Thấy gì từ thực trạng thú nuôi trong nhà hiện nay?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nuôi vật nuôi trong nhà để làm thú cảnh đang là “mốt” hiện hành. Tuy nhiên, đằng sau thú vui này còn rất nhiều vấn đề về ý thức tuân thủ pháp luật cần bàn đến.
Theo quy định của pháp luật, chó phải được rọ mõm khi được đưa đến nơi công cộng, nhưng trên thực tế không nhiều người dân tuân thủ. (Nguồn Internet)
Theo quy định của pháp luật, chó phải được rọ mõm khi được đưa đến nơi công cộng, nhưng trên thực tế không nhiều người dân tuân thủ. (Nguồn Internet)

Thú cưng của người này là mối phiền toái của người khác

Hiện nay, ngày càng nhiều người dân lựa chọn nuôi vật nuôi trong nhà như một thú vui. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thú cảnh, đi cùng sự ra đời của nhiều cửa hàng, trung tâm chăm sóc và các dịch vụ đi kèm, người dân có nhiều lựa chọn hơn khi muốn nuôi và chăm sóc vật nuôi, từ các loài động vật phổ biến cho đến những loài hiếm và đặc biệt. Thú nuôi giờ đây không chỉ thỏa mãn nhu cầu “giữ nhà” cho gia chủ mà còn đáp ứng mong muốn về mặt tình cảm, thậm chí vật nuôi còn trở thành thứ để người nuôi khẳng định “đẳng cấp” của bản thân.

Có thể nhận thấy, nhiều người nuôi thú cưng hiện nay đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe thú nuôi, quan tâm hơn đến pháp luật và đạo đức nuôi thú, biết tuân thủ các quy định về bảo vệ động vật, tránh việc buôn bán và sử dụng các loài bị đe dọa và tuân thủ các quy định về an toàn và trách nhiệm của người nuôi.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người nuôi thú vẫn khiến cộng đồng phải bức xúc vì những hành vi vô ý thức, thiếu tuân thủ pháp luật. Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 về phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại quy định: Chủ nuôi chó phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình; phải thực hiện việc tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi của mình theo hướng dẫn của UBND các cấp.

Theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP), chủ nuôi động vật (chó) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Nếu để chó phóng uế ở nơi công cộng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Quy định đã rõ là thế, nhưng có thể nhận thấy, từ nông thôn đến các đô thị vừa và nhỏ, các thành phố lớn, nhan nhản tình trạng người dân không tuân thủ quy định khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng, không rọ mõm, xích... Đã có không ít vụ xung đột hoặc tấn công từ vật nuôi không rọ mõm, không xích đối với người hoặc các động vật khác. Có không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra khi vật nuôi thả rông tấn công người lớn và trẻ em, gây ra những thương tích nặng nề, thậm chí những vụ tử vong đầy thương tâm. Còn nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại thương tật suốt đời hoặc tước đi sinh mạng của người tham gia giao thông mà khởi điểm từ việc va chạm với vật nuôi thả rông trên đường.

Thời gian qua, cũng không ít người dân từ các khu dân cư phản ánh việc khu dân cư bị ảnh hưởng về vệ sinh, thiếu đi sự an toàn khi người nuôi thú thả rông thú nuôi ngoài đường thiếu kiểm soát. Việc người nuôi thú không tuân thủ quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến cộng đồng cũng đã được dân cư phản ánh trong các cuộc họp thôn, khu phố tại nhiều địa phương, nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết rốt ráo.

Việc không tuân thủ các quy định về nuôi thú nuôi làm cảnh trong khu dân cư không những gây ra tình trạng mất trật tự công cộng, gây nguy hiểm cho người và vật nuôi khác mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả khác như nguy cơ lây nhiễm bệnh, bởi một số bệnh truyền nhiễm có thể lây từ động vật sang con người qua tiếp xúc với nước bọt, phân và các chất cặn bẩn khác từ vật nuôi. Cạnh đó, nếu không được kiểm soát, vật nuôi có thể gây hư hại đến môi trường và vệ sinh công cộng. Chúng có thể gặm phá cây cối, cắn đứt dây điện, làm hỏng cảnh quan công cộng và gây ô nhiễm môi trường...

Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định mới, quy trách nhiệm của địa phương phải có trách nhiệm thành lập các đội bắt chó, mèo thả rông. Tuy nhiên, hoạt động này chưa đi vào thực tế, nhiều nơi còn lơi lỏng hoặc không đủ kinh phí để duy trì.

