Thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT như thế nào?

(PLVN) - Điều kiện để cơ sở điều trị HIV/AIDS được cung cấp thuốc ARV từ nguồn Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)? Bệnh nhân nào sẽ được nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT? Đó là những nội dung vừa được Bộ Y tế hướng dẫn tại Công văn số 140/BYT-AIDS về việc hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh toán thuốc ARV được mua sắm tập trung cấp quốc gia bằng nguồn Quỹ BHYT năm 2020.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lựa chọn cơ sở điều trị HIV/AIDS từ nguồn Quỹ BHYT

Theo đó, Bộ Y tế, các cơ sở điều trị HIV/AIDS được cung cấp thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT năm 2020 khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT có điều trị HIV/AIDS với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH); đã lập nhu cầu sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT để điều trị cho người nhiễm HIV năm 2020 và được phân bổ trong kết quả lựa chọn nhà thầu của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia.

Đối với trường hợp trong năm phát sinh cơ sở y tế chưa được lập nhu cầu sử dụng thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT và chưa được phân bổ trong kết quả lựa chọn nhà thầu của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, cơ sở y tế có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị cấp bổ sung hoặc điều chuyển thuốc về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) xem xét quyết định.

Về phía người bệnh, Bộ Y tế cho biết, trường hợp người bệnh được nhận thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT bao gồm: Người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên, đủ tiêu chuẩn điều trị thuốc ARV trong danh mục thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT năm 2020, có thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và được điều trị tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS cung cấp thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT năm 2020.

Thanh toán, quyết toán sử dụng thuốc ARV 

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố giám sát việc sử dụng thuốc ARV nguồn Quỹ BHYT, đề nghị các cơ sở y tế đề xuất mua thuốc phù hợp với nhu cầu sử dụng, chỉ định đúng đối tượng, đúng hướng dẫn điều trị. Đồng thời, huy động các nguồn tài chính hợp pháp để đảm bảo kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV cho người bệnh có thẻ BHYT. 

Bên cạnh đó, giao đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố là đơn vị đầu mối quản lý và thanh quyết toán chi phí phần cùng chi trả thuốc ARV cho cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố trong trường hợp không có Quỹ KCB cho người nghèo, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương (sau đây viết tắt là các Quỹ) hoặc các Quỹ này không hoạt động.

Đối với đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố thì căn cứ thông báo của cơ quan BHXH đối với kinh phí hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV phát sinh đến hết ngày 31/12/2019, thực hiện thanh toán cho cơ quan BHXH để thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước và các chương trình dự án theo quy định về quyết toán ngân sách hiện hành. 

Đối với tỉnh, thành phố sử dụng nguồn ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV thì lập dự toán kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV gửi Sở Y tế để trình cấp có thẩm quyền tại địa phương để được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp y tế hằng năm. Đồng thời, quản lý, thanh toán và quyết toán kinh phí phần cùng chi trả thuốc ARV phát sinh trong năm với cơ quan BHXH tỉnh, thành phố theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. 

Còn các tỉnh, thành phố được các chương trình, dự án quốc tế hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV, Bộ Y tế yêu cầu, hằng quý, cùng với thời gian tổng hợp báo cáo quyết toán chi phí KCB BHYT, cơ quan BHXH lập báo cáo tổng hợp quyết toán chi phí thuốc ARV (Mẫu số 03/ARV) gửi Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, thông báo cho đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố. 

Sau khi nhận được Mẫu số 03/ARV, đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổng hợp kinh phí cùng chi trả thuốc ARV do cơ quan BHXH thông báo gửi các dự án để được thanh toán, đồng thời, gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS để theo dõi. Ngay sau khi nhận được thông báo của đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố, các dự án có trách nhiệm chuyển tiền thanh toán chi phí cùng chi trả thuốc ARV về BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chịu trách nhiệm kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ quản lý KCB, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Định kỳ hằng tháng, cơ sở y tế cập nhật trên phần mềm in các báo cáo theo mẫu quy định; bộ phận CNTT đối chiếu với Phòng Tài chính kế toán, gửi biểu mẫu quy định lên Cổng tiếp nhận của Hệ thống Thông tin giám định BHYT, Phòng Tài chính kế toán gửi báo cáo bằng văn bản về cơ quan BHXH và Sở Y tế.

Đối với việc sử dụng và thanh toán thuốc ARV được các cơ sở y tế tiếp nhận trước 31/12/2019 thì các cơ sở y tế báo cáo số lượng thuốc tồn kho tại thời điểm 31/12/2019 và thời gian (dự kiến) sử dụng hết số lượng thuốc tồn kho về Đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS để tổng hợp, báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia để điều chỉnh kế hoạch thuốc ARV của năm 2020. Các cơ sở y tế tiếp tục kê đơn cho người bệnh có thẻ BHYT sử dụng và thực hiện thanh toán hết đối với thuốc tồn kho còn đủ điều kiện sử dụng.

Chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân HIV/AIDS

Từ ngày 8/3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc chính thức sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn Quỹ BHYT. Với việc ban hành chính sách này, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS.

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được BHYT chi trả 100% chi phí KCB. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong thực hiện nhiều dịch vụ y tế như KCB, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Với mục tiêu năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, chính vì vậy, BHYT chi trả cho người nhiễm HIV không chỉ được xem là chỗ dựa cho người nhiễm HIV mà còn là giải pháp bền vững để Việt Nam chấm dứt đại dịch này.

Đọc thêm