Thăng trầm rạp hát trăm tuổi ở Tiền Giang

(PLO) - Nằm bên khu chợ Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) lúc nào cũng ồn ào, nhộn nhịp “người mua kẻ bán”, căn nhà khiêm tốn cạnh đó từng có thời là “kinh đô” của sân khấu miền Tây. Rạp hát thầy Năm Tú có cách đây gần 100 năm. Bây giờ nơi ấy có tên là Rạp hát Tiền Giang.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc tặng hoa cho các nghệ sĩ Tiền Giang diễn vở cải lương “Sợi tơ hồng”.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc tặng hoa cho các nghệ sĩ Tiền Giang diễn vở cải lương “Sợi tơ hồng”.
Song hành cùng sân khấu Việt
Rạp hát nằm ở giao nhau giữa đường Lý Công Uẩn và đường Nguyễn Huệ, cách chợ Mỹ Tho chỉ vỏn vẹn chừng 50m. Có thể nói đó là một vị thế đắc địa nằm lọt giữa trung tâm thành phố. Không quá ngoa khi nói rằng, rạp hát này đã gắn liền với sân khấu miền Tây nói riêng, sân khấu Việt nói chung. 
Lúc ở thời hoàng kim, nó từng là nơi đến của biết bao khách “thời thượng”. Sân khấu đêm nào cũng đỏ đèn và thường xuyên “cháy vé”. Thế nhưng cũng có thời gian, nó đìu hiu quạnh quẽ “vắng như chùa bà Đanh”. Rạp hát “trăm tuổi” đã song hành với bao thăng trầm của nghệ thuật sân khấu.
Từ cuối thế kỷ 17, Mỹ Tho là một trong hai “đại phố” nổi tiếng, thuyền buôm các nước Tây Dương, Trung Quốc, Nhật Bản... tới lui buôn bán tấp nập. Không chỉ là nơi giao thương nhộp nhịp mà Mỹ Tho còn là trung điểm giao lưu văn hóa hai miền Đông và Tây Nam Bộ. 
Đặc biệt, khi con đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho được khánh thành thì nơi đây trở thành điểm hẹn của không ít bậc tài tử, tao nhân, mặc khách. Các “đại công tử” miền Tây khi đó sở hữu những cánh đồng rộng “thẳng cánh cò bay” lại sẵn máu mê tài tử đã trở thành những nhà bảo trợ cho những gánh hát.
Theo hồ sơ của Ban quản lý di tích Sở VH-TT&DL Tiền Giang, rạp hát Tiền Giang do ông Châu Văn Tú (người dân quen gọi là thầy Năm Tú), một người giàu có mê xem ca hát ở làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho, lập nên. Khoảng năm 1905, thầy Năm Tú bỏ tiền xây dựng rạp chiếu bóng của mình. Đến khoảng thập niên 1910 - 1920, ông mua lại gánh “xiếc và ca ra bộ An Nam trẻ” của André Thận. Sau đó ông bỏ tiền mời đào kép và lập nên gánh hát Thầy Năm Tú. Đây được xem là rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Khê cho biết: “Rạp rộng rãi và có đủ bề cao trên sân khấu. Thầy có mời một họa sĩ danh tiếng vẽ tranh cảnh để làm phông trang trí. Khán giả chia làm ba hạng: hạng nhứt, hạng nhì, hạng ba. Ngoài ra hai bên sân khấu còn có một số phòng đặc biệt dành cho khách quý”. Gánh hát được khai trương vào đúng ngày sinh nhật của thầy Năm Tú 15/3/1918. Đào kép của gánh, ngoài các tài tử của gánh hát cũ, thầy Năm Tú còn nhận thêm một số đào kép mới. Năm 1918, tuồng hát Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản được chọn làm vở tuồng khai trương gánh hát. 
Điểm độc đáo là thầy Năm Tú có “máu kinh doanh” từ rất sớm, ông đã biết thu những vở cải lương, vở tuồng vào đĩa nhựa rồi đem bán. Nhiều nghệ sĩ lão thành vẫn còn nhớ máy hát của thầy Năm có hình con chó ngồi thổi kèn và có cái loa bằng thiếc hình bông rau muống “bự chảng”. 
Câu mở đầu đĩa hát cũng khá thú vị: “Bạn hát của thầy Năm Tú, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”. Chính nhờ hoạt động quảng bá này mà hát cải lương mới thành hình đã được phổ biến rộng rãi khắp thôn quê. 
“Rạp hát của “ông bầu” Năm Tú nằm bên hông chợ Mỹ Tho. Đây là rạp hát đầu tiên của nghệ thuật sân khấu cải lương. Việc các bầu gánh đầu tư vốn lớn là để thành lập các gánh hát đại ban, biểu diễn thường trực tại một rạp hát cố định. 
