Thanh Sơn (Phú Thọ): “Bảo kê” cho khai thác trái phép khoáng sản quý hiếm, tiền “chảy” vào túi ai?

(PLO) - Dù đã đã hết hạn khai thác, chế biến quặng Talc tại mỏ núi Lạn (thuộc địa bàn xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) từ năm 2015, thế nhưng từ đó đến nay, Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ vẫn ngang nhiên khai thác khoảng sản trái phép vì đây là một loại khoáng sản mang lại “siêu lợi nhuận”. 
Khu vực Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ khai thác trái phép quặng Talc tại núi Lạn, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Khu vực Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ khai thác trái phép quặng Talc tại núi Lạn, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Mặc cho chính quyền xã Khả Cửu cùng bà con nhân dân địa phương nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động khai thác trái phép này càng diễn ra rầm rộ, công khai hơn, khiến tài nguyên của đất nước bị “chảy máu”, tàn phá môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân. Phải chăng, có thế lực nào đó “bảo kê” cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ, vì “lợi ích” mà “ngồi trên” cả pháp luật?

Theo phản ánh đến Báo PLVN, từ nhiều năm nay, Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ (địa chỉ: Thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) ngang nhiên khai thác khoáng sản Talc trái phép tại núi Lạn (xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn) mặc dù hạn khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty này đã hết hạn từ năm 2015, nhưng đến nay Công ty này vẫn khai thác rầm rộ, công khai.

Mặc khiếu nại, doanh nghiệp cứ “múc” tài nguyên mang đi bán?

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của bà con nhân dân địa phương, chiều ngày 20/4/2018, phóng viên báo PLVN đã có mặt tại xóm Lạn, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn để tận mắt chứng kiến và ghi nhận hoạt động khai thác trái phép quặng Tacl rầm rộ, tấp nập của Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ. Mặc dù thấy người lạ xuất hiện, nhưng máy xúc, máy ủi trong “đại công trường” này vẫn ngang nhiên đào bới quặng, đất đá thải từ việc khai thác quặng Talc được công ty này đổ luôn ra gần khu vực khai thác. 

Các loại máy móc của Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ vẫn ngang nhiên đào bới để "móc" khoáng sản.
Các loại máy móc của Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ vẫn ngang nhiên đào bới để "móc" khoáng sản.

Có mặt tại hiện trường đang khai thác, ông Hà Quốc Huy - Trưởng thôn Lạn, xã Khả Cửu cho biết: “Công ty khoáng sản Thanh Sơn đã làm ở đây nhiều năm nay, từ năm 2008, họ đã bắt đầu khai thác, sau khi lấy khoáng sản Talc để mang đi bán, họ đổ đất, đá thải luôn ra khu vực núi gần đó khiến đất đá bị theo kênh sạt xuống đất ruộng của bà con làm cho lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho việc trồng trọt vụ sau. Nhiều lần nhân dân địa phương chúng tôi kiến nghị lên các cấp chính quyền, kể cả trong buổi họp Hội đồng nhân dân xã nhưng sự việc vẫn cứ thế diễn ra không có gì thay đổi”, ông Huy lắc đầu chán nản.

"Đại công trường" trái phép nhưng "vắng bóng" cơ quan chức năng?
"Đại công trường" trái phép nhưng "vắng bóng" cơ quan chức năng?

Ngay sau khi trực tiếp ghi nhận ý kiến của người dân xóm Lạn, chiều cùng ngày phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với UBND xã Khả Cửu. Tại buổi làm việc với phóng viên Báo PLVN, ông Hà Văn Cầu – Chủ tịch UBND xã Khả Cửu tỏ ra bất lực trước hoạt động khai thác trên và cho biết: “Chúng tôi biết công ty này (Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn – PV) đã hết hạn giấy phép khai thác từ lâu những vẫn cứ ngang nhiên khai thác vì loại khoáng sản này đắt đỏ, quý hiếm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp huyện, và lãnh đạo huyện cũng đã biết. Trước đó, theo như quy định thì việc khai thác, chế biến khoáng sản này thì phải có cả khu vực sơ chế quặng, khu vực đổ thải. Tuy nhiên, công ty này không làm theo mà chỉ cho máy đến múc và chở đi bán rồi đổ luôn thải ra khu vực khai thác gần đó. Thậm chí, năm 2015  ông Tám – Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Thanh Sơn cũng có biết và vào kiểm tra nhưng từ đó đến nay chúng tôi vẫn thấy công ty này làm bình thường”.

Ông Hà Văn Cầu - Chủ tịch xã Khả Cửu làm việc với phóng viên Báo PLVN.
Ông Hà Văn Cầu - Chủ tịch xã Khả Cửu làm việc với phóng viên Báo PLVN.

Theo như những tài liệu mà UBND xã Khả Cửu cung cấp cho thấy, ngày 14/4/2008, ông Đặng Đình Vượng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký quyết định số 995/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ về việc chấp thuận dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng Talc, mỏ Talc núi Lạn, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cho Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ với diện tích đất 6,02 ha, trong đó: Diện tích khu vực khai trường là 4,38 ha, diện tịch khu vực chế biến và các công trình khác là 1,64 ha (trong đó diện tích bãi thải là 0,85 ha).

Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 15/7/2008 của UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cho Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ.
Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 15/7/2008 của UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cho Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ.

