Được chữa bệnh thì... ngồi thở dốc
Trực tiếp chứng kiến những điều khôi hài, nhảm nhí đậm màu sắc bạo lực, mê tín dị đoan ấy, tôi thấy lạ khi vẫn có nhiều người có vẻ rất nể phục “cụ Tám” và các đệ tử của “cụ”. Có cụ già cố chen lên để sớm đến lượt vì trời đã về trưa thì ngay lập tức bị một đệ tử quở mắng chẳng khác đang mắng một đứa trẻ con.
Trước khi kết thúc buổi chữa bệnh, “cụ Tám” lại thao thao bất tuyệt: “Người thanh đồng ta ải thân 13 năm trời, ngày nay được hưởng năng lượng, hôm nay ta là ai hả các ngươi?”. Liền sau đó, cụ Tám cầm xấp tiền ném tung lên trời, miệng hô lệnh: “Chúng bay nhặt đi, nhặt đi các ngươi”.
Các đệ tử nhao nhao nhặt lộc của “cụ Giời”. Tôi cũng nhanh tay nhặt được 1 tờ tiền 5 ngàn đồng. Một người đàn ông quê ở tỉnh Hưng Yên ngồi cạnh tôi cho biết, nếu chót nhặt “lộc Giời” thì khi đặt lễ phải trả lại bằng số tiền gấp 2, gấp 3 lần hoặc nhiều hơn thì tùy tâm. Cầm 3 tờ tiền 5 ngàn đồng trên tay, người đàn ông này gói gém lại rất cẩn thận.
Theo người này, ông ta sẽ mang 3 tờ tiền này về khấn ở bát hương thổ công nhà mình. Sau đó, lúc nào ông ta cũng sẽ mang theo người để lấy lộc, không được tiêu pha lung tung. Ông này đã tới đây 5-6 lần để chữa bệnh đau đầu và giãn dây chằng nên rất thành thạo mọi nghi lễ.
Về cuối buổi, một thanh niên mặt mày lấm lem bước vào. Trong điện có tiếng hô to: “Cụ ơi cái thằng chạy thận đến rồi đấy”. “Cụ Giời” xua tay, bảo người bệnh này lên nhà trên đợi. Một lúc sau, “cụ” chỉ ban phước cho thanh niên này 5 tờ 5 ngàn đồng, dặn đốt luôn 3 tờ ở sân khấn vái làm phép, còn 2 tờ mang về nhà. Làm xong, anh ta lại lút cút dắt chiếc xe ra về. Tuy nhiên, hiệu quả chữa bệnh có vẻ như không ăn thua vì vừa ra tới ngõ, thanh niên này đã phải ngồi phịch xuống ven đường để thở.
Giả chết gom tiền
Đến trưa, “cụ Tám” mời tất cả con bệnh ăn cơm “nhà Giời” ngay tại điện. Bữa cơm đạm bạc qua đi nhanh chóng, “cụ Tám” đi lại vài vòng thăm hỏi các con bệnh.
Một lát sau, “cụ” đột ngột nằm thưỡn người giữa nhà, lầm bẩm gì đó, còn một số các con nhang ngồi ngoài cứ thế chắp tay khấn lạy. “Cụ” rút trong cạp quần ra một xấp tiền đưa cho đệ tử rải quanh người mình. Khấn vái, cầu khẩn thần linh một chập, sau đó “cụ” nằm in thin thít.
“Cụ Tám” nằm thẳng cẳng giả chết |
Như để cứu “cụ” tỉnh dậy, các đệ tử mang tiền đi hóa ở “cửa Thiên” nhưng tình hình không biến chuyển. Một đệ tử nữ tuổi trung niên từ đâu chạy đến, quỳ rạp khóc ré lên:
“Mọi người ngồi sám hối cho cụ đi, sám hối, sám hối. Cụ ơi sám hối, lạy cụ. Con sám hối lạy cụ, cụ còn phải sống để cứu đất nước Việt Nam...”.
Lúc này tôi nhìn kỹ thì thấy một ngón chân của “cụ Tám” rơm rớm chất lỏng màu đỏ giống máu. Theo các đệ tử, nguyên nhân là buổi trưa chị Son - con dâu của “cụ giời” - đã nấu cơm sống để cho “cụ” ăn nên thần linh tức giận cho chiếc đồng hồ rơi vào chân “cụ” báo ứng.
