Có lẽ ngoài một nửa dòng máu chảy trong huyết quản tôi là của cha thì điều quan trọng gắn kết chúng tôi là cái tên ấy. Bởi tôi sinh ra mà không biết mặt cha. Tôi không biết tiếng gọi cha thốt lên nghe sẽ như thế nào cũng như cha chưa từng được gọi tôi một tiếng con. Cha với tôi chỉ là một ý niệm mơ hồ, được hiện hữu qua một tấm ảnh đã vàng ố. Thỉnh thoảng, mẹ lại lấy bức ảnh ra ngắm nghía, phẩy bụi. Dù chỉ là ảnh đen trắng đã nhợt mầu, nhưng tôi biết, cả cha mẹ tôi hồi đó đều còn rất trẻ và hạnh phúc.

Nhưng không ngờ, họ lại bị chia cắt sớm thế. Bà kể, cha bị ngã giàn giáo khi đang đi xây ở làng bên. Cha mất ngay sau đó, khi cuộc đời còn quá nhiều điều dở dang. Lúc ấy, tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Tôi chưa biết về nỗi đau tử biệt. Còn bà và mẹ gồng gánh qua những tháng năm giông bão. Ngôi nhà chênh vênh chỉ có bà già, phụ nữ và trẻ em non bấy.

***

Tôi chưa bao giờ hình dung ra một người đàn bà trong đám tang của chồng mình sẽ phải chịu đựng những nỗi đau gì. Cũng như chưa bao giờ biết mẹ đã đau đớn như thế nào với những miệng tiếng thế gian. Mẹ cúi mặt nín lặng trước những ánh mắt sắc lạnh như dao, trước những lời xỉa xói cay nghiệt. Người ta bảo mẹ cao số sát chồng. Rồi người ta lại quay ra trách bà nội tôi, rằng, hồi xưa không đi xem thầy cho kỹ để đến giờ nhà thành vô phúc, kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Mãi sau này, khi lớn lên, thấy dáng điệu âm thầm của bà và mẹ, tôi đã mường tượng ra cảnh hai người đàn bà cùng nín lặng trong đám tang của chồng mình và của con mình. Phải chăng, giây phút ấy, bà cũng đang nghĩ về bản thân? Và những điều bà phải mang theo khi ông tôi cũng đã rời bỏ bà từ rất sớm.

Nhưng những câu chuyện đó cũng không kéo dài. Chẳng ai hơi đâu đi lo chuyện nhà người khác. Lời nói gió bay. Bà và mẹ lặng lẽ đi qua những năm tháng cuộc đời, chắt chiu yêu thương cho tôi lớn lên từng chút một.

***

Những ngày nông nhàn, mẹ lại gắn hai cái sọt vào xe đạp, rong ruổi trên các nẻo đường đi thu mua phế liệu. Toàn những thứ chổi cùn, rế rách, nhôm đồng sắt vụn người ta vứt bỏ, giờ lại là nguồn sống của gia đình tôi. Tôi thương mẹ với manh áo bạc mầu thấm đẫm nắng mưa, từng giọt mồ hôi sôi lên rát bỏng. Mẹ tháo cái nón mê ra quạt, miệng tươi cười khoe hôm nay kiếm được bao nhiêu. Rồi mẹ lôi từ trong sọt ra một chiếc quạt cũ mầu xanh. Mẹ bảo, quạt này vẫn dùng tốt, người ta cho đấy. Bà cười hoan hỷ, đúng là trên đời vẫn còn người tốt, chỉ có điều, ta gặp được hay chưa.

Một chiều, tôi vừa đi học về thì bà San hàng xóm hớt hải chạy sang, thì thầm với bà tôi mà lại nói oang oang như muốn cả làng cùng nghe thấy. Là câu chuyện của mẹ. Bà ấy bảo mẹ tôi cặp kè với người này, người khác. Bao nhiêu người nhìn thấy tận nơi. Rồi người ta lại xấu hổ thay cho bà tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn xông ra mà chửi bà San một trận cho bõ tức. Ai đời ở đâu lại nhảy vào chuyện nhà người khác. Mẹ tôi có thế nào thì cũng liên quan gì đến bà ấy?

Tôi không biết bà sẽ nghĩ như thế nào. Giọng điệu chua ngoa, xỉa xói của bà San như thể đang thay bà tôi trút cơn phẫn nộ về một đứa con dâu không giữ đạo bên chồng. Thế nhưng, bà tôi chợt nở một nụ cười thật hiền. Nụ cười thắm trầu phả hương thơm trầm ấm và say mê. Bà bảo, cha tôi mất lâu rồi, mẹ cần có hạnh phúc riêng, đâu thể bắt mẹ cả đời ở vậy. Bà tôi thủng thẳng đáp rồi cúi xuống giã nốt cối trầu còn dang dở. Bà San hậm hực bỏ về. Vừa ra đến cổng thì đâm sầm vào tôi. Bà ta nguýt tôi một cái rõ dài. Ơ hay, tại sao lại có những người thích đâm bị thóc, chọc bị gạo như vậy chứ? Nhưng tôi cũng không thèm để ý nữa. Tôi chạy ào vào nhà, ôm chầm lấy bà. Vừa lúc đó, mẹ cũng về đến nơi. Chiếc xe cà tàng của mẹ lại chất đầy các thứ đồ. Tôi quên ngay câu chuyện bà San vừa kể.

