Từ thị trấn Khâm Đức đi theo quốc lộ 14E đến “rốn vàng” của Quảng Nam (tại xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn), mấy ông xe ôm ngồi trên chiếc Minsk “độ” tại ngã ba đường vào thôn 8 ra giá “400 ngàn đồng/người”. Nhanh chóng quấn xích vào bánh, những chiếc xe đặc dụng gầm rú lao vào rừng xanh.
Ngã ba “phố thị” giữa rừng xanh
Trời mưa, phải mất gần hai giờ đồng hồ mới đi hết đoạn đường chưa đầy 20km đến điểm tập kết “ngã ba vàng”. Gọi là ngã ba vì từ đây có hai đường mòn dẫn đến các bãi vàng tận sâu trong rừng. Nơi đây còn là điểm trung chuyển và cũng là “phố thị” của trung tâm vàng Phước Sơn. Từ vàng khai thác hợp pháp (công ty có giấy phép) lẫn vàng lậu, muốn đến chỗ mua bán đều đi qua cửa ngõ này.
Ngã ba “phố thị” giữa rừng xanh chỉ khoảng hơn chục nóc nhà cất bằng tre nứa tạm bợ và gần chục hàng quán nằm rải rác dưới thung lũng. Tứ phía là núi cao, dốc đứng, lối đi là bậc thang; muốn nhìn lên các bãi vàng trên lưng chừng những dãy núi, phải ngửa cổ. Đập vào mắt đầu tiên là những khoảnh rừng bị cưa máy và thuốc nổ tàn sát. Cây cổ thụ đứng, nằm nghiêng ngả đủ mọi tư thế.
Từ thung lũng, suốt ngày vọng xuống tiếng ầm ì của máy phát điện và thỉnh thoảng tiếng mìn rền đất. Dòng sông Trà Loa, một nhánh thượng nguồn của sông Thu Bồn chảy ngang thung lũng, nước đã đặc quánh như hồ, màu xám xịt vì bùn đất, hóa chất.
Vùng này vốn trước kia là đất của người Cơ Tu nhưng hiện có nhiều người Mơ Nông đến ngụ cư, nấu rượu bán cho bãi vàng. Người Kinh đến buôn bán và chạy xe thồ, kiêm luôn thông tin viên cho các ông chủ bãi.
Nước thải ngập bùn lầy, sặc mùi hóa chất từ các điểm nghiền quặng ồ ạt chảy xuống dọc hai bờ sông. |
Ban ngày, “phố thị” vắng vẻ, chỉ có đội xe thồ chừng vài chục người lượn ra vào, nhưng buổi tối mới thấy hết cảnh náo nhiệt. Chủ một quán rượu, bà Hồ Thị Phi (người Mơ Nông) kể: mỗi tối, phu mỏ xuống đây uống rượu nườm nượp, chật hết các quán. Chồng chết, bà sống với đứa con gái chờ gả chồng, mỗi ngày nấu khoảng chục ký gạo, được hơn chục lít rượu, bán 40 ngàn/lít, nhưng không đủ bà uống và bán.
Ngày còn là những bãi vàng thổ phỉ, mỗi tối nơi đây tập trung hàng trăm phu mỏ ăn nhậu, tất nhiên, ma túy, mại dâm, băng đảng thanh toán, chém giết, bảo kê… cũng ùn ùn kéo vào lập trại kín những sườn núi.
Nay, cái thung lũng “phố thị” này trở thành đất mỏ của công ty Ngọc Lĩnh (UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác vàng), nên bớt lộn xộn hơn vì mọi người thành kẻ “ăn nhờ ở đậu” trên đất công ty, nếu khác ý sẽ bị “người của công ty” nắm cổ áo đuổi ra khỏi thung lũng.
Công trường sau cửa hầm
Ngồi trong quán rượu chưa đầy 5 phút, một người chừng ngoài 40 tuổi, cơ bắp săn chắc, tóc dài ngang vai, mình đầy xăm trổ bước vào, nhìn chúng tôi soi mói, thị uy và buông một câu không đầu cuối: “Đi đâu?”.
Vị này xưng tên Để, người ở đây. Theo nhiều người ở bãi vàng, ông Để là cổ đông của Công ty Ngọc Lĩnh. Sau này chúng tôi mới biết, ông là người bảo kê kiêm quản lý đội xe ôm, nhận thông tin từ ngoài đường, kiêm giữ trật tự ngã ba này. Trong suốt dọc hành trình leo vào các bãi vàng của chúng tôi, ông ta là người “đồng hành” từng bước chân.
Muốn lên bãi vàng của Công ty Ngọc Lĩnh trên núi cao, phải qua sông Trà Loa, tuy nằm giữa đại ngàn và đang mùa nắng nhưng nước luôn màu xám xịt, ngập bùn lầy. Nước thải sặc mùi hóa chất từ các điểm nghiền quặng của các công ty khai thác ồ ạt chảy xuống dọc hai bờ. Trong khi ông Để còn đang bận nghĩ cách đối phó, ngăn cản “khách không mời” vào bãi vàng, chúng tôi đã chia thành 3 tốp, leo vào cửa hầm và đi mấy ngả.
