"Diễn viên" clip nóng khóc dở vì chưa được luật bảo vệ

(PLO) - Thời gian gần đây, xuất hiện khá nhiều clip ghi lại những hình ảnh, giọng nói của cá nhân rồi vô tư tung lên mạng. Những "diễn viên bất đắc dĩ" trong những Clip, hình ảnh, đoạn ghi âm này bị tổn hại rất nhiều, nhưng chưa thấy ai được đòi bồi thường. Phải chăng, luật pháp chưa kịp bảo vệ họ?
Một cảnh phim (Hình minh họa)
Một cảnh phim (Hình minh họa)
Vấn đề những hành vi quay video các vụ ẩu đả cũng như ghi âm cuộc trò chuyện rồi vô tư tung lên mạng internet trong khi chưa được sự đồng ý của những cá nhân liên quan thì có bị định tội? 
Chuyện riêng Hoa hậu, ca sĩ... thản nhiên lên mạng
Liên quan đến vụ ly hôn của Hoa hậu Diễm Hương, trên các trang mạng điện tử gần đây xuất hiện đoạn ghi âm được cho là cuộc nói chuyện giữa Hoa hậu và chồng của cô - ông Đinh Trường Chinh. Nội dung cuộc ghi âm được xem là bằng chứng để Diễm Hương tố cáo chồng có hành vi hành hung vợ và bạn bè của vợ. 
Cũng trong lĩnh vực nghệ thuật, xung quanh vụ vỡ nợ của NSUT Chánh Tín, nhiều trang báo mạng cũng tải về đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa ông và gia đình người bạn quá cố xoay quanh trách nhiệm trả món nợ cho ngân hàng. 
Gần đây, nữ ca sĩ trẻ Hương Tràm - quán quân Giọng hát Việt - trong khi phẫu thuật thẩm mỹ cũng bị ai đó lén quay video rồi tung lên mạng, đáng chú ý là trong video này có cảnh ca sĩ trẻ bị lộ ngực.
Học sinh đấm đá, cởi áo cứ vô tư
Ngoài những câu chuyện ghi âm, ghi hình người nổi tiếng, thời gian qua, bạn đọc báo điện tử cũng quá quen với những màn đánh ghen tới mức nạn nhân bị lột quần, lột áo, trong đó cũng có khá nhiều vụ ẩu đả mà nạn nhân và đối tượng vi phạm đều là học sinh. 
Gần đây nhất là ngày 1/4, một clip ghi lại cảnh hỗn chiến giữa một nhóm các nữ sinh thuộc TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tràn ngập trên các báo điện tử. Nhân vật trung tâm và cũng là nạn nhân của vụ việc đã bị một nhóm nữ sinh giật tóc và lột cả nội y trước sự chứng kiến của nhiều người xung quanh. Và trong nhiều vụ, giữa lúc các nạn nhân đang phải tìm mọi cách đối phó với những đòn hiểm ác của đối thủ thì ở vòng ngoài, không ít đối tượng vô cảm đã giơ điện thoại lên nhằm chụp ảnh, quay phim, sau đó vô tư tung lên mạng.
Có thể nói, trong các vụ việc trên, đối tượng bị ghi âm, ghi hình không hề biết mình bị người khác âm thầm “ra tay” như thế nào và họ làm việc đó với mục đích gì? 
Định tội thế nào? 
Cứ cho rằng giọng nói trong các đoạn ghi âm nói trên thực sự là của NSUT Chánh Tín và ông Đinh Trường Chinh, nhưng chuyện vay nợ cũng như mâu thuẫn vợ chồng là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân, họ đúng hay sai, tốt hay xấu đều đã có pháp luật giải quyết. 
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, quyền bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Vì thế, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng việc tung các đoạn ghi âm kia lên mạng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, danh dự và uy tín của họ.  
Nhưng cũng có quan điểm phản biện, đối tượng đưa các clip hoặc ghi âm lên các trang mạng là nhằm mục đích tố giác hành vi của người có mặt hoặc giọng nói trong đoạn ghi âm đó. Tuy vậy, quan điểm này xem ra không thuyết phục, vì nếu muốn tố cáo một hành vi vi phạm nào đó, người tố cáo phải gửi những tài liệu này đến một cơ quan chức năng cụ thể chứ không thể tự ý đưa lên internet để cho bàn dân thiên hạ cùng bình luận.
Và, nếu các cơ quan chức năng có tiếp nhận các tài liệu này (clip hoặc các đoạn ghi âm), họ cũng phải tôn trọng nguyên tắc trên và đây cũng là lý do vì sao nhiều phiên tòa phải xử kín để bảo vệ bí mật đời tư của các đương sự trong vụ án.
Trở lại vụ ca sĩ Hương Tràm. Cô hoàn toàn không biết mình bị quay lén trong lúc thẩm mỹ. Trong chuyện làm đẹp, cũng có người muốn công khai, nhưng với nhiều người thì đó là thông tin bí mật, và khi bí mật đời tư bị ai đó tự ý công khai cho mọi người biết (dù chưa biết với mục đích gì) cũng ảnh hưởng đến thanh danh của người đó, nhất là những người “của công chúng”. 
Tương tự, vụ  nữ sinh tại TP.Hạ Long bị nhóm bạn lột cả nội y trước bàn dân thiên hạ, cô gái ấy đã bị tổn thương ghê gớm, vậy mà ngay sau đó, hình ảnh rõ mồn một này lại tràn ngập trên internet. 
“Dù các hành vi này gây ảnh hưởng nặng nề đến danh dự của các cá nhân liên quan nhưng các cơ quan chức năng lại rất khó để định tội” - Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn nhận xét. 
Theo lý giải của Luật sư Cường, người tung các đoạn ghi âm, video không phạm tội theo pháp luật hiện hành, bởi Chương XIII, phần các tội phạm của  Bộ luật Hình sự  chỉ duy nhất Điều 125 quy định: “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”. Do vậy, việc phát tán hình ảnh, clip của người khác chỉ vi phạm pháp luật Dân sự. 
Nhưng, về quan hệ pháp luật Dân sự, đối với quyền nhân thân và bảo vệ quyền nhân thân, Bộ luật Dân sự chỉ quy định quyền đối với hình ảnh (Điều 31) chứ không đề cập đến “giọng nói, tiếng nói”. 
“Tuy nhiên, Điều 38 Bộ luật Dân sự có quy định về quyền bí mật đời tư, nhưng khái niệm “bí mật đời tư” lại chưa được xác định cụ thể: những thông tin, tư liệu nào được coi là bí mật đời tư? Những cuộc nói chuyện với bạn bè, nói chuyện giữa vợ chồng,  với người này là bí mật, nhưng với người khác có thể không xem là bí mật. Chính vì vậy, việc xử lý không đơn giản, trừ khi chứng minh được động cơ, mục đích  của người phát tán.”-  Luật sư Cường phân tích. 
Liên quan đến vấn đề trên, một số luật sư cũng có quan điểm trái chiều, có ý kiến thì khẳng định có thể xử lý hình sự hoặc hành chính (tùy tính chất của hành vi vi phạm) nhưng ý kiến khác lại lo ngại khó mà xử lý, bởi các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể và hiện nay đang có khoảng trống pháp lý (về xử lý hành chính) đối với các loại vi phạm kiểu này./.

Đọc thêm