***

Tôi chưa bao giờ nghĩ bà lại ra đi nhanh đến thế. Nhớ những ngày cuối cùng, bà lọt thỏm trong đống chiếu chăn. Hơi thở héo hắt như một sợi chỉ mờ. Ngoài sân, nắng hanh vàng phơi những bông hoa xoan nhưng nhức tím. Trước khi nhắm mắt, bà nắm tay mẹ tôi, trăng trối: “Tìm một người đàn ông tử tế mà nương tựa…”.

Hôm ấy, gió ào ạt thổi. Hoa xoan trút xuống từng đợt như mưa. Những cánh tím tan tác trong gió. Bầm giập, tơi tả.

Chiều nay, trời cũng ào ạt gió. Mùa xuân sắp đi hết ngày tháng của mình nên cố xôn xao. Tôi mải miết quét những nụ hoa tím rắc đầy lối đi. Chợt nhận ra dấu chân tròn in trên những cánh hoa. Và tôi chờ mong dấu chân ấy sẽ quay trở lại.

Nhưng mẹ thì không. Mẹ cố xóa những dấu chân nơi con ngõ nhỏ. Những người đàn ông của làng vẫn thường hay lui tới. Lặng lẽ và thật lòng. Họ bao dung và ấm áp hơn những người đàn bà của làng. Họ vẫn thường để nơi gốc xoan, khi con cá, lúc mớ rau mà không cần một lời cảm ơn. Tôi biết trong số họ có chú An, chú thương binh trở về sau chiến tranh biên giới Tây Nam. Chú vẫn in dấu chân tròn trên thảm hoa xoan xao xác mỗi cuối chiều. Có bận, tôi gặp chú ngồi câu cá bên đầm. Tôi bảo chú ngỏ lời với mẹ đi. Chú cười, xoa đầu tôi, nhóc con hôm nay nói chuyện người lớn cơ à? Chú cũng muốn vậy, nhưng mà duyên số, đâu thể nào gượng ép.

Tôi thật không ngờ, đó lại là lần cuối cùng gặp chú. Hôm sau, tôi nhận được tin chú mất. Chú bị cảm trong đêm khi ngồi ở chòi canh cá bên đầm. Chú ra đi trong cô độc. Không biết lúc ấy chú nghĩ gì về duyên phận, về những nỗi niềm chưa thổ lộ với mẹ tôi. Tôi lầm lụi đưa chú ra đồng. Những dấu chân tròn của chú in trên thảm hoa tím trước cổng nhà tôi, không thể nào xóa được.

***

Dạo này, tôi thấy mẹ hay lơ đãng, đôi mắt buông vào xa xăm như những cánh hoa tím chấp chới giữa khung trời. Từng nhát chổi ngập ngừng trên những vạt hoa. Mầu tím dâng đầy chiều, ánh lên trong mắt mẹ.

Rồi mẹ trở vào nhà. Chiếc xe thồ với hai cái sọt rỗng chỏng chơ ở góc sân. Tôi thấy bóng hình một người đàn ông với những dấu chân rất lạ. Muốn tiến lên nhưng lại ngập ngừng. Giằng giữ, chới với. Hoàng hôn đổ xuống, chôn dấu chân người vào câm lặng. Chỉ còn những cánh tím rớt xuống phủ đầy vai áo.

Trong nhà, mẹ đã lên đèn. Mẹ không biết hay vờ như không biết sự hiện diện của người đàn ông đó. Từng dấu chân lặng thầm ngập trên những xác hoa.

Từ đó, mỗi chiều, những dấu chân đã trở nên quen. Nhưng mẹ tôi vẫn trở vào nhà và vẫn chong đèn. Còn tôi thì không muốn lại một lần nữa, những dấu chân rơi vào im lặng.

Có lẽ, không bao giờ mẹ biết, tôi đã đi theo người đàn ông đó. Cũng như ngày xưa, tôi đã nói chuyện với chú An. Những người đàn ông lướt qua đời mẹ, kể cả cha tôi, đều chóng vánh và lặng lẽ. Mẹ chưa kịp cảm nhận được niềm vui thì đã phải đối diện với nỗi buồn.

Tôi ngồi bên cạnh người đàn ông xa lạ nhưng lại có cảm giác thân quen. Giọng ông trầm ấm, từng lời nói như được chắt ra từ những nỗi niềm u uẩn. Tôi biết, ông cũng có những chuyện buồn. Mà đời ai chẳng có những chuyện buồn như thế. Thì ra, mấy năm trước, mẹ qua nhà ông mua phế liệu, ông bỏ quên cả cục tiền trong đống đồ bán cho mẹ tôi. Đến khi mẹ phát hiện ra, vội vã quay vào nhà ông trả lại. Thế là từ đó, họ quen nhau. Ông thường gom phế liệu để dành cho mẹ. Có lần ông đi đường bị cảm nắng, may gặp mẹ đưa về. Đang trong cảnh đàn ông đơn chiếc lủi thủi một mình nên khi gặp mẹ ý hợp tâm đầu, ông không ngại ngần thổ lộ.

Thế mà, mẹ tránh mặt ông. Mẹ không đi qua con đường, nơi có chiếc cổng mầu xanh đầy hoa leo giăng kín. Mẹ về nơi con ngõ nhỏ với gốc xoan già mải miết đơm hoa. Những xác hoa tím nhức nhối, kiệt cùng dưới những dấu chân in cùng năm tháng.

***

Đêm nay, trời xuân ào ạt gió. Một cơn mưa bất chợt ùa về, lạ lùng đến hồn nhiên. Mưa rắc đầy vai áo người đàn ông đứng dưới gốc cây xoan. Tôi chạy ra mở cửa… Thấy tôi, ông bối rối, thoáng chút ngập ngừng… Quanh ông, bừng lên cả thảm hoa ngan ngát in dấu chân người.