Năm 16 tuổi, anh Trần Trung Thành (40 tuổi, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) lân la tìm hiểu về nghề nuôi ong mật. Bắt đầu từ việc thích khám phá của đứa trẻ khi thấy người hàng xóm nuôi ong, sau đó xin tiền mẹ mua 3 thùng ong về đặt trong vườn nhà. Kể từ đó, nghiệp nuôi ong gắn bó với anh đến nay đã 28 năm.
Huyện Trảng Bom những năm 1990 là vùng trồng cao su trọng điểm của tỉnh Đồng Nai. Cùng với nhu cầu thụ phấn, nhiều người đã đặt trong vườn nhà mình nhiều ít chục thùng ong Ý (loại ong có năng suất và chất lượng thu hoạch mật cao hơn ong nội địa) để lấy mật…uống. Theo thời gian, diện tích đất, hoa cỏ tự nhiên ngày càng hẹp lại nên người ta bỏ nghề vì ong chết hàng loạt.
Theo chân anh Thành vào thăm đàn ong của gia đình, chúng tôi mới biết được cái thú vị về loài ong này. Trong mảnh vườn hoa sữa rộng khoảng 1.000m2 được anh Thành đặt 500 thùng ong. Trong tĩnh lặng buổi hồn hôn, tiếng ong bay vo ve tạo thành một âm thanh đặc trưng. Vừa mở nắp thùng kiểm tra ong, chủ nhà lưu ý khách khi vào vườn ong không nên đứng chắn ngang cửa tổ, đúng hướng đàn ong đi về. Còn khi đặt thùng ong phải đặt cửa tổ hướng về phía nam, đấy là hướng ấm áp vì giống ong không chịu rét. Để cửa tổ ong hướng khác, đặc biệt là hướng bắc, ong không thuận trong việc sinh sôi bầy đàn và kiếm ăn.
Để thu hoạch “lộc trời”, anh Thành đã trải qua không ít khó khăn để hiểu được loài ong. Theo anh, ong có tập quán sinh hoạt cực kỳ nguyên tắc và người nuôi ong chỉ biết trông chờ thời tiết, trông chờ vào mỗi mùa hoa. Không ít năm anh khốn đốn vì không thu được mật (do trời mưa nhiều) đã đành mà suốt thời gian ấy ong không đi kiếm ăn được thì phải nuôi. Mà nuôi bằng thức ăn (đường trắng) không tinh khiết thì ong dễ bị dịch bệnh, sinh sản kém... Chưa kể người làm vườn phun thuốc kích thích, thuốc sâu... cho hoa khiến ong chết hàng loạt có khi trắng tay.
Chia sẻ về nghề, anh Thành kể, khó khăn nhất là chọn địa điểm đặt thùng ong. Người trong nghề sợ nhất là đặt thùng ong ở nơi mà vào thời điểm đó người ta đang xử lý thuốc hóa học cho vườn cây, mảnh ruộng của mình. Ong đi lấy mật trúng thuốc sẽ chết hàng loạt và nếu không di chuyển kịp thời thì chỉ trong vài ngày, cơ nghiệp sẽ tiêu tan.
Anh Thành nhớ lại, năm 2009, khi anh đem thùng ong đặt trong vườn điều. Vài ngày đầu mọi việc diễn ra bình thường. Một hôm, đột nhiên đàn ong bay về tới cửa thùng là lăn ra chết. Chỉ trong vòng ba ngày, đàn ong của anh Thành thất thoát hơn phân nửa. Sau đó, anh vội vàng di chuyển đàn ong đến nơi khác “lánh nạn”. Sau khi tìm hiểu, anh Thành mới biết đàn ong của mình đi ăn hoa café vừa mới xịt thuốc hóa học khiến anh Thành trở tay không kịp.
Đàn ong 500 thùng của anh Thành mỗi năm thu được 20 tấn mật. Mấy năm trước giá mật khoảng 80.000 đồng/kg, năm nay rớt xuống chỉ còn 25.000 đồng/kg. Ngoài việc bán giá sỉ cho các công ty, anh còn bán cho khách ở ngoài, thu nhập mỗi năm cũng chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống và gia đình.