Dự án kết nối trung tâm kinh tế, chính trị
Trong kỳ họp bất thường vào đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự án sẽ đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công; gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Mục tiêu của 12 dự án cao tốc này là hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Theo Bộ GTVT, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063km, đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư. Giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư 729km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. 27km còn lại gồm: đoạn Hòa Liên - Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau năm 2025. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Theo nghị quyết của Quốc hội, sơ bộ tổng mức đầu tư của 12 dự án trên là 146.990 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng. Từ năm 2021, các dự án bắt đầu được triển khai và cơ bản hoàn thành vào năm 2025 để năm 2026 đưa vào khai thác, sử dụng.
Theo tính toán, “đại” dự án này có nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.481ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Cam kết đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm
Sau khi Quốc hội ra Nghị quyết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ là đơn vị chính trực thuộc Chính phủ triển khai 12 dự án cao tốc mới này. Ngay những ngày đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thể hiện quyết tâm cao thực hiện thành công các dự án. “Sẽ làm cao tốc Bắc - Nam bảo đảm đúng tiến quy định, tiến độ và tiết kiệm nhất”.
Theo “Tư lệnh” ngành GTVT, trong quá trình chuẩn bị thực hiện các dự án này, các đơn vị của Bộ GTVT đã tính toán từng cây cầu, từng km hầm, kể cả địa chất, thủy văn; từ đó làm căn cứ, cơ sở để tính tổng mức đầu tư sao cho tiết kiệm nhất. Đấy cũng là căn cứ để tính toán đấu thầu trong quá trình thực hiện dự án.
Đánh giá về 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sắp được đầu tư mới, tại kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu năm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sớm triển khai thực hiện dự án càng có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết vùng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình thực hiện dự án trong giai đoạn 2017-2020; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của giai đoạn trước làm bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.