Đặc biệt, việc xây dựng rạp hát để biểu diễn cải lương của bầu Năm Tú là một bước khởi đầu tốt đẹp, khẳng định loại hình kịch hát cải lương tuy mới ra đời nhưng đã có sự tiếp thu và đầu tư của bầu gánh tiến bộ nhằm phát triển sân khấu cải lương theo kịp xu hướng thời đại”, Thạc sĩ Võ Thị Yến (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) nhận xét.
Có rạp hát cố định, có tuồng tích đặc sắc, rạp hát Thầy Năm Tú từng là nơi ghi lại dấu ấn của những tài danh trên sân khấu cải lương như Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du, Bảy Thông, Bảy Nam, Phùng Há, Năm Phỉ... Rạp hát Thầy Năm Tú thời đó đắt như tôm tươi. Đêm nào người dân cả thành phố cũng nườm nượp kéo tới. Muốn được vào trong xem phải xếp hàng mua vé từ sáng sớm. Những ai không mua được vé đành đứng ở ngoài hành lang nghe cho đỡ ghiền.
Đến thập niên 1950 - 1960, rạp được bán lại cho một chủ tiệm vàng và đổi tên là hí viện Vĩnh Lợi. Hí viện Vĩnh Lợi lúc bấy giờ vừa là rạp hát cho các đoàn cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh về biểu diễn vừa là rạp chiếu phim phục vụ công chúng. Năm 1981, nơi này được đổi tên thành rạp hát Tiền Giang cho tới nay.
Bao giờ thời “hoàng kim” sống lại?
Tuy không bị hủy hoại trong chiến tranh nhưng bước vào thời kỳ hiện đại, số phận của rạp hát thầy Năm Tú cũng như nghệ thuật sân khấu lại đối mặt với thách thức khác: Đó chính là sự thờ ơ của khán giả. Một thời gian dài, rạp hát Tiền Giang gần như bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Nếu có chương trình biểu diễn thì cũng chỉ có lèo tèo vài ba “cụ ông cụ bà”. Không có kinh phí hoạt động, các đoàn nghệ thuật cải lương cũng không hào hứng vào rạp biểu diễn. 
Rạp hát Tiền Giang
Rạp hát Tiền Giang 
Chứng kiến “cái nôi” của nghệ thuật sân khấu cải lương hoang toàn khiến cho những người làm trong ngành văn hóa – nghệ thuật Tiền Giang không khỏi xót xa. “Mỗi lần đi qua chỉ thấy những cánh cửa sắt rỉ sét đóng im ỉm, tường gạch đầy dấu rêu phong. Nội thất bên trong thì hư hỏng nặng, ngột ngạt mùi ẩm mốc, sân khấu đầy bụi bặm, mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Nhớ lại thời rực rỡ khi xưa mà chạnh lòng”, soạn giả Huỳnh Anh nói.
Sau nhiều trăn trở suy nghĩ,chương trình biểu diễn đờn ca tài tử - cải lương - ảo thuật định kỳ hằng tháng tại rạp hát Tiền Giang rậm rịch từ khoảng tháng 12/2012 và đến tháng 1/2013 thì chính thức hoạt động. Chương trình là sự phối hợp giữa Sở Văn hóa Thông tin & Du lịch Tiền Giang và Hội VHNT Tiền Giang được tổ chức định kỳ vào ngày 20 hàng tháng. Để thu hút khán giả, chương trình không bán vé và thu phí người xem.
Cho đến nay sau một năm, “ông bầu” của chương trình là soạn giả Huỳnh Anh nhận xét: “Chương trình vẫn diễn ra điều đặn và chưa tháng nào bị gián đoạn. Không chỉ có người già mà khá đông thanh niên cũng đến coi. Thế mới biết dân mình còn mê cải lương lắm, phải có hát cải lương bà con mới đến xem. 
Nhiều cô bác buôn bán đến tối mờ mới xong nhưng vẫn nán lại xem hết chương trình mới về. Mặc dù không có nguồn thu từ bán vé nhưng được phục vụ công chúng ở rạp hát đầu tiên của Nam Bộ, được công chúng yêu mến nên các anh, chị em nghệ sĩ đều rất nhiệt tình tham gia”. 
Rạp hát Tiền Giang (khởi đầu từ rạp hát thầy Năm Tú) đã trở thành một “địa chỉ cải lương” của người dân Mỹ Tho, người dân Tiền Giang từ gần trăm năm nay. Dẫu có những thăng trầm theo thời gian nhưng còn những người tâm huyết, còn những khán giả trung thành với nghệ thuật sân khấu.