Sẽ có bản đồ số Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang ​

(PLVN) - Theo Kế hoạch, Bản đồ số Khu Di tích Lịch sử Bạch Đằng Giang đang được xây dựng và tích hợp tri thức địa phương nhằm phục vụ hoạt động giáo dục Lịch sử trên địa bàn TP Hải Phòng.
Một góc khu di tích quốc gia Bạch Đặng Giang.
Một góc khu di tích quốc gia Bạch Đặng Giang.

Ngày 16/01/2021, Sở GD&ĐT TP Hải Phòng tổ chức Hội thảo chuyên đề môn Lịch sử với chủ đề: “Bạch Đằng Giang – Di tích Lịch sử quốc gia, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi”.

Hội thảo thu hút hàng trăm giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử cũng như lãnh đạo các trường học trên địa bàn TP Hải Phòng bởi lối dẫn dắt uyển chuyển của Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia và PGS. TS Lê Quốc Tiến, Ủy viên thành ủy, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Lê Quốc Tiến ấp ủ việc thu hút học sinh, giáo viên các tỉnh, TP trên cả nước về Bạch Đằng Giang học tập, tìm hiểu lịch sử.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Lê Quốc Tiến ấp ủ việc thu hút học sinh, giáo viên các tỉnh, TP trên cả nước về Bạch Đằng Giang học tập, tìm hiểu lịch sử.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng khẳng định, khu di tích lịch sử Quốc gia Bạch Đằng Giang là địa chỉ đỏ để khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới.

“Trong khi Hải Phòng từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới thì chúng tôi cho rằng nhiệm vụ của những nhà làm quản lý giáo dục hiện nay là phải tuyên truyền về giá trị khoa học, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của khu Di tích quốc gia Bạch Đằng Giang tới học sinh, giáo viên trong toàn ngành”, ông Tiến nhấn mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi về giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích.
 Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi về giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích.

Do đó, hội thảo chuyên đề môn Lịch sử với chủ đề: “Bạch Đằng Giang – Di tích Lịch sử quốc gia, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi” được tổ chức với mong muốn thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam; những giá trị nổi bật của các trận thắng trên sông Bạch Đằng đối với lịch sử Việt Nam và thế giới.

Học sinh từ các tỉnh, thành đến tìm hiểu lịch sử và tham quan khu di tích.
 Học sinh từ các tỉnh, thành đến tìm hiểu lịch sử và tham quan khu di tích.

Tại hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc và nhóm Inter Việt Nam đã trao đổi các vấn đề về giá trị lịch sử - văn hóa của khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang; công tác quảng bá, lan tỏa giá trị Khu Di tích Lịch sử Bạch Đằng Giang đối với nhân dân trong nước và trên thế giới. Đặc biệt Bản đồ số Khu Di tích Lịch sử Bạch Đằng Giang đang được xây dựng và tích hợp tri thức địa phương trong giáo dục Lịch sử trên địa bàn TP Hải Phòng.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của hàng trăm giáo viên, nhà quản lý giáo dục tại Hải Phòng.
 Hội thảo thu hút sự quan tâm của hàng trăm giáo viên, nhà quản lý giáo dục tại Hải Phòng.

Được biết, Sở GD&ĐT TP Hải Phòng đang lên kế hoạch thu hút học sinh, giáo viên các tỉnh, TP trên cả nước về học tập, tìm hiểu lịch sử, truyền thống yêu nước tại khu Di tích lịch sử Quốc gia Bạch Đằng Giang.

Ngày 04 tháng 11 năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định số 3229/QĐ – BVHTTDL, về việc xếp hạng Di tích Quốc gia: Di tích Lịch sử Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).

Khu di tích Bạch Đằng Giang được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hải Phòng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị đặc biệt của khu di tích, bảo đảm cho Khu di tích xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi như lời danh sĩ nổi tiếng thời nhà Trần Phạm Sư Mạnh đã khẳng định “Giang Sơn Vượng khí Bạch Đằng thâu”. 

Đọc thêm