Vị Nữ tướng từ ngàn xưa dựng bờ cõi
Đó là những câu hát trong ca khúc “Về miền sóng, về miền gió” của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh, đó cũng là sự ghi nhận công lao của Nữ tướng Lê Chân - người liệt nữ với tên tuổi đã đi vào lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất “Hải tần phòng thủ” - thành phố Hải Phòng ngày nay.
Theo thần tích, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày tám tháng hai năm Canh Thìn (năm 20 sau Công nguyên) tại xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), con cụ Lê Đạo và bà Trần Thị Châu - một gia đình chuyên nghề chữa bệnh giúp người.
Đêm ấy, ông Lê Đạo nằm mơ thấy 2 vị thiên sứ, một vị mặc áo xanh tay cầm kim mâu, một vị mặc áo tía tay cầm bảo kiếm dẫn ông lên thiên cung. Ông bàng hoàng kinh sợ vội sụp lạy trước một vị đại quan ngồi trong điện, đầu đội mũ bách tinh, mình mặc áo bào vàng; bên trái, bên phải mỗi bên có một vị quan tay cầm giấy bút. Ông Đạo văng vẳng nghe thấy lời truyền bảo: “Nhà ngươi có phúc lớn, tiếng đến thiên đình. Nay nhân có một tiên nữ phạm lỗi, Ngọc Hoàng sai đày xuống trần 40 năm, cho đầu thai làm con nhà ngươi, sau sẽ làm rạng rỡ gia đình, con trai cũng không sánh kịp”. Bỗng chuông trống chói tai làm ông chợt tỉnh, biết là nằm mơ. Vợ chồng ra về, một buổi sáng sớm, bà đi ra ngoài ấp thấy một vết chân lớn, đưa chân ướm thử, thấy người xúc động rồi có thai. Sau 12 tháng, ngày mùng 8/2, sinh được một con gái má phấn môi son, mày ngài mắt phượng, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, ông bà đặt tên là Lê Chân.
Nàng Lê Chân mỗi tuổi một lớn và càng xinh đẹp lại rất nết na, chăm chỉ. Đến năm 18 tuổi thì sắc đẹp và đức hạnh của nàng đã nổi tiếng khắp vùng. Thời ấy, nước ta đang bị bọn xâm lược nhà Hán đô hộ. Dưới thời đất nước bị xâm lăng, sắc đẹp mê hồn của nàng Lê Chân lại là một nguyên cớ gây cho gia đình nàng biến cố không ngờ. Một lần viên Thái thú Tô Định đi kinh lý qua miền Đông Triều, có kẻ nịnh thần tâu với Thái thú rằng Lê Chân là một tiên nữ giáng thế. Tô Định dùng quyền thế của mình để ép nàng làm vợ. Nhưng nàng Lê Chân một mực từ chối. Vì chuyện cầu hôn không thành mà Tô Định đã hãm hại cả bố mẹ nàng.
Căm giận quân cướp nước, nàng Lê Chân quyết chí trả thù nhà, đền nợ nước. Nàng đã tìm được thầy dạy cho mình võ nghệ, binh thư. Khi võ nghệ đã tinh thông rồi, nàng bèn di cư đến đất An Dương để chiêu tập binh mã. Vùng đất An Dương lúc bấy giờ chỉ là một bãi đất phù sa mới bồi lên, lơ thơ mấy khóm cây dại, mấy túp lều tranh của phường chài lưới. Khi đến nơi, nàng bắt đầu khai khẩn đất đai, lập ấp mở làng, tích trữ lương thảo, sắm sửa vũ khí và thu nạp quân sĩ. Binh mã đã chuẩn bị sẵn sàng, nàng lên vùng xứ Đoài tìm gặp người đồng tâm mưu nghiệp lớn.
Lê Chân đã gặp được hai bà họ Trưng là con gái Lạc tướng ở huyện Mê Linh. Chồng bà Trưng Trắc là ông Thi Sách người huyện Châu Diên bị Tô Định giết, bà đang chiêu nạp binh mã, quyết chí phục thù. Trưng Trắc thấy nàng diện mạo khác thường, có chí khí bậc tài trai nên ngay hôm ấy phong là Thánh Chân Công chúa, ngày đêm bàn luận kế sách khởi nghĩa. Được Nhân dân đồng thanh tán hưởng, kẻ góp sức, người giúp của, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Chẳng bao lâu quân khởi nghĩa đã hạ được 65 thành. Bọn tàn quân Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải.
Hai Bà bèn xưng vương, đóng đô ở Mê Linh. Bà Lê Chân được ban thưởng rất hậu và phong làm tướng cho nữ tướng Lê Chân trở về trấn giữ vùng cửa biển Đông Bắc, nơi quê hương bà. Bà Lê Chân trở về quê làng An Biên ở Đông Triều rồi đem quân dân sang huyện An Dương lập ấp mở trại, đặt ra An Biên trang. Bà dùng nhân công khai khẩn đất hoang, nơi vùng dọc theo sông Tam Bạc biến thành đồng ruộng trồng lúa và bãi dâu xanh tốt. Tiếp nối công đức của cha, bà Lê Chân mở lòng từ thiện cứu giúp người nghèo, khuyến khích nghề nông. Trong vùng, dân cư ngày càng đông đúc, trù phú, bà tiếp tục luyện rèn lực lượng, đào hào, đắp lũy, trấn giữ vùng trọng yếu phía đông Tổ quốc...
