Thế mạnh chợ truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - So với thời điểm trước dịch Covid-19, lượng khách đến chợ truyền thống tại TP HCM hiện đã giảm 30 - 50%. Thông tin được đại diện Sở Công Thương chia sẻ tại một cuộc tọa đàm tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, giảm nhiều nhất là khách đi chợ mua vải (60 - 90%). Lượng người mua tạp hóa, quần áo, giày dép giảm 50 - 70%; còn vật liệu, phụ kiện máy móc, phụ gia thực phẩm, đồ dùng gia đình sụt 20 - 40%.

Theo Sở Công Thương, khách đi chợ truyền thống giảm do chuyển dịch thói quen mua sắm. Người dân ngày càng có xu hướng chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, mua sản phẩm nguồn gốc rõ ràng. Trong khi chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá, hàng giả, không rõ nguồn gốc; khiến một số khách hàng quay lưng.

Kênh bán lẻ này cũng chịu sức ép cạnh tranh của siêu thị, trung tâm mua sắm và các sàn thương mại điện tử với nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra để thu hút khách hàng và dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Một phần nguyên nhân còn do bất cập trong kinh doanh và công tác quản lý chợ, từ đầu tư cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý, chính tiểu thương đến quy hoạch phát triển thương mại địa phương.

Thế nhưng sòng phẳng mà nói, chợ truyền thống vẫn có những thế mạnh mà các loại hình khác khó có thể “đánh bại”. Khảo sát của Trường Đại học Kinh tế - Luật cho hay, người dân hài lòng nhất với giá cả khi mua sắm ở chợ truyền thống. Người dân cũng cho rằng sản phẩm tại đây tươi ngon hơn những kênh mua sắm trực tuyến. Nhận định này cũng phù hợp với báo cáo của Sở Công Thương, khi cho thấy riêng với thực phẩm, chợ truyền thống vẫn là điểm đến phổ biến để người dân mua sắm nên lượng khách ngành hàng này chỉ giảm không đáng kể.

Chợ truyền thống còn có thế mạnh là đa dạng mặt hàng, người bán “chuyên sâu” về một mặt hàng nhất định. Chợ truyền thống còn là nếp sống của một số người tiêu dùng, là nét văn hóa đẹp không thể thay thế hoàn toàn bởi kênh mua sắm khác. Nói như Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP HCM, chợ truyền thống có thế mạnh tương tác xã hội, là nơi hội tụ kinh tế, tương tác cộng đồng, văn hóa chứ không chỉ điểm bán sỉ - lẻ đơn thuần.

Nhận diện những thế mạnh của chợ truyền thống trong thời đại mua sắm online, để thấy rằng mô hình chợ truyền thống cũng cần có một số sự thay đổi để phù hợp; như thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại; kết hợp online và offline. Đó là lý do TP HCM có ý định đưa các hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tập huấn tiểu thương tiếp cận bán hàng trực tuyến, bán livestream, nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ và phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch góp phần phát triển du lịch - kinh tế địa phương. Nếu làm được những điều đó, nhất định sức sống của chợ truyền thống sẽ không thể tàn lụi, mà sẽ duy trì phát triển song song cùng các kênh thương mại điện tử.

Đọc thêm