Những dự báo lạc quan
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, quá trình đô thị hóa, hiện hại hóa đang tiếp tục diễn ra nhanh, mạnh ở cả các đô thị lớn và tại các địa phương, dân số đông cộng với xu hướng dân cư từ nông thôn lên thành thị lập nghiệp đã tạo ra lượng cầu rất lớn ở các đô thị về nhà ở, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đó là cơ sở nhiều chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam sẽ tiếp đà phát triển “nóng” trong ít nhất 10 năm tới.
Phân tích về lượng cầu cao hơn cung, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bắt đầu cách đây vài ba năm, tức từ khoảng giữa năm 2018, do vấn đề pháp lý được siết chặt, nhiều dự án BĐS không được triển khai. Cũng từ khoảng thời gian này, việc xin được dự án BĐS mới rất khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý. Do đó, không nhiều dự án BĐS được triển khai và rao bán ra thị trường, nhất là ở những khu đô thị lớn, quỹ đất hạn hẹp như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Sang năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát, ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành kinh tế, thị trường BĐS trầm lắng xuống. Nhiều DN đầu tư BĐS cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn, các dự án mới được triển khai không nhiều, nguồn cung BĐS lại càng hạn chế.
Trong khi cung hạn chế thì cầu lại càng dồn lên. Theo GS Đặng Hùng Võ, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của người dân; năm này chưa mua được thì dồn nhu cầu sang năm sau và đến khi nào mua được nhà thì nhu cầu người dân mới thôi. Do đó, thời gian qua lượng cầu bị nén lại và sẽ “bung” trong thời gian tới. Thời điểm chính là vào năm 2021.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam dự báo, lực cầu về BĐS năm 2021 sẽ tăng khoảng 70% so với năm 2019 (là thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid-19). Cũng theo vị này, thời điểm cuối năm 2020 đầu năm 2021 đã cho thấy những dấu hiệu rất tích cực về thị trường BĐS khi lượng giao dịch tăng lên, giá cũng được chủ đầu tư và nhà đầu tư đẩy lên cao hơn...
Nhiều rào cản pháp lý cần gỡ bỏ?
Cũng theo ông Đính, 2021 cũng sẽ là năm nhiều thủ tục pháp lý được gỡ vướng, tạo đà một lúc để đẩy thị trường BĐS đi lên.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thị trường BĐS năm 2021 không chỉ “nóng” ở các đô thị lớn mà đang có làn sóng dịch chuyển về vùng ven đô và các tỉnh có tiềm năng. Đây là logic dễ hiểu vì khi tại các đô thị lớn, quỹ đất và thủ tục pháp lý khó khăn, DN sẽ tìm cơ hội ở những địa phương có tiềm năng và xây dựng các dự án tại đây, kéo theo thị trường BĐS tại những địa phương này “nóng” lên. Tiên phong cho xu hướng đầu tư những dự án BĐS lớn tại các tỉnh lẻ và thành công có thể kể đến là Tập đoàn APEC với các dự án lớn ở Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Yên Bái, Huế, Phú Yên. Hoặc như Tập đoàn Kosy cũng đang triển khai nhiều dự án BĐS lớn ở các tỉnh như: Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Giang…
Cùng với dự báo BĐS sẽ phát triển mạnh trong năm 2021 thì còn đó những lo lắng về rủi ro cũng như giá thành. Theo đó, tại các đô thị lớn, quỹ đất cho các dự án BĐS hạn chế, nhiều dự án chỉ được cơ quan chức năng cấp cho xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng những có trường hợp chủ đầu tư “lách” để mua bán, chuyển nhượng căn hộ. Nếu người tiêu dùng không lưu ý, khi mua tại những dự án này sẽ không được cấp “sổ đỏ”, khi đến sinh sống cũng không được đăng ký tạm trú.
Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ, còn nhiều rủi ro khác về mặt pháp lý mà pháp luật chưa quy định chặt chẽ. “BĐS nông nghiệp đang tiềm năng nhưng hệ thống pháp luật hầu như chưa có nhiều quy định; BĐS công nghiệp cũng nhiều tiềm năng và cần có cơ chế chính sách; BĐS du lịch cần được cởi trói để phát triển mạnh hơn…”, ông Võ cho biết.
Về giá BĐS, nhất là giá nhà chung cư được đánh giá sẽ còn tăng cao, điều này khiến nhiều người dân có nhu cầu nhà ở không thể tiếp cận được. Bộ Xây dựng mới đây cũng thừa nhận, giá nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có mức giá rất cao, thu nhập người dân bình thường không thể mua được. Tuy nhiên, về mặt giải pháp thì Bộ Xây dựng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để hạ giá thành BĐS bởi Luật Kinh doanh BĐS quy định giá nhà do người bán và người mua tự thỏa thuận. Theo một đại diện Bộ Xây dựng, đây có thể coi là lỗ “hổng” mà thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi để giá căn hộ chung cư cũng như giá nhà có mức phù hợp hơn…