Không thuận lòng dân
Trong đơn gửi Báo PLVN, nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu hồ Rẻ Quạt cho biết: Việc lập dự án ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, trong khi 91 hộ dân nằm trong quy hoạch của dự án vì lý do nào đó đã không được các cấp chính quyền mời họp lấy ý kiến. Chỉ khi dự án được lãnh đạo quận Thanh Xuân công bố thì người dân bị ảnh hưởng bởi dự án mới hay biết gia đình mình sẽ bị lấy mất nhà, mất đất!?
Bà Nguyễn Thị Hường, đại diện hàng loạt hộ dân viết đơn kiến nghị lên các cấp của TP Hà Nội mới đây cho hay: Gần đây các hộ dân mất đất, mất nhà ở dự án mới được UBND phường Hạ Đình mời lên phường nói là họp đối thoại.
Theo bà Hường, tại cuộc họp lần 1, tổ chức vào ngày 24/5/2018, người dân hỏi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (BQLDA quận Thanh Xuân) vì sao các hộ dân trực tiếp bị mất đất không được lấy ý kiến thì đại diện cơ quan này trả lời là trước khi làm dự án đã họp toàn dân và được 84% người dân đồng ý. “Chúng tôi hỏi là 84% người dân đồng ý này là ai, tên gì thì phía chủ đầu tư và BQLDA quận không ai trả lời”.
Tại cuộc họp lần 2, tổ chức vào ngày 1/6/2018, thắc mắc này tiếp tục được người dân đặt ra thì lãnh đạo BQLDA quận Thanh Xuân lại nói đã lấy ý kiến người dân và đã được 74% người dân được hỏi đồng thuận việc triển khai dự án. Chất vấn lại sự sai lệch số liệu, lãnh đạo BQLDA này lại xin đính chính là đã được 82,76% người dân đồng ý (?!).
“Với tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, chúng tôi đề nghị UBND TP Hà Nội vào cuộc chỉ đạo để việc lấy kiến nhân dân phải được UBND quận Thanh Xuân thực hiện lại một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tránh chiếu lệ, hình thức”, bà Hường nói.
Quy hoạch bất hợp lý
Theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hồ Rẻ Quạt được UBND quận Thanh Xuân phê duyệt ngày 28/10/2016, hồ Rẻ Quạt chỉ rộng chừng hơn 9000m2. Thế nhưng, đường nối từ hồ Rẻ Quạt ra đường Nguyễn Xiển chỉ dài vài chục mét nhưng được thiết kế rộng tới 17,5m. Và có khoảng hơn 20 hộ dân đang sinh sống ổn định ở đây sẽ bị thu hồi đất.
Đáng chú ý, trong tổng mức đầu tư dự án 129 tỷ đồng (được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước), việc chi trả cho công tác GPMB và đầu tư xây dựng tuyến đường này đã chiếm hơn 50% nguồn vốn.
Người dân so sánh: Hồ lớn nhất Hà Nội là Hồ Tây, nhưng đường quanh hồ mặt cắt ngang cũng chỉ rộng 5,5m. Đường vào hồ Rẻ Quạt có mấy nghìn m2 mà thiết kế con đường rộng tới 17,5 m là quá bất hợp lý.
Ngoài ra, hiện trạng từ hồ Rẻ Quạt đi ra Nguyễn Xiển đang tồn tại một con đường bê tông rộng khoảng 8m. Chỉ cần mở rộng đoạn đường này ra 2 bên một vài mét và hạ ngầm một cái giếng nước là sẽ có một tuyến đường đẹp đẽ, phù hợp với cảnh quan, tránh phải thu hồi đất, đảo lộn cuộc sống của hơn 20 hộ dân, lại vừa tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho ngân sách. “Đó là phương án rất hợp lòng dân, nhưng không hiểu vì sao họ lại không làm, mà lại vẽ thêm đường thu hồi đất của dân bằng được”, bà Đặng Thúy Nga, một hộ dân có đất bị thu hồi bức xúc.
Trong một số lần tiếp xúc với người dân bị thu hồi đất, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân giải thích rằng: Việc xây dựng đoạn tuyến đường rộng 17,5m là do quy hoạch hồ Rẻ Quạt đã được thành phố phê duyệt từ năm 1999 và đến hiện nay quy hoạch vẫn thể hiện tuyến đường này. Tuy nhiên, việc giải thích như vậy là chưa thuyết phục bởi tuyến đường rộng 17,5m từng được thành phố phê duyệt là để phục vụ dự án bán đấu giá, san lấp mặt bằng hồ Rẻ Quạt. Nhưng dự án này sau khi xem xét lại thấy bất hợp lý nên UBND TP Hà Nội cũng đã quyết định hủy bỏ.
Lấy quy hoạch một dự án đã bị hủy bỏ để áp dụng vào một dự án mới vừa tiêu tốn ngân sách vừa không nhận được đồng thuận từ người dân có phải là lựa chọn đúng đắn? Thiết nghĩ, UBND quận Thanh Xuân cần thận trọng xem xét lại những bất hợp lý này.