Một tốp công nhân đang sàng đất đá dừng ngay việc và im lặng, một công nhân vụt chạy mất hút lên lán ở lưng chừng núi. Chỉ tích tắc, một người trung niên nữa xuất hiện cùng với bốn thanh niên, xưng tên Võ, là người quản lý bãi. Hai trong số chúng tôi bị kè nách, “áp tải” theo hai hướng. Biết còn sót một người nữa, ông Võ lệnh cho công nhân tỏa đi kiếm.
Trên đỉnh núi khoét một cửa hầm đứng giống như cái giếng để khai thác quặng. |
Đi dọc địa giới khai thác vàng của Ngọc Lĩnh, nơi có cả trăm phu mỏ vàng, tất cả toát lên vẻ lạnh lùng, lầm lũi cạnh những cỗ máy nổ xình xịch. Ở gần chân núi, Công ty Ngọc Lĩnh khoét hai cửa hầm rộng khoảng gần 2m, một cửa đi ngang để phá đá và thoát nước, cửa đứng (giống như cái giếng) ở trên đỉnh núi để khai thác quặng.
Hai phu mỏ tên Thuần và Dự (người Mường) cần mẫn chui ra vô cái hầm ngang để đẩy những xe cút kít đá ra ngoài. Cả hai chưa đầy 20 tuổi, từ Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vào đây làm phu mỏ đã hơn năm. Chừng đã đẩy vơi đống đất đá trong hầm, cả hai nghỉ giải lao.
Ngồi cạnh đống thuốc nổ, kíp…, sau khi “bắn” trước điếu thuốc lào và đốt thêm điếu thuốc lá, Dự ngồi phệt xuống, mài con dao nhọn dài chừng bốn tấc (dùng để cắt, phân chia thuốc nổ) vào bánh đà của máy bơm hơi. (Vì hầm sâu nên phải có máy thổi không khí vào hầm).
Vừa liếc con dao nhọn hoắt đang bắn lửa tung tóe, Dự vừa nhát gừng: “Mỗi tháng lương được gần hai triệu. Chủ lo ăn, ở, thuốc lá được phát hai cây mỗi tháng”. Thuần ngồi cạnh, cầm cái điếu cày rít thuốc lào, lẩm bẩm: “Ở đây hút thuốc lá không đủ và không sướng”.
Như tất cả phu mỏ tại đây, Thuần và Dự làm theo ca, việc chính là đánh thuốc nổ phá đá ở cửa hầm ngang. Đánh xong thuốc nổ từ độ sâu 170m, cả hai sẽ luân phiên đẩy đá ra ngoài cửa lò. “Bắn” thêm điếu thuốc lào, Thuần xé bông gòn đệm vào trong khẩu trang, bước vào cửa lò, Dự xoay sang cắt, gói thuốc nổ, đấu kíp, không nói thêm câu nào.
Phu vàng đang xuống hầm. |
Ai phá nhanh hơn?
Khu vực bãi vàng nằm tại thôn 8 xã Phước Hiệp này có 5 công ty được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác, trong thời gian từ năm 2007-2009, gồm: Hà Thắng, Ngọc Lĩnh, Nam Mai, Hữu Minh và S.S.G. Bãi rộng nhất là Công ty cổ phần Khai khoáng S.S.G, gần 30ha, ít như Công ty Ngọc Lĩnh, gần 5ha, tất cả “chiếm cứ” trên 50ha rừng nguyên sinh. Cả một dải rừng đại ngàn đổi màu, nơi nơi đào bới, dựng lều, đất đá lộn ngược.
Trong các quyết định cấp phép của UBND tỉnh cho công ty khai thác vàng đều nêu rõ sản lượng. Ví dụ: Công ty Hà Thắng, bãi vàng rộng 8,3ha, dự kiến trữ lượng khoáng sản tại đây là 107kg vàng, công suất khai thác khoảng 8kg vàng/năm, thời hạn khai thác, chế biến và thuê đất đến hết tháng 4/2012. Với Công ty S.S.G, trữ lượng khoáng sản dự kiến là 126.346 tấn quặng, tương đương gần 215kg vàng, thời gian khai thác từ tháng 9/2008 đến hết tháng 8/2013.
Một cán bộ tỉnh Quảng Nam lý giải: các công ty trên chủ yếu khai thác vàng tận thu. Việc cấp phép cho họ nhằm mục đích hạn chế tình trạng khai thác trái phép. So với những năm trước, nơi đây đã có một sự thay đổi lớn: từ vàng thổ phỉ thành vàng công ty (hợp pháp). Chỉ khác, công ty đào bới khỏe hơn vì có nhiều thuốc nổ và máy móc!
Thêm một điểm, khi cấp phép khai thác vàng, tỉnh đều ghi là rừng sản xuất. Nhưng thực tế cây cổ thụ bạt ngàn, dày đặc giống như rừng phòng hộ. Với tốc độ đào bới này, lo rằng chỉ ít năm nữa những cánh “rừng sản xuất giống như rừng phòng hộ” trên của Quảng Nam sẽ biến mất, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường tăng thêm vì thuốc nổ và… độc chất cyanua./.
(Còn tiếp)