Thầy giáo đi xe lăn lên bục giảng: 'Được sống đã là một món quà'

(PLVN) - Ở Đà Nẵng, nói đến anh Trương Tấn Dũng, nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, nhiều người không còn xa lạ. Dù số phận gặp nhiều trở ngại, anh đã làm được nhiều điều phi thường để giúp đỡ cho trẻ em bất hạnh, truyền cảm hứng sống cho giới trẻ.
 Thầy giáo Dũng đi xe lăn dạy từng em trong lớp.
Thầy giáo Dũng đi xe lăn dạy từng em trong lớp.

Năm nay 37 tuổi, anh Dũng đã gắn bó với Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Thành phố Đà Nẵng (cơ sở Thanh Khê) đã 10 năm. Dù không biên chế giáo viên, nhưng ở trung tâm, học trò lớp học kỹ năng luôn trìu mến gọi anh bằng thầy giáo Dũng. Mỗi ngày, anh vượt chặng đường dài hơn 7km trên chiếc xe máy điện rồi nhọc nhằn di chuyển sang xe lăn để lên lớp. 

Anh Dũng kể, sinh ra và lớn lên ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Ngày nhỏ, Dũng cũng như bao đứa trẻ khác, cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh, bụ bẫm. Nhưng tạo hóa khéo trêu ngươi khi lên hai tuổi, sau một trận sốt nặng, anh teo dần tứ chi, trở thành khuyết tật. 

“Do chân tay co quắp, nên đúng tuổi đi học mà tôi không được đến trường. Năm lên bảy tuổi, mẹ mất, một thời gian ngắn sau ba đi làm ăn xa tận miền Bắc, để lại hai anh em côi cút cho bà ngoại chăm bẵm”, anh nhớ lại. 

Nhà ngoại nghèo, Dũng lại bệnh tật nên nhường việc học cho đứa em. Ngày ngày em đến lớp, Dũng len lén nhìn theo, trong lòng thầm ước một ngày cũng được đến trường. Khi em tan lớp, Dũng mượn vở nhờ em chỉ bày. Nỗi khát khao được học giúp Dũng tiếp thu rất nhanh. Rồi mong muốn cũng được thỏa lòng khi ngoại đồng ý cho Dũng đến lớp học xóa mù chữ của quận. 

Hết chương trình tiểu học, Dũng được cô giáo khen và được vào học trường công lập Trung học cơ sở Trần Quý Cáp. Những tháng năm tiếp đó Dũng đến trường bằng nghị lực vượt khó và sự hỗ trợ của các bạn, người thân để hoàn thành bậc Trung học phổ thông. 

Dũng bảo, dù việc đi lại quá khó khăn nhưng khát vọng học chữ đã giúp Dũng chiến thắng. Để được tiếp tục theo học, Dũng không ngần ngại đi bán vé số mỗi ngày, bất kể nắng mưa trên chiếc xe lắc tay cũ kỹ. Hàng chục cây số trên mọi nẻo đường, khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố.

Những giọt mồ hôi đổ xuống, từng tờ vé số được bán đi, đổi lại những đồng tiền được gom góp giúp theo đuổi con đường học. Dũng bảo, mình tàn tật nhưng không thể vì thế mà đầu hàng số phận. “Phải nỗ lực vượt lên, bởi được sống đã là một món quà rồi”, anh nói. 

Dũng kể, học xong cấp ba, Dũng theo học tiếp khóa học về máy tính rồi tìm đến trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng xin việc làm. Ở đây, lãnh đạo trung tâm đã tạo điều kiện cho Dũng tiếp tục thực hiện ước mơ khi Dũng ghi tên theo học hệ trung cấp công nghệ thông tin và đồ họa máy tính tại Trường Đại học Đông Á. Hoàn thành khóa học, nhận thấy Dũng có năng khiếu mỹ thuật cùng với tấm bằng đã hoàn tất, Trung tâm động viên anh ở lại phụ trách lớp học kỹ năng để truyền đạt kiến thức cho những số phận kém may mắn.

Dũng nói, ban đầu đứng lớp gặp muôn vàn khó khăn bởi lớp không giống hình dung ban đầu. Có nhiều kỹ năng đơn giản cũng phải lặp đi lặp lại liên tục để các em nắm bắt. Ở lớp, quên là chuyện thường; có nhiều khi dạy các em một kỹ năng nào đó, đến cả tuần rồi, đến khi hỏi lại các em… như chưa từng biết. Đành phải làm lại từ đầu. Mệt, nhưng anh kiên nhẫn bởi tâm niệm ở trung tâm còn có nhiều em kém may mắn hơn. Vì vậy, có lúc thấy nản, anh lại gạt qua, nhẫn nại đứng lớp, bày cho các em từng chi tiết một. 

Điều đặc biệt, lớp học ấy không thấy bảng phấn. Thầy lăn những vòng xe đến tận nơi, nắm tay các em nắn nót, chỉ ra từng nét vẽ hoặc con chữ. Thỉnh thoảng, thầy viết vào giấy A4 hoặc đưa lên những hình ảnh để giảng cho các em. Dũng kể, nhiều học sinh mới đến đều ở trạng thái tâm lý thiếu hòa đồng, cộc cằn, hay nổi nóng. Có trường hợp còn trèo tường bỏ trốn, buộc thầy cô phải đi tìm. Ngay cả việc ngồi giữ trật tự trong lớp cũng là “cuộc chiến”. Những tiếng gọi “thầy Dũng ơi” cứ liên tục cất lên bất kể giờ giấc…

Anh trải lòng, điều hạnh phúc sau mỗi bài giảng là nhiều học trò đã biết ngoan ngoãn, lễ phép, viết được đôi ba chữ cái hay phân biệt được những hoa trái, vật dụng trong đời sống thường ngày để bản thân các em không phụ thuộc người khác quá nhiều. 

Mười năm đứng lớp, anh nhớ như in, có lần ngay trong đêm sinh nhật mình, khi Dũng ở lại tập văn nghệ để chuẩn bị cho các trò diễn vào ngày mai, nhiều em trốn ra ngoài. Kiểm tra sĩ số thấy thiếu, thầy giận, lăn xe đi tìm học trò về, định la mắng. Nhưng khi nhìn thấy các em im lặng nhận lỗi và đưa ra món quà sinh nhật tặng thầy, anh xúc động đến rơi nước mắt. 

Ước mơ của anh là làm sao mở được một xưởng in ấn để tạo cơ hội việc làm cho các em sau này. “Nhiều em sau quá trình học được nâng cao nhận thức, tự phục vụ và rất biết nghe lời. Nếu có một công việc để các em tự nuôi bản thân, chắc sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”, anh bộc bạch. 

Đọc thêm