Thật thà như… 'uyển ngữ'

(PLO) - Tiền nhân đã đúc kết như vậy về tính cách con người và phép đối nhân xử thế: “Khôn ngoan chẳng lọ thực thà” hoặc “Thấy sao, nói vậy”. Hiện tại, xã hội chúng ta cũng cổ vũ cho một sự ứng xử: “Nói thẳng, nói thật”.
Cảnh sát trật tự túm tóc kéo người phụ nữ tại Hồ Con Rùa (TP Hồ Chí Minh)

Vậy mà, hàng ngày cứ diễn ra những sự việc, lời nói không đúng với sự thật như nó đã có, như nó đã xảy ra. Sau những mô tả người đi xe máy bị dùi cui đập trúng mặt, ngã lăn ra là do “quơ gậy”, cầu sập nhưng không phải sập mà nó chỉ tạo hình “chữ V”, đường bị nắn cong thành “đường cong mềm mại”…

Vụ một cảnh sát trật tự túm tóc kéo người phụ nữ tại Hồ Con Rùa (TP Hồ Chí Minh) gây ra sự phản cảm và phản đối của nhiều luồng dư luận khác nhau. Tuy nhiên, Giám đốc Công an thành phố không hề có một lời biện minh mà có một động thái dứt khoát: đình chỉ công tác anh Cảnh sát kia và chỉ đạo làm rõ mọi việc. Lập tức, những lời ì xèo, cãi vã trên mạng xã hội giảm đi đáng kể. Quả là một cách ứng xử khôn ngoan!

Mới đây, tại huyện Lắk (Đắk Lắk) xảy ra vụ Cảnh sát giao thông và người vi phạm giao thông cự cãi với nhau, có nhiều người chứng kiến và ghi lại hình ảnh đó. Cảnh sát giao thông thu tiền nhưng không xé biên lai phạt, người dân phản ứng thì bảo là thu tiền để cho mang xe đi, rồi còng tay người ta lại.

Vụ này cũng đang được làm rõ song ngay cách giải thích của người có trách nhiệm cũng làm dư luận nghi ngờ về sự công minh của quá trình xử lý tiếp theo.

Người có trách nhiệm đã tìm một chi tiết nhẹ nhất để lấy lý do kiểm điểm thái độ tác phong của Cảnh sát giao thông là gọi người dân là “tụi bây” mà ngơ đi những tình tiết quan trọng như thu tiền mà không giao biên lai, biên bản hoặc còng tay người dân, rõ ràng là hành vi lạm quyền, vi phạm pháp luật!

Những lời biện minh làm sự việc khác đi, gọi là dùng “xảo ngữ”, đánh tráo khái niệm. Còn trong các báo cáo, nhận định thì sự giảm bớt sự thật, làm nhẹ đi tình hình nghiêm trọng là các dùng “uyển ngữ”, hiện tượng này gặp không ít trong cuộc sống chúng ta, ví dụ rõ ràng là một “thảm họa môi trường” nhưng chỉ gọi là “sự cố môi trường”.

Như vậy, đâu phải là thể hiện tinh thần “nói thẳng, nói thật” và hệ lụy của nó ai cũng biết rằng từ đó niềm tin bị mất dần đi, người ta không thể tin vào những lời nói dối cũng như các “uyển ngữ”, “xảo ngữ” làm sai lạc sự thật!

Đọc thêm