Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia: Có kích cầu tiêu dùng được như kỳ vọng?

(PLVN) - Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia lần đầu tiên sẽ kết thúc trong khoảng 1 tuần nữa. Sự kiện được kỳ vọng là chương trình kích cầu vào mùa thấp điểm tiêu dùng hàng năm. Năm đầu tiên chương trình lại rơi vào đúng “điểm vàng” tiêu dùng hậu Covid nên càng được kỳ vọng.
Các sản phẩm có thể giảm giá đến 100% trong Tháng này nhưng đa phần vẫn chỉ giảm khoảng 50%
Các sản phẩm có thể giảm giá đến 100% trong Tháng này nhưng đa phần vẫn chỉ giảm khoảng 50%

Nhiều chương trình, mặt hàng giảm giá 

Chương trình có quy mô quốc gia, triển khai trọn vẹn trong tháng 7/2020. Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia chương trình cũng đã được Ban tổ chức “bật mí” như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong tháng tham gia khuyến mại (KM) mà các sản phẩm tham gia chương trình này có thể “vượt khung” KM 50% như luật định. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị tuyên bố đã có hàng trăm nhãn hàng tham gia với nhiều chương trình kích cầu giảm giá đến 100%. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, gần như không xuất hiện sản phẩm có giá trị KM lên đến 100%. Chị Nguyễn Thu Hằng (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết, khi đọc được thông tin về chương trình chị cũng háo hức đón chờ, nhất là các chương trình giảm giá shock các sản phẩm hàng hiệu.

“Thực ra tìm các sản phẩm KM 100% thì gần như không có bởi như vậy đồng nghĩa với giá… 0 đồng. Nhưng các chương trình mua 1 tặng 1 vẫn xuất hiện. Đặc biệt, các sản phẩm túi xách, giày dép hàng hiệu ở các trung tâm thương mại thực sự khá ấn tượng với tôi với các chương trình giảm giá từ 50-70% sản phẩm”, chị Hằng nói. 

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Hệ thống bán lẻ BRG cho hay, hưởng ứng Tháng KM tập trung quốc gia, hệ thống BRG Mart đã triển khai nhiều chương trình KM như Tuần lễ trái cây Việt; Tuần lễ thời trang Việt, Tuần lễ thịt heo Mỹ tăng nguồn cung giúp bình ổn giá thịt trường thịt heo trong nước...  với mức giảm giá từ 5-50%.

Cũng theo ông Dũng, cả 50 siêu thị BRG Mart/ HaproFood được trang trí, nhận diện về Tháng KM quốc gia nên cũng tạo hiệu ứng tốt hơn với các khách hàng. Theo thống kê sơ bộ, tại các hệ thống siêu thị do BRG quản lý, với nhiều  chương trình KM hấp dẫn đã giúp tăng khoảng 35% sản lượng bán ra và doanh thu tăng khoảng 30% trong thời gian này. 

Ngoài mục đích kích cầu tiêu dùng, Tháng KM tập trung quốc gia cũng kỳ vọng ở các tỉnh sẽ xuất hiện các trung tâm mua sắm nhỏ, giới thiệu các đặc sản địa phương cũng như các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) để người dân địa phương có thêm một điểm mua sắm, tham quan ngoài các trung tâm thương mại hoặc siêu thị. 

Đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, Tháng KM tập trung quốc gia trên địa bàn tỉnh này có nhiều chương trình thu hút được nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm. Đặc biệt, nhằm hưởng ứng chương trình này của Bộ và Sở Công Thương, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thiên Phú đã triển khai quầy bán hàng khuyến mại tại chợ phiên ở huyện Văn Lãng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) và thành phố Lạng Sơn với chương trình khuyến mại 10% đối với các mặt hàng tiêu dùng như gạo, sữa, dầu ăn, giấy ăn… 

Đại diện Sở này cho biết thêm, công ty này sẽ nhân rộng mô hình mở quầy hàng khuyến mại ở các phiên chợ ở tất cả các địa bàn còn lại của tỉnh và sẽ thực hiện ngay trong năm 2020 để người dân nông thôn được mua hàng với mức giá ưu đãi. 

Có kích được cầu tiêu dùng? 

Trong quá trình khảo sát về lượng khách trong Tháng KM tập trung quốc gia, chúng tôi vẫn gặp những siêu thị, trung tâm thương mại vắng khách. Đại diện Saigon Coopmart Hà Nội thông tin, lượng khách đến siêu thị ở Hà Đông gần như không có gì thay đổi, vẫn lác đác như như các tháng trước dù có nhiều chương trình kích cầu như nhân điểm thưởng, mua 1 tặng 1, giảm 50%, tích lũy hóa đơn để nhận sách giáo khoa.

“Chúng tôi đang có nhiều chương trình KM, thậm chí xuất hiện cả các chương trình double  KM (các chương trình KM chồng lên nhau) nhưng không thấy khả quan lắm về tiêu dùng”, đại diện Saigon Coopmart tại Hà Nội chia sẻ.

Theo vị này, siêu thị vẫn đang cố gắng kéo khách hàng đến tham quan mua sắm nhưng do dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu nên lượng khách hàng cũng không nhiều và ổn định. Hiện giờ người dân thực hiện tiết kiệm, chỉ mua đủ dùng không chi tiêu quá nhiều  như trước. Theo số liệu, nếu như trước đây, siêu thị có rất nhiều hóa đơn lên đến hàng triệu đồng thì hiện nay, số lượng này rất thấp. 

Bà Nguyễn Thu Nga, Trưởng phòng Trung tâm thời trang Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) lại cho rằng, Tháng KM tập trung quốc gia này không tác động nhiều đến doanh thu của Vinatex bởi hàng tháng, hệ thống siêu thị Vinatex vẫn đều có chương trình giảm giá của lần lượt khoảng 200 nhà cung cấp.

Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chu kỳ mua sắm bị thay đổi. Ví như các năm trước, mùa vụ thấp điểm tiêu dùng thường rơi vào khoảng tháng 4, tháng 5, đến tháng 7 sẽ giảm mạnh nhất nhưng năm nay tháng 5 doanh số lại cao hơn các năm trước, tháng 6 và tháng 7 cũng dự báo tăng cao hơn do các nhà cung cấp chuẩn bị các chương trình giảm sâu để kích cầu ngay sau dịch Covid.