Thị trường bất động sản: Nhiều 'điểm nghẽn' cần sớm tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, “điểm nghẽn” cần kịp thời tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: lệch pha cung - cầu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, giá bất động sản còn cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính…
Các chuyên gia phân tích khó khăn cũng như giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Các chuyên gia phân tích khó khăn cũng như giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp cạn vốn

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản (BĐS)” diễn ra cuối tuần qua, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và bất định, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng vượt trội ngay sau giai đoạn tăng trưởng suy giảm sâu do đại dịch COVID-19.

“Lạm phát và kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, một số vấn đề của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ còn chưa được cải thiện, theo đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế…” - Hiệu trưởng NEU nhấn mạnh.

Theo ông Chương, một trong những “điểm nghẽn” có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường BĐS còn nhiều rủi ro bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW - TS Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” cần đột phá trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là thị trường BĐS. “Nếu giải quyết tốt được thị trường BĐS sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - vốn, phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xi măng, thép, đồng thời giải quyết được số lượng lớn việc làm…” - ông Hiển phân tích.

Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2023, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới giảm mạnh (quý I/2023 là 940 DN, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022), bên cạnh đó, số lượng DN giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 DN (tăng 30,2%) và 1.816 DN (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước; Trong quý I/2023, có thêm khoảng 30 - 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước, đồng thời ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Đặc biệt, áp lực thanh khoản trên thị trường BĐS vẫn là rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam 2023. Dòng tiền của DN vào cuối quý IV/2022 đã suy giảm mạnh, khả năng thanh toán lãi vay ở mức thấp, khả năng trả nợ suy giảm, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu ở mức cao, các kênh vốn chính của DN còn nhiều khó khăn...

Theo báo cáo của Fiin Group, BĐS là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17%, cao thứ 2 sau ngành năng lượng (63,1%). Đặc biệt, trái phiếu DN BĐS hiện đang có quy mô lưu hành lên tới hơn 396.300 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị lưu hành.

Hiện nay, tại rất nhiều địa phương, nhất là TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tồn đọng một số lượng lớn các dự án BĐS cần cơ chế đặc thù để xử lý sau kết luận thanh tra, kiểm tra và các bản án; nếu xử lý được sẽ có một nguồn lực rất lớn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2023.

Chống đầu cơ nhưng tránh gây sốc, đóng băng thị trường

Các số liệu kinh tế vĩ mô quý I/2023 cho thấy rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế, việc làm cũng như sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm 2023 ở mức khá cao.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới kém thuận lợi, Việt Nam cần kịp thời đưa ra các chính sách kích cầu, giãn nợ, cũng như tạo điều kiện để các DN, đặc biệt là các DN BĐS có thể huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu…” - ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, để giải quyết khó khăn cho thị trường BĐS, không để thị trường BĐS trở thành nhân tố tác động gây lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”, việc kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ; nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội…

Các giải pháp cần hướng tới các vấn đề trọng tâm của thị trường BĐS hiện nay là sự lệch pha cung - cầu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội; giá BĐS còn cao, thiếu sự kiểm soát và điều tiết; nhiều DN BĐS gặp khó khăn về tài chính.

GS Tô Trung Thành, đồng chủ biên Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường BĐS” lưu ý: 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, trong đó có thị trường BĐS.

“Thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường BĐS thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Do đó, ổn định và phát triển thị trường BĐS là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác điều hành chính sách trong năm 2023…” - GS Tô Trung Thành nhấn mạnh.

Đọc thêm