Đến ngày 15/7/2008, ông Đặng Đình Vượng tiếp tục ký quyết định số 1973/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ về việc cấp giấy phép khai thác, chế biến quặng Talc tại mỏ Talc núi Lạn, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cho Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ với thời gian 3 năm với diện tích như trên và yêu cầu Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn phải đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền thiết bị chế biến chuyên sâu theo dự án đã được phê duyệt đạt từ 80% trở lên mới được khai thác khoáng sản. Sau khi khai thác xong Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ phải san gạt, hoàn trả mặt bằng cho địa phương để sử dụng vào mục đích sản xuất và nếu có nhu cầu khai thác thêm thì phải làm thủ tục cấp phép và thuê đất theo quy định.

Hết hạn khai thác trên, ngày 7/2/2012, ông Phạm Quang Thao – Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký quyết định số 261/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ về việc cấp gia hạn giấy phép khai thác quặng Talc tại mỏ Talc núi Lạn, xã Khả Cửu trên diện tích theo như quyết định số 1973/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ ngày  15/7/2008 trước đó, thời gian gia hạn trong quyết định này là 3 năm.

Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 7/2/2012 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc gia hạn giấy phép khai thác cho Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ với thời gian 3 năm. Tuy nhiên, năm 2015, sau khi hết hạn, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp phép gia hạn.
Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 7/2/2012 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc gia hạn giấy phép khai thác cho Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ với thời gian 3 năm. Tuy nhiên, năm 2015, sau khi hết hạn, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp phép gia hạn.

Tiếp đó, ngày 2/5/2013, ông Nguyễn Đình Cúc – Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký quyết định số 1067/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt đơn giá thuê đất cho Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn với số tiền thuê đất để khai thác quặng Talc là 18,06 triệu đồng/năm, đơn giá được ổn định từ ngày 7/2/2012 đến ngày 7/2/2015. Từ đó đến không có thêm giấy phép gia hạn hay giấy tờ nào khác?

Ai “bảo kê” cho hoạt động khai thác trái phép này khiến chính quyền “bất lực”?

Theo như ông Hà Ngọc Lư – Bí thư Đảng ủy xã Khả Cửu cho biết: “Kể từ năm 2015, sau khi hết hạn khai thác khoáng sản Talc trong giấy phép nhưng Công ty TNHH khoáng sản Thanh Sơn Phú Thọ vẫn ngang nhiên khai thác từ đó cho đến nay, phía xã chúng tôi ý kiến nhiều lần với huyện và tỉnh nhưng không thấy có phản hồi gì, công ty này vẫn cứ khai thác công khai, rầm rộ. Chúng tôi cũng không thấy phía công ty này gửi thông báo hay có giấy tờ gì đến xã mà chỉ thấy phía công ty hàng ngày cứ múc khoáng sản mang đi bán, họ khai thác xong cũng chỉ để đó, trông như “bãi chiến trường” mà không thèm san, gạt gì. Thậm chí, chúng tôi gửi giấy thông báo của huyện vào công ty để thực hiện kế hoạch giám sát, mặc dù phía công ty đã nhận nhưng sau đó lại cãi là không nhận và không phối hợp làm việc…”

Ông Hà Ngọc Lư - Bí thư Đảng ủy xã Khả Cửu (áo trắng) làm việc với phóng viên Báo PLVN.
Ông Hà Ngọc Lư - Bí thư Đảng ủy xã Khả Cửu (áo trắng) làm việc với phóng viên Báo PLVN.

Liên quan đến sự việc, phóng viên báo PLVN đã điện thoại thông báo, trao đổi với ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, ông Mạnh chỉ đáp gỏn gọn: “Chúng tôi sẽ yêu cầu dừng lại và mai sẽ cho anh em lên kiểm tra!”. 

Được biết, quặng Tacl là một loại khoáng sản có giá trị lớn về kinh tế, Talc là thành phần được sử dụng nhiều trong việc sản xuất các sản phẩm sử dụng trong cuộc sống như nhựa, gốm sứ, giấy, mỹ phẩm, thậm chí là thành phần không thể thiếu trong y dược…Loại Tacl trung bình giá thị trên thị trường khoảng 1,7 triệu đến 1,8 triệu/1 tấn, loại Tacl đẹp có giá từ 700 USD đến 800 USD, thậm chí cả nghìn USD/ tấn.

Như vậy, hoạt động khai thác trái phép, rầm rộ này không phải là “ngày một, ngày hai” mà đã diễn ra công khai từ nhiều năm nay nhưng không bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý. Phải chăng, vì lợi nhuận cao đã khiến cho các cơ quan chức năng “mờ mắt” mà “bảo kê” với doanh nghiệp tổ chức khai thác trái phép để “chia chác” lợi ích, “ngồi trên” pháp luật, bỏ mặc “tiếng kêu cứu” của người dân?

Việc khai thác quặng trái phép của Công ty khoáng sản Thanh Sơn đã khiến cho người dân xóm Lạn nói riêng và toàn thể nhân dân, chính quyền xã Khả Cửu nói chung vô cùng bức xúc. Khai thác trái phép đồng nghĩa với việc không thể kiểm soát về mọi mặt trong hoạt động này, doanh nghiệp trốn thuế, đường xá hư hỏng, tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”, người dân thì khốn khổ… 

Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Sơn vào cuộc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, tắc trách của từng cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc khai thác trái phép này theo đúng quy định của pháp luật, thu hồi lại tài nguyên, tài sản của đất nước bị thất thoát. 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh./. 

Đọc thêm