Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau hơn 4 năm triển khai, thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm OCOP, gồm: 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Các sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội chợ thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2022.
Các sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội chợ thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2022.

Chương trình OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Từ khi được triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, các địa phương chủ động triển khai. Đến hết tháng 8/2022, toàn quốc có 8.478 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 4.351 chủ thể. Trong đó, có 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao.

Chương trình đã có những tác động tích cực đậm nét đến sự phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua chương trình, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, cả nước đã có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Tại tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 4 năm nỗ lực triển khai, thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có 236 sản phẩm OCOP, gồm: 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao, 184 sản phẩm đạt hạng 3 sao, của 158 chủ thể (49 doanh nghiệp, 51 HTX, 6 tổ hợp tác, 52 hộ sản xuất, kinh doanh) trên địa bàn 139 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn là 01/6 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình OCOP; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen cho các Chủ thể tiêu biểu và chứng nhận 3 sản phẩm tiêu biểu khu vực miền núi.

Để đạt được kết quả trên, giai đoạn 2018 – 2022 tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; phê duyệt đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình; thành lập và kiện toàn hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh, huyện, xã; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại rất được các ngành, địa phương quan tâm, đến nay, đã tổ chức cho nhiều doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tham gia một số hội chợ trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại nhiều sự kiện như: Hội chợ OCOP toàn cầu tại TP HCM, Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Yên Bái...

Nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP được tổ chức tại siêu thị Co.opMart, khách sạn Sao Mai, Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 tại Hà Nội; bãi biển Sầm Sơn trong dịp khai trương hè Sầm Sơn năm 2021 và năm 2022. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Nước mắm Bông Sen được tỉnh Thanh Hóa công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao

Nước mắm Bông Sen được tỉnh Thanh Hóa công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao

Theo lộ trình, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, trong đó chú trọng đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho các lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Có thể thấy, việc thực hiện chu trình OCOP và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù của từng địa phương; đồng thời phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Cùng với đó, các chủ thể OCOP cũng đã nhận thức và quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ trong nâng cao chất lượng sản phẩm mà cả trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng, điều này càng có ý nghĩa và tác động tích cực đến sự tồn tại bền vững của chủ thể trong bối cảnh không ít đơn vị khác khó khăn vì dịch bệnh.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đã được tỉnh Thanh Hóa ban hành, các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế riêng nhằm khuyến khích các chủ thể, các sản phẩm OCOP mở rộng nhà xưởng, đổi mới hệ thống sản xuất, như: huyện Triệu Sơn hỗ trợ 100 triệu đồng/sản phẩm OCOP cho các chủ thể mở rộng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị, máy móc; các huyện: Nga Sơn, Đông Sơn, Nông Cống hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng nhà lưới, nhà màng (mức hỗ trợ 35 - 70 triệu đồng/1000 m2); các huyện: Như Thanh, Như Xuân hỗ trợ các chủ thể OCOP đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng; huyện Bá Thước thưởng sản phẩm 3 sao 20 triệu, 4 sao 40 triệu, 5 sao 60 triệu, hỗ trợ 50 triệu/điểm bán sản phẩm OCOP; huyện Thọ Xuân hỗ trợ tem nhãn, bao bì, đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm được chứng nhận OCOP (mức hỗ trợ 100 triệu đồng/sản phẩm); Thành Phố Thanh Hóa hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm OCOP 3,4 sao, 500 triệu đồng cho sản phẩm OCOP 5 sao; Quảng Xương hỗ trợ 100 triệu/sản phẩm OCOP; huyện Hoằng Hóa hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 3,4 sao, 100 triệu đồng/sản phẩm 5 sao; Thị xã Bỉm Sơn hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 70 triệu đồng/sản phẩm; huyện Cẩm Thủy hỗ trợ sản phẩm OCOP 3 sao 100 triệu/sản phẩm, 4 sao 200 triệu/sản phẩm, 5 sao 300 triệu/sản phẩm; huyện Hậu Lộc hỗ trợ 50 triệu/sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên; huyện Yên Định hỗ trợ sản phẩm OCOP 3 sao 100 triệu/sản phẩm, 4 sao 200 triệu/sản phẩm, nâng hạng sao 100 triệu/sản phẩm; huyện Vĩnh Lộc hỗ trợ 15-20 triệu/sản phẩm OCOP... Kết quả cho thấy, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân 15 - 20%.

Đọc thêm