Thanh toán điện tử: Hướng tới lộ trình bắt buộc!

(PLO) - Rất nhiều lợi ích từ việc thanh toán điện tử (TTĐT) song thực tế chưa đến 1% dịch vụ công áp dụng TTĐT. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy TTĐT…
Thanh toán điện tử: Hướng tới lộ trình bắt buộc!

Chưa đến 1% dịch vụ công áp dụng thanh toán điện tử

Tại “Diễn đàn TTĐT Việt Nam” (Vietnam E-Payment Forum - VEPF) 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp cung cấp cho người dân, mới có chưa đầy 1.200 dịch vụ được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4 - tức là mới dừng ở cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan, cho phép người sử dụng tải mẫu văn bản, khai báo và gửi trực tuyến văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Đây là con số theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là rất đáng suy nghĩ và cũng là thị trường rất tiềm năng để phát triển TTĐT. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc ứng dụng TTĐT còn nhiều vướng mắc về quy định pháp luật, thói quen và hạn chế trong tiếp cận thị trường của các DN, nhà cung cấp giải pháp dịch vụ.

Phó Thủ tướng đồng tình với việc chọn một số lĩnh vực để đẩy mạnh ứng dụng TTĐT như giao thông, cải cách thuế… nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN, Chính phủ, đồng thời tăng cường tính tương tác của Chính phủ với DN, người dân.

Ngân hàng: Đã sẵn sàng!

Đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai Thoả thuận Liên Bộ Tài chính - Công Thương – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại VEPF 2015, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện hạ tầng TTĐT quốc gia; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bộ, ngành liên quan thông qua việc ký kết các thỏa thuận liên bộ để xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình thúc đẩy TTĐT trong bán lẻ và thương mại điện tử; triển khai hiệu quả dịch vụ thuế điện tử và đưa ra các giải pháp tích hợp TTĐT trong dịch vụ công trực tuyến; hướng tới mục tiêu mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn và bền vững. 

Đại diện Bộ GTVT cũng cho rằng trong bối cảnh công nghệ thông tin và viễn thông ngày càng phát triển, việc triển khai thu phí giao thông không dừng và thẻ thanh toán thông minh, cũng như việc nghiên cứu khả năng liên thông thanh toán trong giao thông với các dịch vụ thanh toán khác sẽ tạo thuận lợi cho người dân. 

Các ý kiến cũng ghi nhận sự tham gia của ngành ngân hàng trong những giai đoạn triển khai đầu tiên gợi mở chuẩn công nghệ cho giải pháp TTĐT lĩnh vực công có thể liên thông với các dịch vụ công cộng khác nhằm tránh lãng phí cho xã hội. 

Nhiều gợi ý về cũng được đưa ra nhằm thúc đẩy TTĐT như các giải pháp khuyến khích thử nghiệm các thành tựu ứng dụng Fintech có lợi trên thế giới tại Việt Nam; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ quan hệ hợp tác, cộng sinh hiệu quả giữa Fintech và ngân hàng, tiếp theo là chứng khoán và bảo hiểm nhằm thúc đẩy sự năng động của thị trường thanh toán Việt Nam.

Vừa khuyến khích, vừa bắt buộc

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy TTĐT, trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP của quốc gia. Bên cạnh đó, các bên cũng cần chung tay truyền thông thông tin để TTĐT thực sự trở nên quen thuộc, thân thiện và văn minh với mọi người dân; góp phần triển khai thành công các mục tiêu đặt ra tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế của Chính phủ (Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016).

Theo đề xuất giải pháp tại Diễn đàn, Chính phủ cần đưa ra quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng TTĐT trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị; ủng hộ, xây dựng khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của Fintech nhằm thúc đẩy sự phát triển năng động, bền vững và ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Cùng với đó, Liên Bộ Tài chính - Công Thương - NHNN tiếp tục triển khai thực hiện thoả thuận liên bộ tại VEPF năm 2015; hướng tới khẩn trương xây dựng, triển khai Đề án tính và thu phí qua tài khoản ngân hàng đối với các dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội, theo tinh thần Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, Bộ GTVT, UBND các địa phương cần phối hợp với NHNN nghiên cứu ứng dụng các phương thức TTĐT hiện đại phục vụ thanh toán phí giao thông và dịch vụ vận tải công cộng. Bộ Tài chính phối hợp cần với Bộ GTVT chỉ đạo các bên liên quan thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu thu phí theo hướng hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc. NHNN, Bộ GTVT phối hợp triển khai các giải pháp khuyến khích và tăng cường truyền thông để thúc đẩy TTĐT trong giao thông vận tải. 

Đọc thêm