Chưa học buổi nào vẫn được thi
Tiếp nhận thông tin về đường dây "học giả, bằng thật", nhóm PV Báo Pháp luật Việt Nam đã thâm nhập thực tế, ghi nhận các "chiêu trò" từ khâu "tuyển sinh", "chèo kéo" nộp tiền đến tổ chức thi cử của các đối tượng tự giới thiệu là cán bộ của một số trường cao đẳng, đại học, thực chất là các "cò".
Cụ thể, thí sinh cho biết, theo tư vấn của “cò”, để có một tấm cấp Bằng Cao đẳng tiếng nước ngoài, mỗi thí sinh phải có một tấm Bằng Trung cấp bất kỳ để làm hồ sơ hợp lệ liên thông. Thí sinh nào thiếu bằng này sẽ phải nộp 40 - 50 triệu đồng để người môi giới "lo lót" có bằng, nghĩa là mua cho một tấm Bằng Trung cấp.
Mọi giao dịch của các thí sinh trực tiếp với “cò”, từ nộp tiền cho đến các thủ tục khác. Đến khi mỗi thí sinh nộp đủ số tiền đã thỏa thuận thì coi như đã trúng tuyển và trở thành sinh viên. Học viên chỉ cần đợi đến thông báo đi thi hết môn và nhận bằng cao đẳng tiếng nước ngoài.
Đường dây tổ chức tuyển sinh “chui” rất tinh vi. Việc học giả, thi giả bắt đầu được hé lộ cho đến khi các “cò mồi” thông báo kế hoạch thi, ngày thi, dù các sinh viên chưa được học buổi nào.
Cán bộ Trung tâm GDTX và dạy nghề quận Cầu Giấy, khẳng định, đây là phòng làm việc của ông Sửu và cán bộ Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam thuê tại Trung tâm |
Một ngày đầu tháng 10, phóng viên có mặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề quận Cầu Giấy (địa chỉ số 2, ngõ 181, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).
Nơi đây có hàng chục thí sinh đến từ các tỉnh, thành, cả từ miền Nam, miền Trung tới dự thi hết môn của học kỳ 1. Nhiều thí sinh chia sẻ chưa được gặp thầy, cô và các bạn vì chưa học buổi nào. Việc tham gia buổi thi hết môn là do "cò" hướng dẫn. Có người quen "cò" qua mạng xã hội, có người do người quen giới thiệu...
Các sinh viên dự thi ngày này đã nộp tiền theo thỏa thuận và đăng ký hồ sơ thông qua người môi giới, được thông tin Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam sẽ cấp bằng tốt nghiệp sau khi thi hết các môn xong.
Các thí sinh chia sẻ thêm, thời gian nộp tiền và đăng ký hồ sơ dao động từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2020. Mọi người đều mơ hồ về trường mình đang "học" và cấp bằng, mà chỉ được nghe qua “cò” nói kế hoạch thi và cấp bằng là của Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam.
Thông báo từ “cò”, nhà trường sẽ tổ chức thi vào ngày 3, 4 tháng 10 năm 2020. Tuy nhiên, tại ngày 3/10, các giáo viên coi thi thông báo danh sách sinh viên 3 lớp, Cao đẳng tiếng Hàn (CĐH), Cao đẳng tiếng Anh (CĐA), Cao đẳng tiếng Trung (CĐT) thi gói gọn trong ngày, gồm môn: Giáo dục chính trị, Ngoại ngữ, tiếng Việt thực hành, Giáo dục Quốc phòng và an Ninh, Pháp luật, Tin học.
Các thí sinh chép bài thi hết môn học kỳ 1 do 2 cán bộ coi thi phát tại Trung tâm GDTX và dạy nghề Cầu Giấy |
Một số học viên dự thi ngày 3/10 cho biết, vào phòng thi có 2 người không đeo thẻ, không nói tên, tự xưng là cán bộ của Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam.
Hai người này phát giấy thi, đề thi và đáp án, các thí viên chỉ việc chép bài. Cán bộ coi thi thông báo với học viên thi hết các môn học vào 2 buổi cuối tuần kế tiếp nữa là thi tốt nghiệp, cấp bằng Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam.
Sau khi kết thúc buổi thi, cán bộ coi thi phát hồ sơ của Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam, yêu cầu mỗi sinh viên về hoàn thiện hồ sơ theo mẫu bổ sung và nộp tại địa chỉ Phòng 502, nhà A, số 2, ngõ 181, đường Xuân Thủy- Cầu Giấy.
Các trường liên quan nói gì?
Để làm rõ đơn vị đứng ra tổ chức thi ngày 3/10 có đúng là do Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam (địa chỉ tại Khu đô thị công nghiệp Hoàng Long – TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hay không, phóng viên đã liên hệ với ông Vũ Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam.
Ông Sửu khẳng định, không cho phép bất kỳ cá nhân, đơn vị nào trực thuộc trường được tuyển sinh đào tạo tại Hà Nội và cũng không có lớp thi nào ngày 3/10.
Phóng viên tiếp tục làm việc với ông Lữ Ngọc Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam và bà Bùi Thị Ngoan – Trưởng phòng Đào tạo Trường này và được cho biết, nhà trường không có tên giáo viên coi thi và lớp nào như phóng viên phản ánh thi hết môn tại Hà Nội vừa qua và đề thi mang tên của Trường tổ chức thi không phải của trường này. Những cán bộ xưng tên (cô Lâm, cô Huyền, cô Vân - đã nhắc đến trong các bài viết) cũng không phải là cán bộ của Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam.
Đây là đề thi được tổ chức thi tại ngày 3/10 nhưng Trưởng phòng đào tạo của Trường Bách Khoa Việt Nam cho rằng là giả mạo |
Vậy những đối tượng "cò" và những người đứng ra tổ chức "học giả thi thật" kia là ai?. Có phải đây là đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tiền) bằng hình thức tuyển sinh trái phép để cấp bằng giả hay không?. Tiếp tục làm rõ các nghi vấn, phóng viên trao đổi với ông Đỗ Phú Việt, Giám đốc Trung tâm GDTX và dạy nghề quận Cầu Giấy.
Ông Việt xác nhận, cuối tháng 8/2020, ông có ký hợp đồng với ông Vũ Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam địa chỉ tại Khu đô thị công nghiệp Hoàng Long – TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho thuê đào tạo liên kết thời hạn 1 năm.
Tại buổi làm việc, ông Việt khẳng định, chưa từng thấy Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam tổ chức lớp học tại đây, nhưng ngày 3/10 vừa qua Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam đã tổ chức cho các lớp thi tại Trung tâm số 2, ngõ 181, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy. Còn việc thi cử như thế nào thì ông không rõ.
Câu hỏi đặt ra, những đối tượng "cò mồi", môi giới và những người đứng ra tổ chức thi liệu có phải là mượn danh Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam để lừa đảo trong việc tuyển sinh hay không. Các trường được "cò" nhắc đến khi dẫn dụ học viên nộp tiền "mua" bằng trung cấp, thi liên thông lên Cao đẳng có liên quan thế nào đến đường dây "bằng thật học giả" này?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin ở các kỳ sau.
Theo quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp tại Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng gồm: Người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương; Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.
Thời gian đào tạo liên thông theo niên chế giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng từ 01 (một) đến 02 (hai) năm học tùy theo ngành, nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo.
Hiệu trưởng nhà trường quy định thời gian đào tạo liên thông đối với từng ngành, nghề và từng đối tượng người học cụ thể.