Thị trường thép: “Cuộc chiến” tự vệ thương mại bắt đầu

(PLO) - Kể từ ngày 21/3, cơ quan hải quan chỉ thông quan mặt hàng thép nhập khẩu khi có kết quả kiểm tra chất lượng chuyên ngành.
Đang có “sự xâm lăng ồ ạt của thép nhập khẩu” vào thị trường nội địa

Hàng rào kỹ thuật

Đây là quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/BCT-BKHCN của Liên Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/3 tới đây.

Theo đó, cơ quan hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp bản Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

Đối với các loại thép được phân loại theo những mã HS (mã hàng hóa) quy định tại Mục 2 Phụ lục III (gồm các sản phẩm thép có mã HS: 7224.10.00 và 7224.90.00) phải bổ sung thêm bản kê khai thép nhập khẩu đã được Bộ Công Thương (Vụ Công nghiệp nặng) xác nhận và bản sao giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép của Bộ Công Thương.

Cơ quan hải quan cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở KH&CN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý theo quy định của Luật Hải quan đối với lô thép nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng; đồng thời giám sát, thống kê tình hình nhập khẩu thép và cung cấp số liệu nhập khẩu hàng quý phục vụ quản lý nhà nước.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm thép phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho thép nhập khẩu. Sản phẩm thép nhập khẩu cũng phải được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Việc ghi nhãn hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ KH&CN và Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ngày 25/7/2007 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Biện pháp tự vệ tạm thời

Trước đó hôm 7/3, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. 

Cụ thể, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng với mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài. Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời.

Trước đó, 4 doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành Thép gồm: Cty Gang thép Thái Nguyên, Cty Thép Miền Nam, Cty Thép Hoà Phát và Cty Thép Việt Ý đã nộp hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài đến Cục Quản lý cạnh tranh, sau đó lại tiếp tục có đơn kêu cứu khẩn thiết gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng. 

Các DN này cho rằng đang có “sự xâm lăng ồ ạt của thép nhập khẩu” vào thị trường nội địa.  Theo đó, phôi thép nhập khẩu đã ào ạt tràn vào Việt Nam với sản lượng nhập khẩu năm 2015 lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng gấp 3,1 lần so với năm 2014. Trong đó lượng phôi nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 2/3, lượng tăng đột biến và giá bán liên tục sụt giảm sâu, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất trong nước. 

Theo các DN thép trong nước, việc nhập khẩu thép ồ ạt từ Trung Quốc bắt nguồn từ sự suy giảm của nền kinh tế và chủ trương tái cấu trúc cơ cấu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Thống kê của Hiệp hội Thép thế giới cho thấy, năm 2015 năng lực sản xuất thép thô của Trung Quốc đạt trên 1,1 tỷ tấn, sản lượng thép sản xuất tại Trung Quốc năm 2015 là trên 800 triệu tấn, mức tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc sụt giảm cực mạnh dẫn đến lượng thép dư thừa trên 200 triệu tấn.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép với công suất dư thừa, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu thép, như áp dụng chính sách miễn giảm thuế, hoãn thu thuế đối với một số sản phẩm thép; xuất khẩu với giá bán dưới giá thành chi phí và thấp hơn thị trường thế giới trung bình 20 – 20%...

Do vị trí địa lý và cự ly vận chuyển thuận lợi, một lượng lớn thép Trung Quốc đã nhập vào các nước ASEAN, trong đó Việt Nam là thị trường hứng chịu nặng nề nhất với gần 10,4 triệu tấn thép nhập khẩu. 

Chỉ tính riêng phôi thép, trong năm 2015, toàn ngành Thép Việt Nam công suất 11 triệu tấn nhưng chỉ sản xuất được 5,9 triệu tấn, trong khi đó riêng phôi thép nhập khẩu đã lên tới 1,8 triệu tấn, bằng 30% lượng phôi sản xuất được của toàn ngành. 

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài là biện pháp được WTO cho phép trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay. Các DN thép đứng đơn viện dẫn trên khắp thế giới đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cụ thể, trong 7 năm gần đây, Ủy ban Châu Âu đã 14 lần sử dụng hàng rào thuế quan và áp dụng biện pháp phụ phí nhập khẩu lên tới 40% đối với thép Trung Quốc; Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây Trung Quốc ở mức 31,4 – 35,1%; Ấn Độ cũng tăng thuế nhập khẩu thép từ 10 – 15%...

“Sản phẩm thép của Trung Quốc bị ngăn chặn khắp thế giới, vô hình trung Việt Nam càng trở thành “chỗ trũng” lý tưởng cho thép Trung Quốc nếu như chúng ta không có biện pháp cụ thể” – các DN khẳng định. 

Như PLVN đã đề cập, phát biểu tại Hội thảo “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập từng ví von cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu như một cuộc đấu trên võ đài và DN Việt Nam đang lép vế hoàn toàn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, với 46 lần bị “nốc ao” trong khi chỉ 2 lần hạ được đối thủ.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về PVTM (VCCI), các vụ kiện PVTM được sử dụng để chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, nhất là vừa ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… càng đòi hỏi các DN phải thuần thục những công cụ này để bảo vệ môi trường kinh doanh, nền sản xuất trong nước. Nhưng thực tế thì năng lực tự vệ của cộng đồng DN nói chung còn yếu, khó khăn trong tập hợp lực lượng...

Tuy nhiên, câu chuyện của ngành Thép cho thấy, đứng trước cuộc chiến sinh tồn rồi cũng đến lúc các DN trong nước học được cách “đứng chung trong một chiến hào”.

Đọc thêm