Phần còn lại là ngừng tuân thủ hoàn toàn thoả thuận này. Iran đã đưa ra cho EU thời hạn 60 ngày để có những biện pháp và cơ chế đảm bảo cho Iran tiếp tục xuất khẩu dầu lửa bình thường đổi lại lấy việc Iran tiếp tục thực hiện thoả thuận trên.
Mỹ đã đơn phương rút khỏi thoả thuận ấy, đã áp dụng trở lại tất cả những biện pháp trừng phạt Iran, thậm chí còn gia tăng mức độ và phạm vi trừng phạt Iran, đồng thời đang triển khai quân đội và vũ khí ở khu vực vùng Vịnh để sẵn sàng chiến tranh với Iran.
Tất cả những động thái ấy cùng với vụ việc có 4 con tầu chở dầu bị cho là bị ai đó phá hoại ở ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất khiến cho tình hình chính trị an ninh ở khu vực vùng Vịnh, Trung Đông và Bắc Phi chứ không chỉ có đơn thuần trong mối quan hệ giữa Iran và Mỹ trở nên rất phức tạp và căng thẳng.
Nguy cơ bùng phát đụng độ quân sự, thậm chí cả chiến tranh thực thụ, giữa Mỹ và Iran rất tiềm tàng, cho dù cả phía Mỹ lẫn phía Iran đều quả quyết là không có chủ ý lôi kéo nhau vào chiến tranh. Thế giới không muốn chiến tranh xảy ra và thôi thúc hai đối tác này kiềm chế và giảm đối đầu để ngăn ngừa xung đột quân sự và chiến tranh, nhưng cũng có những đối tác nhất định mong muốn chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Iran.
Họ sẽ có hành động gì đấy rồi đổ vấy trách nhiệm cho Iran để Mỹ lấy làm cớ cho là bị Iran khiêu khích quân sự nên tiến hành tấn công Iran. Khi ấy, chiến tranh giữa hai bên khó còn có thể tránh khỏi.
Bởi thế, chính trong bối cảnh tình hình hiện tại, tất cả các bên liên quan càng cần phải thận trọng, kiềm chế và tỉnh táo. Một tia lửa nhỏ có thể gây ra hoả hoạn lớn.