Nuôi thú dữ, động vật hoang dã vi phạm quy định pháp luật

Biến động vật hoang dã thành thú nuôi trong nhà là vi phạm pháp luật. ( Ảnh minh họa. Nguồn VNplus)

Biến động vật hoang dã thành thú nuôi trong nhà là vi phạm pháp luật.

( Ảnh minh họa. Nguồn VNplus)

Cạnh đó, một thực trạng đáng lo ngại khác là việc một bộ phận người dân thích nuôi các loại thú dữ trong nhà, gây ra nguy hiểm cho những người chung quanh. Đặc biệt, xu hướng nuôi chó độc, lạ đang là mốt của nhà giàu ở các thành phố lớn. Trong số đó, các giống chó săn, bản tính hiếu chiến, biết tấn công kẻ thù, bảo vệ chủ nhân như chó Phú Quốc, bec-giê, pitbull, rottweiller, bulldog, ngao Tây Tạng,... được ưa chuộng, gia chủ dùng để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình.

Cạnh đó, nhiều người còn lựa chọn nuôi cả cá sấu, gấu... trong nhà như một thú nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, cần biết rằng, các loại thú dữ có thể gây ra nguy hiểm đối với sự an toàn của gia đình và người sống trong nhà. Chúng có thể tấn công và gây thương tích cho con người, đặc biệt là trẻ em và người già. Các loại thú dữ, đặc biệt là chó dữ, có khả năng có những hành vi không ổn định và không an toàn. Chúng có thể trở nên bạo lực, có nguy cơ tấn công người khác hoặc các loài vật khác trong gia đình.

Nuôi các loại thú dữ đòi hỏi kỹ năng đặc biệt và quản lý chặt chẽ. Chúng cần được đào tạo và kiểm soát cẩn thận. Việc quản lý và điều khiển các loại thú dữ đòi hỏi nhiều công sức và tài chính, cùng với sự hiểu biết từ chủ nuôi. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, không ít người “nuôi cho oai”, vì thiếu hiểu biết mà gây ra những hệ quả khó lường. Đã có trường hợp gia đình nuôi gấu, cháu bé trong nhà chơi đùa thò tay vào chuồng gấu bị cắn đứt lìa cánh tay.

Thời gian qua, liên tiếp có hai vụ việc chó pitbull, một giống chó dữ đã tấn công, gây tử vong cho chính người già và trẻ em trong gia đình. Có trường hợp tại Nha Trang, chó dữ thường xuyên tấn công người dân trong khu dân cư, dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ nuôi vẫn không có biện pháp khắc phục. Cho đến khi con vật tấn công một du khách nước ngoài đang đi trên đường khiến du khách phải vào viện thì chủ nuôi mới bị xử lý.

Một vấn đề khác rộ lên trong những năm gần đây, đó là việc nhiều người dân, do thiếu hiểu biết hoặc cố tình săn thú độc là mà săn bắt, tìm mua, nuôi những loài động vật hoang dã trái phép. Có trường hợp, một nam ca sĩ nổi tiếng đã phải trả cá thể rái cá về sở thú sau một khoảng thời gian dài nuôi rái cá mà không biết là vi phạm pháp luật. Một số người dân còn săn bắt, nuôi trong nhà các loài trăn, rắn hổ mang, thậm chí một số loài trong Sách Đỏ, có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thực trạng người dân nuôi động vật hoang dã trái phép là một vấn đề nghiêm trọng. Việc nuôi động vật hoang dã trái phép có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái, cũng như đe dọa sự tồn tại và bảo tồn của các loài hoang dã, gây ra mất cân bằng môi trường. Cạnh đó, việc nuôi động vật hoang dã trái phép có thể tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe công cộng khi các loài hoang dã có thể mang các bệnh truyền nhiễm hoặc ký sinh trùng, cũng có thể tấn công, gây nguy hiểm đến người trong nhà và những người chung quanh.

Có thể thấy, hiện trạng nuôi thú nuôi của người dân đang có rất nhiều “vấn đề”, từ việc thiếu ý thức, thiếu hiểu biết cho đến hành vi coi thường pháp luật. Để giải quyết tình trạng này, một mặt cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao ý thức cộng đồng về việc tuân thủ quy định khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng, tăng cường các biện pháp giáo dục và quản lý, kiểm tra và kiểm soát. Mặt khác, cần hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn dưới luật cho việc xử lý các vi phạm về nuôi thú trong cộng đồng.

Cạnh đó, áp dụng luật nghiêm, không “du di”, bảo đảm các biện pháp chế tài nghiêm khắc cũng là cách khiến người dân bớt đi sự “nhờn luật”, bớt đi những hành vi thiếu ý thức, sai phạm trong việc nuôi thú, đem lại môi trường an toàn cho cả thú nuôi lẫn cư dân.

Đọc thêm