Các đệ tử bâu kín trước cửa ngôi nhà, vây xung quanh “cụ Giời”. Khi mọi người còn đang bấn loạn thì một người phụ nữ phốp pháp tự dưng khóc thét lên, đấm huỳnh huỵch vào đầu nhiều nhát, miệng la lớn, chỉ về phía đám người đang đứng trước cửa: “Lui ra, các ngươi ra hết”.
Vai diễn đó được xác định là “thánh cha” của “cụ Tám”, trong lần thứ hai xuất hiện đã áp vong vào người phụ nữ kia. Ngay lập tức, những tiếng khóc ai oán được cất lên từ miệng đám con nhang đệ tử của “cụ Giời”: “Cha ơi khổ cho đất nước Việt Nam quá...”. “Thánh cha” sau khi hiển linh đã ôm lấy “cụ Tám”, miệng rít lên đầy oán trách: “Tại là tại con Son...!”. Nghe vậy, một đệ tử ngồi ngay ngoài khóc rít lên, vỗ tay bôm bốp làm ra vẻ hờn dỗi lắm.
“Thánh cha” ra lệnh: “Gọi nó vào đây. Oan cho con ta quá. Con ta nó khổ quá rồi. Ta ở trên kia làm sao biết con ta thế này. Con mở mắt ra nhìn cha nào. Con gái của cha, có nghe thấy cha nói không? Mở mắt ra nhìn cha, Thanh đồng Tám? Oan vì con dâu, con có nghe gì không? Gọi đưa con Son vào đây, Không ai cứu được con ta đâu. Cái thần linh nhà này...”.
Giọng “thánh cha” mỗi lúc một lớn và ngày càng gay gắt, tức giận. Trong khi đợi gọi cô Son lên chịu tội, “thánh cha” xoa bóp khắp người “cụ Tám” rồi hét lên: “Tim nó có đập đâu chứ? Làm sao mà sống được!”. Như để chứng minh lời của mình, “thánh cha” kéo tay một đệ tử ngồi ngay đó đặt tay vào ngực của “cụ Tám” để kiểm chứng.
Lúc này màn kịch được đẩy lên cao trào. Sự hô hào, tiếng khóc hờ ai oán của các đệ tử tên là Chó, Lợn... khiến cho các con bệnh đứng ngoài ai nấy cũng xụt xùi, bùi ngùi...
Cảm thấy đã đến lúc hiệu triệu được lòng người, “thánh cha” bắt đầu kêu gọi mọi người vào đặt lễ bằng tiền mặt, tùy tâm để “thánh cha” đốt hết mới cứu được “Thanh đồng Tám”. Ngay lập tức, vài chục người rôm rả vào đặt lễ bằng tiền mặt trải quanh người “cụ Tám”.
Theo quan sát của tôi, lần “tổng động viên” này thu được xấp xỉ 2 triệu đồng. “Thánh cha” ra lệnh mang một ít tiền lẻ về đốt ở chỗ treo đồng hồ nhà chị Son. Còn mọi người sau khi đặt lễ thành tâm thì lên điện chính sám hối.
Màn bạo lực hành con dâu hay lừa bịp người dân?
Lúc này, cô Son mới lập cập bước từ gian bếp lên nhà chính. “Thánh cha” liên tục ra lệnh cho cô này quỳ xuống trước cụ Tám. Cô Son ngoan ngoãn vâng lời. Chỉ đợi có vậy, “thánh cha” trong thân xác người phụ nữ to béo sấn tới dạng háng ra, để cô Son quỳ bên dưới như người cưỡi ngựa.
“Thánh cha” liên tục răn đe cô Son như đang răn dạy một đứa trẻ: “Từ giờ không được láo nhớ chưa? Không được phạm thượng nhớ chưa? Hôm nay nấu cơm sống, lại còn láo với mẹ chồng. Con hứa với cha chưa?”. Cô Son chỉ biết quỳ rạp lầm rầm sám hối mà không hề phản kháng nửa lời.
“Thánh cha” vẫn ở thế thượng phong, tay giữ cổ cô Son, tay kia chỉ mặt, còn miệng thì hằm hè đe dọa: “Không được láo với con gái của ta, không được láo với cháu đích tôn của ta. Có muốn chết không? Con vào xin mẹ chồng con đi, xin cụ thần linh nhà con đi”.
Màn kịch tra tấn tinh thần cứ tiếp tục diễn ra với đủ trò trách móc, tung hô, hò hét. Các con nhang đệ tử ở vòng ngoài kẻ cười, người khóc, người thì xì xụp vái lạy xin sám hối.
