Toàn cảnh phiên xét xử sơ thẩm đại án buôn lậu xăng dầu ngày 25/10. |
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ lúc 6h30, các lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông đã có mặt để đảm bảo an ninh tại phiên xét xử. Đến 6h55, những chiếc xe chuyên dụng chở một số bị cáo đến hội trường, nơi diễn ra phiên xét xử.
7h sáng cùng ngày, thêm các thành phần đến phiên tòa như: Hội đồng xét xử, bị cáo, luật sư, đại diện Viện Kiểm sát, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhân chứng lần lượt có mặt.
Các bị cáo được áp giải tới phiên xét xử. |
Ngay từ cổng chính, những người tham dự phiên tòa sẽ được lực lượng Công an kiểm tra kĩ càng. Sau đó tại Hội trường nơi diễn ra phiên tòa, những người tham gia đều phải xuất trình giấy tờ liên quan, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra tư trang, túi xách, điện thoại trước khi bước qua cửa từ. Để chắc chắn, có thêm bộ phận sử dụng máy dò bằng tay quét một lượt toàn thân.
Ngay lúc này, nhiều chiến sĩ CSCĐ bồng súng túc trực ngay trước địa điểm diễn ra phiên tòa.
Sau một lúc xác nhận lại lý lịch những người tham gia, đến hơn 8h, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Ngọc Viễn và 73 bị cáo khác về tội “Buôn lậu” theo khoản 1, Điều 188 và tội “Nhận hối lộ” theo khoản 3, Điều 354 của BLHS chính thức bắt đầu.
Toàn cảnh phiên xét xử. |
Người tham gia phiên xét xử đông đảo với 74 bị cáo, 53 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 81 luật sư và 43 người làm chứng tham gia.
Đây là vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cán bộ của các cơ quan như Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển nên thuộc diện được Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo sớm đưa ra xét xử.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) và 70 người khác.
Theo cáo trạng, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu có 4 tàu gồm Nhật Minh 06, 07, 08, 09, vận chuyển lậu xăng từ Singapore về Việt Nam. Hữu, Viễn cùng 3 người khác góp 53,4 tỉ đồng để mua xăng, lợi nhuận thu được thì chia cho Hữu 40%, Viễn và những người còn lại 60%. Khi hàng về tới vùng biển Việt Nam, Hữu chỉ đạo nhân viên đưa tàu Nhật Minh 07, 08, 09 ra nhận xăng chở về khu vực sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long để giao hàng đưa đi tiêu thụ.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu cùng các bị can đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 204 triệu lít xăng lậu, trị giá khoảng 2.800 tỉ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng lợi hơn 105 tỉ đồng.
Trong quá trình tiếp nhận xăng nhập lậu, nhận được thông tin có lực lượng của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang triển khai lực lượng để bắt giữ các tàu Nhật Minh, nên Hữu yêu cầu Tứ tìm mọi cách gặp Ngô Văn Thụy khi đó là Đội trưởng Đội 3 (Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan).
Chiều tối 27/1/2021, Tứ và Trần Ngọc Thanh (chung sống như vợ chồng với Tứ) đến nhà của Thụy. Khi đến, Tứ mang theo phong bì có 10.000 USD, 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng. Tứ tiếp tục đặt vấn đề với Thụy nhờ giúp đỡ, nhưng Thụy vẫn chỉ trả lời “anh không hứa”. Tứ để phong bì trên vào hộc bàn tại phòng khách. Khi ra về Tứ có báo cho Thụy biết quà Tứ để trong hộc bàn, mật khẩu của thẻ ATM là 4 số cuối điện thoại của Tứ. Tứ gọi điện cho Hữu thông báo đã đưa cho Thụy 10.000 USD, 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng nhưng có vẻ như Thụy vẫn chưa đồng ý.
Khoảng 16h ngày 29/1/2021, Hữu đi xe máy đến nhà Thụy, lấy túi nylon bên trong đựng 500 triệu đồng mang vào phòng khách đặt trên ghế salon. Sau khi nhận tiền của Hữu, Thụy đã ra lệnh cho cán bộ Đội 3 quay lại TP.HCM mà không tiếp tục kế hoạch bắt giữ tàu Nhật Minh như dự kiến.
Khi về lại TP.HCM, Thụy không báo cáo kết quả thực hiện cũng như đề xuất tiếp theo về vụ việc tàu Nhật Minh vận chuyển xăng nhập lậu. Ngoài Thụy, Hữu và Tứ còn đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng.
Liên quan đến vụ án này, ngày 15/7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) 15 năm tù; Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) 12 năm về tội Nhận hối lộ.
Cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh, 49 tuổi, bị phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. 11 bị cáo khác bị phạt từ 6 tháng 21 ngày đến 16 năm với ba nhóm tội danh “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ” và “Không tố giác tội phạm”.