Thành lập Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính & theo dõi pháp luật

(PLO) - Chiều qua (11/7), Bộ Tư pháp long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật. 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đại biểu tại buổi lễ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đại biểu tại buổi lễ
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã đến dự và chúc mừng lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Cục, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật.
“Công việc của những người tiên phong”
Theo Quyết định số 717/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền công bố, Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về  XLVPHC; theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước. 
Trên cơ sở này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý  XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng trao Quyết định điều động, bổ nhiệm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật cho ông Đặng Thanh Sơn và ông Lê Thanh Bình.
Trước đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự chia sẻ khối lượng công việc rất lớn mà trước mắt Cục phải đảm đương. Thời gian đầu triển khai công việc chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng là thời điểm thuận lợi để tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục nói riêng và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật trong cả nước nói chung có điều kiện để phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức và thực hiện công việc của những người tiên phong trong lĩnh vực công tác mới mẻ này. 
“Tiếp theo việc công bố Quyết định thành lập Cục sẽ là các công việc cụ thể được thực hiện bởi các cán bộ, công chức, viên chức với những kết quả cụ thể có tác động trực tiếp đến việc thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, tổ chức” – Bộ trưởng nhấn mạnh. 
Những nhiệm vụ quan trọng và nặng nề
Phát biểu chúc mừng tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và quản lý về công tác, xây dựng thi hành pháp luật là những nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tư pháp cùng với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã khẩn trương chuẩn bị, tạo điều kiện cho việc ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật theo Quyết định số 717. 
Việc thành lập Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật trước hết là để thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC mới được giao cho Bộ, ngành Tư pháp. Đây cũng đồng thời được xem là biện pháp có tính đột phá để nâng cao chất lượng công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp theo yêu cầu chuyển hướng chiến lược từ xây dựng và hoàn thiện thể chế sang bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao cho Bộ, ngành Tư pháp. 
Trước những thời cơ và thách thức của một đơn vị mới được thành lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương kiện toàn tổ chức cán bộ và tổ chức công việc Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật để có thể triển khai một cách đồng bộ, bài bản các nội dung của nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC cũng như triển khai hiệu quả, thiết thực công tác theo dõi chung thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước, phát hiện kịp thời và kiến nghị xử lý nghiêm việc chậm ban hành hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa nhằm đưa công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC đi vào nền nếp, tháo gỡ vướng mắc từ cấp huyện, cấp xã, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống cũng như khẩn trương kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
Theo Phó Thủ tướng, các cán bộ làm công tác này phải là những người có tinh thần trách nhiệm, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, nắm bắt nhạy bén và xử lý kiên quyết, triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật để có thể tham mưu, giúp Bộ, ngành, UBND các cấp trong tổ chức thực hiện pháp luật, đi liền với chống tiêu cực, tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính. 
Có như vậy, Bộ, ngành Tư pháp nói chung, Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật nói riêng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới được giao, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cam kết Bộ, ngành Tư pháp sẽ cố gắng hết sức, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ được giao, nhất là trong bối cảnh cải cách hành chính hiện nay. Bộ trưởng cũng cho biết, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo các Bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tạo điều kiện cho việc triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Đọc thêm