“Thần dược” từ lời đồn
Mới đây, tại Nghệ An, một cặp vợ chồng đã phải đi cấp cứu trong tình trạng vợ chết, chồng nguy kịch, nghi là do sắc nước uống từ một loại “cây lạ” trong vườn nhà. Trước đó, người chồng đã mang loại cây này từ vùng khác về, vì nghe nói loại cây này sắc uống có thể chữa bệnh cao huyết áp...
Thực ra, đây chỉ là một trong những trường hợp sử dụng thuốc theo “lời đồn” thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Bao nhiêu bệnh tật tồn tại thì cùng lúc có bấy nhiêu thông tin về các loại thuốc trong thiên nhiên, là “thần dược” trị bệnh. Có một thời kì, người ta thấy nổi lên trào lưu trồng cây lược vàng vì nghe nói lược vàng có thể trị bách bệnh, trong đó có bệnh ung thư.
Nhiều công ty còn sản xuất luôn loại trà lá lược vàng để cung cấp cho “cơn khát” của thị trường. Tuy nhiên, một thời gian sau, niềm tin vào lá lược vàng dần chùng xuống khi người dân phát hiện, ăn lá lược vàng hàng ngày cũng không thể giúp họ trị bách bệnh, chẳng mấy chốc, loại “thần dược” này bị bỏ rơi.
Cách đây hơn một năm, tại Sài Gòn lại nổi lên trào lưu chữa bệnh bằng rễ cây mật nhân. Theo lời truyền miệng, loại rễ cây này có tác dụng tốt trong việc chữa các bệnh, trong đó có ung thư. Khắp các con đường TP HCM đều có những người chở rễ mật nhân, rượu mật nhân bán dạo với giá dưới 100.000 đồng/kg.
Cơn “sốt” rễ mật nhân cũng bùng lên tầm chưa đầy 1 năm thì xẹp xuống vẫn là do người ta mua uống mà không thấy tác dụng gì. Sau rễ cây mật nhân, đến lượt rễ đinh lăng, cây nở ngày đất, rễ bồ công anh, cây xương khỉ, cao lá vằng, mã đề, bột than từ thân và rễ tre... Tất cả tác dụng của các “thần dược” này cũng chỉ là lời đồn đoán, được người dân răm rắp tin theo và sử dụng cho đến khi... thất vọng về tác dụng.
Nguy cơ nhiễm khuẩn
Ở TP HCM, có cả một khu chuyên bày bán “thần dược” nơi vỉa hè, đó là khu vực chợ Gò Vấp. Tại các con đường quanh chợ, người buôn bán dược liệu bày tràn lan. Các loại nghệ vàng, nghệ đen, mật ong rừng, mật ong nguyên tổ, rễ cây thuốc, cây mã đề, lược vàng cho đến cả nấm linh chi đều được bày bán lề đường với giá rẻ.
“Thần dược” được bày bán bụi bặm ở vỉa hè. |
Hỏi, người bán giới thiệu rất tích cực về công dụng của các loại thảo dược tự nhiên này và cam kết là “hàng thật 100%”, hàng nhà trồng, nhà nuôi, nhà lấy… Tuy nhiên, cả một con đường có hàng chục người bán “dược phẩm” vỉa hè như thế, thật khó mà bảo đảm được độ thật và an toàn của các loại thảo dược này.
Không chỉ được bán dạo, bán tràn lan vỉa hè, các loại thảo dược cũng được quảng cáo mạnh về tác dụng chữa bệnh và kinh doanh tràn lan trên mạng. Hiện tại, hai loại “thuốc thần” đang được truyền miệng có tác dụng chữa bệnh ung thư hiệu quả nhất phải kể đến lá xạ đen và cây an xoa. Trên mạng, có không biết bao nhiêu người tự nhận là trồng, hái được các loại lá thuốc này, cắt sao khô và bán với đủ mức giá.
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngân (quận Phú Nhuận) chia sẻ, thực sự chị và gia đình đã kinh qua hàng chục loại thuốc từ cây hoa lá cho đến động vật: rễ bồ công anh, nhân trần, nấm lim xanh, linh chi lâu năm, ruột nhím, nhung hươu... khi bố chị bị mắc bệnh ung thư dạ dày. Bên cạnh điều trị Tây y, cứ hễ nghe ở đâu nói có loại thảo dược, dược liệu thiên nhiên quý, có tác dụng hạn chế tế bào ung thư thì gia đình chị đều mua về cho ông cụ dùng.
Kết quả là dù đã tốn kém đến cả trăm triệu đồng cho các loại dược liệu tự nhiên, tế bào ung thư vẫn phát triển nhanh, cuối cùng ông cụ vẫn không qua khỏi, chỉ khổ cuối đời phải uống thử không biết bao nhiêu loại cây lá lạ.
Thực ra, tác dụng chữa bệnh của nhiều loại cây có là có thật. Ví dụ cây lược vàng có chứa chất giúp mau lành vết thương; cây mã đề, cây an xoa hay xạ đen đã được nhiều nghiên cứu cho thấy có chất giúp ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư gan.
Tuy nhiên, việc điều trị ung thư bằng dược liệu phải có sự kết hợp với các loại thuốc, cùng với sự chỉ định từ phía bác sĩ, người có kiến thức về thuốc và dược liệu chứ không thể chỉ uống bừa mà khỏi bệnh.
Đó là còn chưa kể đến các loại thuốc được bán trao tay, bán qua mạng hay lề đường, không kiểm chứng được độ thật giả, thậm chí uống vào có thể nặng hơn vì quá trình chế biến không bảo đảm, nhiễm khuẩn nấm mốc…