Bất chợt, “thánh cha” hô lớn: “Tim đập rồi nhưng thần linh chưa tha, tất cả mọi người sám hối đi”. Tiếng rì rầm vang lên. Sau đó, “thánh cha” ra lệnh cho một số đệ tử ngồi đốt tiền thành 3 đống lửa nhỏ để hơ tay, hơ chân “cụ Tám”.
Cùng với đó, “thánh cha” cũng nâng niu, ôm “cụ Tám” vào lòng vỗ về âu yếm như đang dỗ dành một đứa trẻ lên ba: “Con gái, thần linh tha rồi, mở mắt ra nhìn cha nào. Giận à! Giận cha à? Cha đến muộn giận à? Nghe cha nói đây này...”.
Ở vòng ngoài, các đệ tử vần rì rầm cầu khấn: “Thần linh tha cho cụ Thanh đồng Tám để lo cho đất nước Việt Nam”. Và thế là sau màn hò hét, vỗ về nụng nịu thì “cụ Tám” đã chớp mắt thật nhưng vẫn nằm đưỡn người chưa muốn dậy.
“Thánh cha” dạng háng, bóp cổ, bắt cô Son chịu tội. |
“Thánh cha” tiếp tục vỗ về: “Không thể thui được con đâu. Con mở mắt ra nhìn cha đi. Đấy sợ chưa, sợ chết mà. Không thể chết được. Con có muốn thần linh nhà con thui cha không? Thui cả cha nhé. Các cụ thần linh tha rồi, con dâu hứa rồi. Hứa to lên, hứa to lên! Hứa!”, “thánh cha” quát nạt chị Son.
Sau đó, “thánh cha” đỡ “cụ Tám” dậy và ôm vào trong lòng. Mắt “cụ Tám” lúc này đờ đẫn vô hồn liếc nhìn xung quanh. Tóc tai của “con giời” rũ rượi và vẫn còn nguyên tờ 200 ngàn đồng dán trên trán.
Thình lình, “cụ Tám” vung hai tay lên trời miệng hô hớn: “Ta vung trời...” rồi cứ thế đấm thùm thùm vào lưng chị Son vẫn đang quỳ lạy ở đó. Sau vài cú đấm trời giáng vào cô con dâu, cụ Tám như lấy lại được sức lực, bật dạy nhảy ton ton, múa may vài vòng chạy quanh nhà.
Các đệ tử ngồi xung quanh vui mừng quá lại liên tiếp hô: “Sám hối lạy cụ, sám hối lạy cụ...”. Sau khi đã cứu được con gái, “thánh cha” bắt đầu “thoát xác”. Trước khi đi, “thánh cha” dặn dò “cụ Tám”: “Yên tâm, con cứ làm việc trần đã có cha bên cạnh. Từ giờ không ai được sờ vào người con gái ta. Ai được phép thì ta đưa vào. Ngơ ngơ ngác ngác thế này...”.
Sau đó, “thánh cha” cùng “cụ Tám” tạm biệt bằng cách chập tay vài cái, xoay tay trước ngực vài vòng để làm phép. Trong lúc “thánh cha” về giời, “cụ Tám” cao giọng đọc bài điếu: “Phải oai vệ nhất nước, đây là hồng phước cứu trần, ai không nghe phật nhất định chết đừng trách trời, con ta là tám trên giời, ngang tàng cứu người ân minh”.
Việc còn lại là các con nhang đệ tử gom nốt số tiền rơi vãi trên mặt đất để đặt lên các điện thờ. Sau màn kịch “giả chết bắt quạ” ấy, qua đôi lần trò chuyện với cô Son, bằng cách cảm nhận bên ngoài, tôi thấy đây là một người phụ nữ chịu kham, chịu khổ.
Từ ngày cụ Tám nổi đồng chữa bệnh, cô Son ngoài việc phải cơm bưng, nước rót tất bật lo chuyện cơm nước, đồng áng thì cô còn thường xuyên bị “cụ Tám” và các đệ tử hành hạ khổ sở như thế này. Hôm bị “thánh cha” hành, thực chất là nồi cơm không sống sượng, chỉ có chuyện cô Son mới chuyển từ loại gạo dẻo sang gạo cứng nên cơm không được ngon. Chỉ có vậy mà cô đã bị “cụ Tám” làm tình làm tội như vậy. Nhưng vì làm việc “âm” nên cô Son đành cam chịu...
(Mời các bạn đón đọc kỳ sau trên Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày Chủ nhật, 18/5/2014)