Cá chép vượt cạn đi muôn nơi
Được bày bán phục vụ cho ngày cúng Táo quân, cũng như năm trước, mặt hàng truyền thống này rất đa dạng: chép vàng, chép đỏ, chép tam dương, chép nhật nhưng ít thay đổi về mẫu mã, chủng loại, giá cả hầu như không thay đổi nhiều so với mọi năm.
Anh Tú, chủ cửa hàng cá Tú Phượng ở làng Yên Phụ, Hà Nội cho biết, trước ngày 23 tháng Chạp độ ba đến bốn hôm thì các mối buôn họ đã tới đặt và lấy cá. Cá chép được đóng vào bao nilon, bơm ôxy, đưa về các chợ nhỏ, chợ cóc,… trong nội thành để bán cho người dân.
Chị Hà, một người buôn cá chép cho biết: “Sau khi cúng làm lễ xong họ phóng sinh luôn nên cá chép đỏ, chép vàng được ưa chuộng nhất vì giá rẻ, nên năm nay chị nhập chủ yếu 2 loại cá chép đỏ và cá chép vàng”.
Những ngày này các tiểu thương phải nhập khoảng 2-3 thùng cá chép ( tương đương với 50-60kg cá chép), các mối buôn nhỏ thì lấy khoảng 5-7kg hoặc 10- 20kg để bán vào dịp Tết ông Công, ông Táo. Anh Tú, chủ cửa hàng cá Tú Phượng cho biết, năm nay lạnh nên số lượng cá không nhiều vì thế giá cá chép vào khoảng 200.000 - 250.000 đồng/1kg cá, loại nhỏ hơn thì 120.000-170.000 đồng/ 1 kg. Nếu bán lẻ thì 20.000-30.000 đồng/1 con tùy thuộc vào to, nhỏ. Vào những ngày chính giá cả sẽ chênh lệch tùy thuộc vào số lượng cá và người mua.
Nghề nuôi cá chép phục vụ Tết Táo quân ở Yên Phụ đã có từ lâu đời, tuy nhiên cho tới nay do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp dần, người làng Yên Phụ đã chuyển sang buôn bán cá cảnh. Hiện nay cả làng Yên Phụ còn khoảng 20 hộ gia đình bán cá cảnh.
Phóng sinh cá chép cần văn minh
Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp hàng năm, cá chép sau khi được phóng sinh sẽ hóa rồng và đưa Táo quân về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của gia đình dưới hạ giới trong năm qua.
Đến Giao thừa, Táo Quân trở lại hạ giới để tiếp tục công việc của mình. Người Việt Nam tin rằng đây là một trong những ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều làm lễ, làm cơm để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đốt vàng mã gồm quần áo, mũ hài và phóng sinh cá chép cũng trở thành truyền thống trong dịp này.
Thực tế cho thấy, ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, sau ngày phóng sinh cá ông Công, ông Táo, các hồ ở Hà Nội trở thành những bãi rác bởi những người dân thiếu ý thức. Sau khi thả cá, nhiều người để lại rác, túi nilon đầy các ao hồ. Tại một số nơi đông dân cư, một số hộ dân còn hóa vàng cá giấy ngay trước hành lang trước nhà gần cột điện, bốt điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ rất nguy hiểm, tro bụi từ đốt vàng mã không được dọn dẹp xử lý cũng gây phản cảm và ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, bên cạnh một nét văn hóa đặc sắc, một tập quán đẹp mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân cần ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường quanh ta xanh tươi và sạch đẹp, tạo cảnh quan đô thị thêm phần văn mình hơn.