Trong giai đoạn 2016 – 2019, có 223 dự án trên địa bàn tỉnh Kon Tum được cấp phép đầu tư. Tính dồn đến 31/12/2019 có tổng số 334 dự án còn hiệu lực hoạt động. Thanh tra công tác quản lý, giám sát đầu tư giai đoạn 2016 – 2019 cho thấy, quá trình quản lý đầu tư các dự án ngoài ngân sách còn có hàng loạt vi phạm, thiếu sót, tồn tại.
Công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư của Kon Tum chưa thường xuyên. Thiếu kiên quyết xử lý các dự án không triển khai, nhất là các dự án thủy điện. Nhiều dự án có thời điểm không quản lý, theo dõi tiến độ đầu tư, thể hiện buông lỏng quản lý đầu tư.
Có 54 dự án Sở KH&ĐT không theo dõi, quản lý tiến độ đến trước thời điểm được điều chỉnh, giãn tiến độ, trong đó thời gian không theo dõi, quản lý tiến độ nhiều nhất là 5 năm; dẫn đến không tham mưu chấm dứt hoạt động theo quy định, nhất là các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa.
Trong 27 dự án Sở KH&ĐT tham mưu chấm dứt hoạt động, có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 2013 trở về trước nhưng không đầu tư, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm. Và khi hết thời hạn đầu tư nhưng Sở KH&ĐT thiếu kiên quyết, không kịp thời đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án.
Thậm chí, có nhiều dự án thuộc diện phải ký quỹ, nhiều dự án chậm tiến độ thuộc trường hợp phải thu hồi tiền ký quỹ, nhưng cơ quan chức năng không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Điều này dẫn đến chủ đầu tư không thực hiện, vi phạm Luật Đầu tư mà không có biện pháp xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước (NSNN) số tiền hơn 150,3 tỷ đồng.
Một số dự án thủy điện tại Kon Tum đã vi phạm quy định về tiền ký quỹ. |
Cũng theo KLTT, việc xử lý với vi phạm của các dự án chậm tiến độ, dự án đầu tư không hiệu quả, dự án không triển khai còn thiếu kiên quyết, buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư, không đề xuất chấm dứt hoạt động là vi phạm Luật Đầu tư 2014. Đã có 54 dự án Sở KH&ĐT không theo dõi, quản lý tiến độ đến trước thời điểm được điều chỉnh, giãn tiến độ trong đó thời gian không theo dõi, quản lý tiến độ nhiều nhất là trên 60 tháng.
Qua thanh tra, đối chiếu quy định pháp luật, lẽ ra Kon Tum cần phải chấm dứt hoạt động với 44 dự án theo điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2014; nhưng Sở KH&ĐT, BQLKKT không tham mưu, thực hiện theo thẩm quyển mà buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư.
Trong tổng số 44 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đầu tư 2014, có 27 dự án thuộc trách nhiệm tham mưu của Sở KH&ĐT. Trong đó 8 dự án đã chấm dứt hoạt động trước thời điểm ban hành KLTT; 8 dự án đã hoàn thành, UBND tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác về mức độ hoàn thành công trình và chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã buông lỏng quản lý tiến độ, để dự án thi công khi đã hết thời hạn đầu tư; 4 dự án cơ quan thanh tra đề nghị chấm dứt hoạt động, nhưng UBND tỉnh đã cho phép điều chỉnh tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư 2020 gồm: Dự án thủy điện Nước Long 1&2; dự án Đăk Psi 2; dự án nuôi và chế biến các sản phẩm từ giun quế tại thôn Kon Năng, xã Măng Cảnh, huyện Kon Plông; Nhà máy chế biến mủ cao su tại tiểu khu 758, xã la Tơi (huyện Ia Hdrai).
Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND Kon Tum thực một số vấn đề; trong đó với 24 dự án còn lại vi phạm Luật Đầu tư năm 2014, Kon Tum cần chấm dứt hoạt động theo thẩm quyền.
Liên quan đến các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa, từ 2007, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện ký quỹ tương ứng 3.000 USD/MW. Nhưng khi chủ đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện, Sở Công Thương Kon Tum đã tham mưu hoàn trả tiền ký quỹ với 15 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư; là không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh; làm thất thu NSNN hơn 2,3 tỷ đồng; và TTCP đánh giá cần phải kiểm điểm xử lý kỷ luật nghiêm túc.
Với 13 dự án chậm tiến độ, thi công dở dang, kéo dài nhiều năm, bị thu hồi chủ trương, loại khỏi quy hoạch chưa hoàn trả tiền ký quỹ với số tiền hơn 4 tỷ đồng... Sở Công Thương đã không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ; là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, cần phải được kiểm tra, rà soát thu hồi tiền ký quỹ về ngân sách, thực hiện ký quỹ Nhà nước.