Hơn một năm trước, ngày 20/5/2016, huyện Yên Định đã long trọng tổ chức đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá. Việc một huyện còn nhiều khó khăn như Yên Định cán đích NTM khiến nhiều địa phương trong cả nước trầm trồ thán phục.
Thế nhưng, sau ánh hào quang mang tên NTM ấy, nhiều xã ở Yên Định rơi vào cảnh đầm đìa trong nợ. Những xã “đạt chuẩn” ở các địa phương khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Để có tiền trả nợ, chính quyền phải ồ ạt bán đất nhưng nhiều xã đất ế ẩm nên đến thời điểm này vẫn đang là “chúa chổm”.
Ngoài ra, việc xây dựng NTM tại Thanh Hóa và đặc biệt là ở Yên Định cũng bộc lộ rất nhiều bất cập như: xây dựng công sở quá xa hoa, tốn kém, vượt xa quy định của Nhà nước. Một số công trình không phù hợp, chỉ có cán bộ được thụ hưởng còn người dân chẳng được lợi lộc gì…
“Quảng trường” nơi miền sơn cước
Khoảng 5 năm trước, xã miền núi Yên Lâm, huyện Yên Định vẫn được biết đến là xã miền núi nghèo khó, đặc biệt là giao thông đi lại. Do trên địa bàn có nhiều mỏ đá nên tỉnh lộ 518 đi qua xã này bị ô tô tải cày nát. Mưa, đường sình lầy, nắng thì ngập ngụa trong bụi.
Bây giờ, dù đã về đích NTM nhưng còn đường dẫn đến trung tâm hành chính xã Yên Lâm vẫn vậy. Chưa đến 10km của tỉnh lộ 518 đi qua xã Yên Lâm nhưng phải “bò” mất ngót tiếng đồng hồ. Mỗi lần ô tô chạy qua, cả đoạn đường mịt mù bụi bẩn, cây cối và nhà dân 2 bên đường nhuộm một màu bạc trắng.
Khác hẳn với bức tranh thê thảm về “con đường đau khổ”, công sở xã Yên Lâm nguy nga, tráng lệ tọa lạc ngay bên tỉnh lộ. Dù đã nghe kể về công sở được mệnh danh là “to đẹp nhất Việt Nam” nhưng khi đặt chân đến đây chúng tôi không khỏi choáng ngợp.
|
Ấn tượng đầu tiên là cổng của trụ sở hành chính xã Yên Lâm được đầu tư xây dựng hoành tráng, kiểu cách. Ba chiếc trụ chính lớn đến mức phải mấy người ôm mới xuể. Cổng cao cả chục mét, phía trên cổng biển hiệu hiện đại được lắp đèn lead. Toàn bộ vỉa hè phía ngoài cổng đều được lát đá xanh. Hệ thống đóng mở cổng được điều khiển bằng điện.
Hai bên cổng là hàng rào bằng đá nguyên khối được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Theo các chuyên gia xây dựng, chỉ riêng cổng trụ sở xã Yên Lâm phải tốn nhiều tỷ đồng mới có được.
Phía sau cánh cổng là khu sân rộng cả nghìn m2, tất cả được lát đá xanh phẳng lỳ. Toàn bộ diện tích bao gồm Trụ sở hành chính và Trung tâm văn hóa xã Yên Lâm rộng đến 1,2 héc ta, giống như quảng trường. Lối dẫn vào trụ sở dài cả trăm mét cũng được lát bằng đá đắt tiền. Ở giữa là giải phân cách bằng hoa được cắt tỉa tỷ mẩn rất đẹp.
Trụ sở hành chính xã Yên Lâm nằm chính giữa, được xây 3 tầng, hai bên thêm hai dãy nhà cho các phòng ban khác. Hội trường và Trung tâm văn hóa nằm trong quần thể công trình cũng đều to đẹp. Nhiều cây cảnh đắt tiền cũng được quy tụ về đây khiến công sở Yên Lâm càng thêm phần sang trọng.
