Trong số các vụ án mà một số cựu lãnh đạo TP HCM là bị cáo thời gian gần đây, phiên xử ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch TP) có phần được dư luận đáng chú ý hơn cả; khi vụ án không có quá nhiều tình tiết quá “lắt léo”; bị cáo nhanh chóng nhận sai; và nguyên nhân cái sai đó bị đánh giá là “rất bất ngờ”.
Theo nội dung vụ án, Sagri là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP, được giao quản lý 3,75ha đất tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc Thủ Đức). Sagri sau đó hợp tác với TCty Phong Phú để đầu tư dự án nhà ở trên khu đất.
Tháng 4/2017, dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Nhưng lãnh đạo Sagri vẫn âm mưu “qua mặt” cấp trên, gửi văn bản cho UBND TP đề nghị cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Cty Phong Phú.
Ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng và Văn phòng UBND TP, đã chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng, thấp hơn giá thị trường. Hành vi của ông Tuyến bị cáo buộc tạo điều kiện cho cán bộ dưới quyền thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án trái luật, gây thiệt hại hàng trăm tỷ cho Nhà nước.
Hồ sơ không nhắc đến chuyện ông Tuyến có vụ lợi gì hay không. Về phần ông Tuyến, hoàn toàn không kêu oan mà nhận lỗi, cho rằng “có phần chủ quan không kiểm tra sự việc”, “thực tế công việc phụ trách rất nhiều, tôi không thể nắm hết các vấn đề”... Thế nhưng “bút sa gà chết”, khi ông Tuyến đã ký thì phải chịu trách nhiệm với chữ ký của mình.
Lời khai của ông Tuyến cho thấy ông không nắm rõ ràng về dự án, về sai sót của Sagri. Bị cáo được cấp dưới là Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP) trình hồ sơ.
Dù nhớ rằng dự án này từng có “phốt”, từng bị TP thanh tra và ra kết luận, ông Tuyến vẫn không tự mình kiểm tra mà yêu cầu Văn phòng xem xét lại. Một lần nữa Văn phòng trình báo cáo với nội dung “Sagri không có sai sót”. Vẫn “bán tín bán nghi”, nhưng vẫn không tự mình kiểm tra, ông Tuyến ghi “chờ rà soát lại kết luận”, 5 ngày sau ký. Hậu quả của việc không sát sao, không kiểm tra, là UBND TP đã bị Sagri “qua mặt”.
Ông Tuyến “than thở” lúc ký đã không đọc hết kết luận thanh tra sai phạm của Sagri trước đó vì dài 50-70 trang và ghi vào hồ sơ “Văn phòng chịu trách nhiệm”. Thế nhưng hiện tại cho thấy không chỉ cấp dưới mà bản thân ông cũng phải chịu trách nhiệm.
Vậy cấp dưới của ông Tuyến làm việc ra sao? Bị thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thanh Chương thừa nhận khi trình hồ sơ cho “sếp” ký thì chỉ “xem qua, không đọc kỹ”; chỉ xem phần tờ trình của Sagri và ý kiến tham mưu đề xuất của Sở Xây dựng chứ không đọc kết luận thanh tra về việc quản lý đất, tài sản tại Sagri.
Dân gian có câu nói “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Cấp trên có chỉ đạo quyết định chính xác, sáng suốt hay không, một phần nhờ vào tham mưu rà soát của cấp dưới, các bộ phận giúp việc hỗ trợ. Nhưng “tham mưu” kiểu ú ớ như trên thì không sai mới là lạ. Âu cũng là một bài học đắt giá cho những người giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo.