Mục sở thị, phóng viên Báo PLVN đã có mặt tại hiện trường khu vực khu công nghiệp Ngọc Hồi – Thanh Trì. Tại đây, theo ghi nhận và quan sát thì khối lượng đất trồng lúa bị đào đắp lên tới gần 7ha. Quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy có cả đất sét trắng, loại đất này là nguyên liệu chính cho việc sản xuất các đồ sứ.
Ông Nguyễn Văn H (người dân sống ngay khu công nghiệp Ngọc Hồi) cho biết: “Diện tích đất này trước đây dùng để trồng lúa của các hộ dân tại xứ đồng Ông Đô, thôn Nhị Châu. Vài năm gần đây nghe nói chính quyền đã quy hoạch cho chuyển đổi thành khu nuôi trồng thủy sản. Chẳng biết đã được cấp trên cho phép hay chưa, nhưng hiện nay chúng tôi thấy liên tục khai thác đất để san lấp ao, hồ”.
Theo phản ánh của người dân, khu vực công trường đang diễn ra chủ đầu tư là ông Nguyễn Văn Thao (trú tại thôn ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Việc khai thác trên đất lúa diễn ra khá lâu, nhưng chỉ thấy chính quyền xử phạt qua loa rồi cho tồn tại.
Để tìm hiểu rõ thông tin hơn, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Ảnh – Chủ tịch UBND xã Liên Ninh. Liên quan về nội dung này, ông Ảnh cho biết: “Trên thực tế việc san lấp đất thuộc khu quy hoạch khu công nghiệp Ngọc Hồi đã có quyết định về vấn đề này, nhưng sau đó lại có quyết định không xây dựng nữa”.
Được biết, ngày 29/5/2017 UBND xã Liên Ninh đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 75/QĐ-CTUBND yêu cầu trong vòng 10 ngày ông Nguyễn Văn Thao phải trả lại mặt bằng như ban đầu. Vậy lý do nào mà tình trạng này tiếp tục diễn ra, phải chăng các văn bản của UBND xã Liên Ninh ban hành chỉ để cho có thủ tục? Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Ảnh ngập ngừng và cam kết: “Tới đây, chúng tôi sẽ cho cưỡng chế, anh em đang ra quyết định rồi”.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại khu vực công trường của chủ đầu tư ông Nguyễn Văn Thao, mặt đất bị đào khoét nham nhở. Số lượng đất bị đào bới lên tới hàng triệu mét khối. Sau khi lượng đất bị đào bới lên thì đã để lại những hố sâu từ 2 – 3m.
Đại công trường có diện tích lên tới 7ha, sự tấp nập của “công trường” đào đất trồng lúa này hoạt động bất kể ngày đêm, tại đây luôn túc trực các máy múc có công suất lớn, số lượng xe tải hạng nặng dùng để vận chuyển đất lên tới hàng chục chiếc.
Dư luận cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đem lại lợi ích kinh tế cao hơn là cần thiết, tuy nhiên phải được quy hoạch bài bản và hài hòa lợi ích, trong đó có vấn đề an ninh lương thực, tránh tình trạng chuyển đổi “bột phát, tùy tiện”. Nên chăng, UBND huyện Thanh Trì cần tăng cường công tác quản lý sử dụng đất tại xã Liên Ninh đúng mục đích, đúng quy hoạch.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.