Một kiến trúc sư sau khi chiêm ngưỡng hệ thống công sở xã Yên Lâm đã đánh giá rất cao bố cục về kiến trúc cũng như tính thẩm mỹ của cụm công trình “sang chảnh” của địa phương này.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó bí thư xã Yên Lâm cho biết: “Tác giả của cụm công trình là ông Nguyễn Xuân Thái, bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Lâm. Ông Thái là người rất am hiểu về kiến trúc, quy hoạch. Nhờ công trình đẹp nên sau khi hoàn thành, ông Thái đã được đi báo cáo điển hình ở tỉnh”.
Cũng theo ông Phong, để có được trụ sở bề thế trên, UBND xã Yên Lâm đã chi đến con số hơn 27 tỷ đồng. Số tiền khiến tất cả phải choáng váng về độ “chịu chơi” của xã miền núi này.
|
Công sở xã Yên Lâm không chỉ đẹp bên ngoài mà bên trong phòng làm việc còn sang trọng gấp bội. Hôm chúng tôi đến, ông Nguyễn Xuân Thái bận đi họp. Tiếp chúng tôi là Phó bí thư xã Nguyễn Hồng Phong.
Dù chỉ là cấp phó nhưng phòng làm việc của ông Phong rộng không dưới 30m2, nội thất trong phòng hầu hết được làm từ gỗ quý. Cũng trong phòng làm việc này còn có thêm một phòng nghỉ ngơi cho ông Phó bí thư xã. Giường, đệm cao cấp, điều hòa, hệ thống vệ sinh khép kín, phòng nghỉ của ông Phong không kém gì phòng khách sạn hạng sang.
Cuộc đua xây trụ sở?
Xã miền núi như Yên Lâm dám bỏ hơn 27 tỷ đồng để xây Trụ hành chính và Trung tâm văn hóa nhưng so với xã đồng bằng Yên Trường, thì độ "chịu chơi” đó vẫn chưa là gì.
Yên Trường là một trong những xã khá phát triển của huyện Yên Định. Chính vì vậy, chỉ cần 3 năm triển khai xây dựng NTM, Yên Trường đã về đích (tháng 12/2014). Công sở của xã Yên Trường cũng rất nguy nga, hoành tráng. Riêng phòng của Chủ tịch UBND xã Đàm Thị Hoa còn được ốp gỗ sang trọng.
Đặc biệt, xã Yên Trường còn dành hẳn một khu đất hàng nghìn m2 để xây dựng Trung tâm văn hóa - Thể thao. Quần thể này bao gồm một sân bóng đá được trang bị cả hệ thống đèn chiếu sáng. Cạnh sân bóng là nhà Hội trường, nhà tập luyện và thi đấu thể thao.
|
Bà Hoa cho biết: Để xây dựng NTM, xã Yên Trường đã phải chi ra con số hơn 150 tỷ đồng. Riêng nhà thi đấu và Hội trường ngốn hơn 21 tỷ đồng. Cả 2 công trình này rất hoành tráng và không thua kém những công trình tương tự ở thành phố.
Tương tự xã Yên Trường, hệ thống công sở xã Định Liên nằm sát với thị thị trấn Quán Lào của huyện Yên Định cũng rất đồ sộ. Tòa ngang, dãy dọc được đầu tư vô cùng tốn kém. Ngoài ra không thể không kể đến phòng làm việc hàng chục m2 và rất sang trọng của vị Chủ tịch UBND xã Lê Văn Trung.
Ông Trung cho biết, xã Định Liên đã hoàn thành xây dựng NTM từ 2015 nhưng hiện tại xã đang xây thêm một nhà thi đấu thể thao. Dự kiến nhà thi đấu sẽ tiêu tốn khoảng 6 tỷ đồng. Xã thực hiện mô hình "đổi đất lấy hạ tầng" để có kinh phí xây nhà thi đấu.
Nói về những trụ sở UBND xã nguy nga trên địa bàn huyện Yên Định, ông Trương Xuân Quý - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện này thẳng thắn chia sẻ: “Tất cả các phòng phàm việc của các Phó Chủ tịch UBND huyện đều không thể sánh được với phòng làm việc của một số Chủ tịch UBND xã”…