Thanh Hoá: UBND huyện Triệu Sơn "định hướng” cho doanh nghiệp trúng thầu

(PLVN) -Bằng việc thay đổi có chủ đích một số điều trong hồ sơ mời thầu cũng như tiêu chí chọn nhà thầu để “định hướng” cho một doanh nghiệp trúng thầu, UBND huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đang gây ra bức xúc rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vận dụng linh hoạt hay “xé rào” có mục đích?

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh về việc ban quản lý dự án (BQLDA) huyện Triệu Sơn cố tình làm trái Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 để cho doanh nghiệp Phương Hạnh trúng thầu.

Cụ thể, ngày 20/2/2020, UBND huyện Triệu Sơn có quyết định công nhận kết quả trúng thầu cho công ty TNHH Phương Hạnh (địa chỉ tại thôn Quang Thành, Xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) trúng gói thầu số 6 "Thi công xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án di chuyển và hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải phóng mặt bằng để thi công xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn đi qua địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ Km331+400 đến Km335+800)".

Gói thầu xây lắp này có giá trị hơn 52,95 tỷ đồng, do UBND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn được giao tổ chức công tác đấu thầu. Tuy nhiên một số điểm bất thường khi doanh nghiệp Phương Hạnh trúng thầu đã được phản ánh. Để trúng được gói thầu nói trên, Công ty TNHH Phương Hạnh cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí quan trọng là năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm thi công.

Về năng lực tài chính, theo Thông tư số 03, đơn vị dự thầu muốn trúng thầu Gói thầu số 6 thì phải có doanh thu trung bình trong thời gian từ 3 năm (2016, 2017, 2018) đến 5 năm (2014, 2015, 2016, 2017, 2018) gần nhất lớn hơn 79,4 tỷ đồng.

Vậy nhưng, tại hồ sơ mời thầu của Gói thầu số 6, chủ đầu tư UBND huyện Triệu Sơn chỉ yêu cầu doanh thu trung bình của 2 năm (2018, 2017) thấp hơn so với quy định hướng dẫn tại Thông tư số 03. Trên thực tế, nếu tính doanh thu trung bình của 3 năm gần nhất theo quy định thì Công ty TNHH Phương Hạnh chỉ đạt khoảng 77 tỷ đồng.

Do vậy, sẽ không đáp ứng được doanh thu mà bài thầu đưa ra là từ 79,4 tỷ đồng. Còn nếu tính doanh thu trung bình của 2 năm theo cách mà UBND huyện Triệu Sơn tự đưa ra, không đúng theo quy định tại Thông tư 03 thì Công ty TNHH Phương Hạnh lại vừa đủ.

Về tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm thi công của đơn vị dự thầu, theo hướng dẫn tại Thông tư số 03, doanh nghiệp tham gia dự thầu phải có hợp đồng thi công những công trình có tính chất tương tự và bằng 70% giá trị gói thầu đang xét. Các hợp đồng tương tự được tính trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm trở lại (tính đến thời điểm đóng thầu).

Ngày 3/2/2020, Gói thầu số 6 đóng và tiến hành mở thầu. Áp theo hướng dẫn của Thông tư số 03, thì chủ đầu tư chỉ xem xét các hợp đồng ký từ năm 2016 trở lại đây. Vậy nhưng, trong hồ sơ mời thầu Gói thầu số 6, Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu đơn vị dự thầu được nộp hợp đồng tương tự từ năm 2014 đến nay. Tức tính đến thời điểm đóng thầu tháng 2/2020 là 7 năm.

Trên thực tế, trong hồ sơ dự thầu tại Gói thầu số 6, Công ty TNHH Phương Hạnh đã nộp vào 3 hợp đồng tương tự. Trong đó, có 1 hợp đồng thi công xây lắp từ năm 2014. Đây cũng là hợp đồng tương tự có giá trị lớn nhất trong số 3 hợp đồng mà đơn vị này nộp vào (hơn 29,5 tỷ đồng).

Chính vì phía chủ đầu tư UBND huyện Triệu Sơn “xé rào” quy định hướng dẫn của Thông tư số 03, cho phép chấp thuận hợp đồng từ năm 2014 vượt khung thời gian theo quy định, cho nên phía Công ty TNHH Phương Hạnh mới đạt tiêu chí về giá trị hợp đồng tương tự lớn hơn hoặc bằng 70% gói thầu đang xét.

Công an vào cuộc 

Làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về những dấu hiệu bất thường trong hồ sơ mời thầu tại Gói thầu số 6, ông Phạm Văn Thường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn cho biết: Đây là gói thầu mà đấu thầu rộng rãi công khai, các tiêu chí về khung thời gian quy định tại Thông tư số 03 là thông thường từ 3 – 5 năm mà không bắt buộc.

Do vậy, việc nới rộng các tiêu chí nhằm tạo điều kiện cho nhiều đơn vị có thể tham gia dự thầu. Đối với hợp đồng tương tự thì doanh nghiệp Phương Hạnh đã tham gia 1 công trình năm 2014 và hoàn thành năm 2015 nên đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư trong thời hạn 5 năm là hoàn toàn đúng luật.

 Ông Phạm Văn Thường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn 

Sau khi UBND huyện Triệu Sơn công nhận doanh nghiệp Phương Hạnh trúng thầu gói thầu số 6, nhiều doanh nghiệp đã rất bức xúc trước cách làm không công bằng của chủ đầu tư. Một chủ doanh nghiệp dấu tên cho biết: doanh nghiệp chúng tôi dù rất tâm huyết với sự phát triển của địa phương nhưng nếu chủ đầu tư cứ điều chỉnh để có lợi cho doanh nghiệp thân cận như vậy thì chúng tôi cũng không có cơ hội để tham gia.

Trong một diễn biến khác, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Vũ Đức Kính chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn xác nhận. Hiện tại vụ việc trên phía công an tỉnh Thanh Hoá cũng đã vào cuộc tìm hiểu làm rõ.

Việc “điều chỉnh” tiêu chí trong hồ sơ mời thầu gói thầu số 6 của UBND huyện Triệu Sơn chưa được làm rõ, thì mới đây 2 phần trong gói thầu số 3: Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí nghiệm thu đóng điện và vật tư thu hồi) thuộc dự án: Di chuyển đường điện phục vụ GPMB dự án đường nối Tp Thanh Hoá với Cảng hàng không Thọ Xuân đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến đường tỉnh 514 (đoạn đi qua địa phận huyện Triệu Sơn ) và thi công xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí nghiệm thu đóng điện và vật tư thu hồi) thuộc dự án: Di chuyển đường điện phục vụ GPMB dự án đường nối Tp Thanh Hoá với Cảng hàng không Thọ Xuân đoạn từ đường tỉnh 514 đến đường vào Cảng hàng không Thọ Xuân (đoạn đi qua địa phận huyện Triệu Sơn), UBND huyện Triệu Sơn cũng mời thầu với nhiều điểm bất thường và bất nhất.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin nội dung trên, mời bạn đọc đón đọc bài 2: Vì sao huyện Triệu Sơn hành xử bất nhất trong tiêu chí mời thầu?

Đọc thêm