Hải Phòng sẽ là trung tâm kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á…
Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang phục thù. Do tình thế bất lợi, căn cứ bị vỡ, Hai Bà Trưng tử trận, Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn, thuộc Hà Nam ngày nay nhằm khôi phục cơ đồ. Một lần nữa, Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng, Nữ tướng Lê Chân trầm mình xuống sông để bảo toàn danh tiết.
Sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân ngày nay) dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè bây giờ), thường rất linh ứng. Theo một huyền tích, vào đời nhà Trần, Vua Trần Anh Tông đi dẹp quân Chiêm vào cướp phá hải phận nước ta. Một hôm hành quân qua địa phận An Biên, vua mộng thấy một phụ nữ, xiêm áo chỉnh tề đến tâu Vua rằng: “Thiếp tôi vốn là tướng của Vua Trưng bị giặc Hán sát hại. Sau khi mất, Thượng đế thương tình cho làm phúc thần xứ này. Nay Hoàng đế ra quân dẹp giặc, thiếp tôi nguyện xin âm phù vận nước, giúp đỡ ba quân, đợi tin chiến thắng, thần thiếp cũng rửa được hận cũ”.
Ngày 1/3/2024, Chi bộ Khối Nội dung và Chi bộ Khối Hành chính thuộc Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về công tác Đảng tại Hải Phòng và tổ chức dâng hương, nghe giới thiệu về truyền thống lịch sử tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Bạch Đằng Giang, dâng hương tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Cũng dịp này, nhân kỷ niệm ngày 8/3, chị em phụ nữ Báo Pháp luật Việt Nam xin giới thiệu bài thơ của tác giả Hồng Bùi, một cán bộ nữ đã sáng tác ngay trong chuyến đi nhiều ý nghĩa này…
Nhà vua tỉnh giấc, đến khi tiến quân thuyền trôi như bay, đến thẳng đất Chiêm giao chiến, quân Chiêm thua to, chạy tan tác. Dẹp yên giặc giã, vua ban sắc cho Thánh Chân Công chúa, lại ban thêm tên hiệu đẹp là Nam Hải uy linh, sai đem rước sắc về xã An Biên, huyện An Dương làm lễ, cấp cho xã An Biên 100 quan tiền để sửa sang đền miếu thờ tự.
Tưởng nhớ công đức to lớn của người Nữ tướng, nhân dân đã tôn vinh bà là Thánh mẫu. Cứ đến mùa xuân, người dân đất Cảng lại tưng bừng mở hội với lòng thành tri ân sâu sắc. Lễ hội được khởi đầu với đoàn rước từ đền Nghè - nơi người dân đã lập đền thờ bà và đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia. Đây cũng là chốn linh thiêng mà đông đảo người dân Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lân cận thường về đây thắp hương, tưởng nhớ vào các dịp lễ trọng và ngày rằm, mồng một Âm lịch hằng tháng.
Hàng năm, cứ đến ngày sinh của Nữ tướng Lê Chân mồng 8 tháng 2, ngày hóa 25 tháng Chạp, ngày khánh hạ 15 tháng 8, nhân dân An Biên nô nức đến đền Nghè cùng dâng lễ tưởng niệm vị Nữ tướng. Năm nay, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân - Xuân Giáp Thìn 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 18/3 (tức ngày mùng 7 đến 9/2 năm Giáp Thìn) tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Nghè và Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình An Biên.
Tượng Nữ tướng Lê Chân đúc bằng đồng, cao 7,5m, đặt uy nghiêm trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, được dựng cuối năm 2000. Trước tượng Nữ tướng luôn có hoa tươi và những nén hương thơm của người dân, du khách thành kính dâng lên người có công lập ấp, khai sinh mảnh đất tươi đẹp đầy nắng, gió nơi cửa biển đang thay đổi từng ngày…
Có thể nói, từ vùng cửa biển 2000 năm trước, ngày nay, tăng trưởng GRDP của Hải Phòng năm 2023 đạt 10,34%, nằm trong tốp đầu của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội và duy trì chín năm liên tục ở mức hai con số. Theo quy hoạch thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi số, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Hải Phòng cũng là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển…
Về mục tiêu cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp GRDP của Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 tăng khoảng 13,5%/năm. Về cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7%, ngành dịch vụ chiếm 43,2%, ngành nông - lâm - nghiệp và thủy sản chiếm 1%.
Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) của Hải Phòng đạt khoảng 558 triệu đồng, tương đương khoảng 21.700 USD, thu ngân sách đạt khoảng 300.000 - 310.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 90.000 - 98.000 tỷ đồng). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 74 - 76%, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt và thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng, hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính cấp quận…
Một thoáng Bạch Đằng Giang
Tôi đến Bạch Đằng Giang một ngày lộng gió
Sóng dập dềnh bãi cọc gỗ ngàn năm
Ba lần đập tan chiến thuyền quân xâm lược
Vẫn cắm sâu hiên ngang trong sóng nước Hải Phòng
Tôi thành kính dâng nén hương trong mây gió bâng khuâng
Dưới chân tượng đài ba người con anh hùng dân tộc
Nghe nỗi tự hào dâng lên trong tâm hồn xúc động
Bạch Đằng đây ghi dấu những oai hùng
Nhìn non sông qua bao lớp sóng quật cường
Nơi đất thiêng sinh những người con tinh anh bất khuất
Nơi đất Cảng đi qua những mùa hoa phượng thắm
Nghe yêu thương thấm vào từng tấc đất cha ông
Hải Phòng ơi, trái tim nơi miền duyên hải Biển Đông
Xin tiếp bước những ngày chống quân thù rực lửa
Cho những người con tài hoa mang theo bao lời hứa
Mang khát vọng non sông thắp lửa khắp phương trời.
Hồng Bùi
HP 01/03/2024